Phim Ảnh

'The Innocence Files': Series phim tài liệu Netflix về các vụ án oan tại Mỹ

Ngọc King.
Chia sẻ

Loạt phim "The Innocence Files" đã soi vào những lỗ hổng trong hệ thống hành pháp Hoa Kỳ, thứ gây ra hàng loạt bi kịch bắt nhầm người vô tội. Cùng với đó là nỗ lực của thành viên trong dự án Vô Tội (Innocence Project) nhằm trao trả lại công lí cho những tù nhân chịu oan.

Trailer “The Innocence Files” của Netflix.

Franky Carillo chỉ mới 16 tuổi, ở nhà phụ giúp việc vặt cho bố khi cảnh sát ập tới và bắt cậu với tội danh giết người tại Lynwood, California. Kennedy Brewer khoảng 20 tuổi khi đó, bị tuyên án tử hình vì tội bắt cóc, cưỡng bức và sát hại con gái 3 tuổi của bạn gái tại Noxubee, Mississippi. Thanh niên 21 tuổi Chester Hollman bị bắt, thẩm vấn và buộc tội giết người cướp của chỉ vì chiếc xe của anh giống với mô tả của nhân chứng khi đang lái xe gần nơi diễn ra vụ cướp tại Philadelphia.

Tám trường hợp khác diễn ra tại tám địa điểm trên toàn nước Mỹ, nhưng đều chung một bi kịch. Họ là những thanh thiếu niên vô tội bị tước đi cuộc đời sau song sắt, bởi tội lỗi mà họ không gây ra. Mỗi câu chuyện trong The Innocence Files là hành trình đòi lại công lý muộn màng bởi những sai lầm trong hệ thống tư pháp, hành pháp của nước Mỹ đẩy người vô tội vào tù.

Nếu như không có sự can thiệp của tiến bộ khoa học và các thành viên không biết mệt mỏi của dự án Vô Tội (Innocence Project), cuộc đời của những người tù oan sai như Franky, Chester hay Kennedy sẽ bị lãng quên và kết thúc trong cay đắng.

Kết tội sai là điều cố hữu trong hệ thống luật pháp tại Mỹ: kể từ năm 1989 đến nay đã có đến 2600 trường hợp bị cáo từng bị xử oan được miễn tội. Nếu như chỉ nhìn vào số liệu, người ta có thể viện cớ rằng đó là sai số có thể chấp nhận đối với thời kỳ số lượng tội phạm tăng cao như những năm 90. Tuy nhiên, khi trực tiếp tìm hiểu chân dung của từng con người vô tội bị tước đi năm tháng tuổi trẻ, nhân phẩm, tự do, bị ngược đãi trong hàng chục năm, không khó để chúng ta có thể hình dung bức tranh mà The Innocence Files đang khắc họa ám ảnh thế nào.

Lật lại tính xác thực của khoa học điều tra

Chín tập phim của series Netflix này được gom lại thành ba phần, mỗi phần tập trung vào một khía cạnh lớn trong luật pháp Mỹ có thể dẫn đến luận tội sai bao gồm bằng chứng, nhân chứng và truy tố. Bằng câu chuyện trực quan người thật việc thật, mỗi tập phim chỉ ra sự không đáng tin cậy của bằng chứng pháp y, nhân chứng tại hiện trường hoặc nghiệp vụ của cảnh sát tham gia điều tra vụ án.

Ví dụ, ba tập đầu xoay quanh quá trình bắt giữ và kết tội hai người đàn ông dựa trên lập luận của một “giáo sư pháp y” về vết răng cắn (bite mark) trên cơ thể nạn nhân. Trước khi có công nghệ gene, thủ thuật phân tích vết răng được coi là nghiên cứu đột phá của ngành khoa học pháp y thập niên 80, 90.

Kết quả là hai người đàn ông vô tội bị bắt, một người lãnh án tử nằm khám biệt giam nửa thập kỷ, rồi ngồi tù hàng chục năm trước khi được minh oan. The Innocence Files kết luận, ngành phân tích vết răng không hề đáng tin cậy như những chuyên gia trong ngành vẫn khoe khoang, và cả cách mà truyền thông mô tả chúng.

Tương tự, loạt phim cũng chỉ ra sai lầm chết người trong việc tin dùng lời khai nhân chứng. Hàng loạt thí nghiệm và lời trích dẫn của những nhà khoa học chứng minh rằng khi tiếp xúc với chân dung ai đó, não bộ con người tự động bóp méo chúng, thêm bớt các chi tiết để phù hợp với thứ mà ta tin rằng đó là thứ ta đã thấy.

Trong một vài trường hợp, sự khuyến khích của thanh tra điều tra hoặc áp lực dư luận cũng là yếu tố khiến nhân chứng nói dối. Ví dụ, một họa sĩ phác họa chân dung tội phạm đã thao túng chị gái của nạn nhân - khi đó là một cô bé 5 tuổi - để em miêu tả các đặc điểm trùng khớp với nghi phạm họ đang nghi ngờ. Một tập khác, nạn nhân của vụ cưỡng bức đã chỉ nhầm một thiếu niên và khẳng định chắc chắn đó là anh ta. Cô không chút nghi ngờ cho tới mãi gần 30 năm sau khi ADN xác nhận đó không phải là thủ phạm.

Kẽ hở trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ

Hai thành viên của Dự án Vô tội (ngoài cùng bên phải và bên trái) bên cạnh Levon Brooks (thứ hai từ trái sang) sau khi minh oan thành công giúp Levon lấy lại tự do.

Dự án Vô Tội được lập ra không chỉ để minh oan cho những tù nhân chịu bất công, mà còn trả lời cho câu hỏi, tại sao họ bị vào đây ngay từ đầu nếu như hệ thống hành pháp và tư pháp Mỹ làm đúng chức phận. Trong một vài tập, cảnh sát mớm cung cho nhân chứng hoặc cưỡng ép họ đưa ra lời làm chứng và buộc tội nghi phạm. Họ biết rằng nếu tù nhân được chứng minh vô tội, sở cảnh sát sẽ đứng trước vụ kiện khổng lồ nên đã tìm mọi cách để gây sức ép nhằm khiến vụ việc chìm xuồng.

Tập khác, sự thiếu hiểu biết của bồi thẩm đoàn đã đưa tới quyết định giáng tội cho một người họ không có được toàn bộ thông tin về vụ án từ đầu. Trên toàn nước Mỹ, có tới 15 bang không thông qua dự luật bồi thường cho người mắc án oan, dẫn tới tình trạng có những người được thả tự do sau 30 năm trở thành những ông bà lão với không một sự trợ giúp.

Rõ ràng có những vấn đề trong cả hệ thống dẫn tới hành vi tắc trách, cẩu thả, vô tình của một bộ phận người làm công vụ, và nhiệm vụ của các thành viên trong dự án là vận động những nhà làm luật thay đổi thực trạng này.

Sở hữu những thước phim tái hiện hiện trường, cuộc phỏng vấn chuyên sâu với nạn nhân, gia đình của họ, bồi thẩm đoàn, thành viên của cơ quan thực thi pháp luật và các chuyên gia khoa học, The Innocence Files là một series phim tài liệu đỉnh cao đưa tới cái nhìn toàn cảnh, trực quan mà đau lòng về một trong những vấn đề xã hội nhức nhối. Trung bình phải mất tới 5 năm để có thể thực hiện thành công một chiến dịch minh oan cho tù nhân, đủ để thấy hệ thống pháp luật Mỹ làm việc trì trệ ra sao.

Kết thúc, loạt phim đưa ra những hướng giải quyết để xây dựng một nền luật pháp minh bạch và hiệu quả hơn bao gồm đưa ra các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho bằng chứng pháp y, giảm sự phụ thuộc vào lời khai nhân chứng và quy kết trách nhiệm cho các công tố viên cho các hành vi sai trái.

Series hiện đang được chiếu trên hệ thống Netflix.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc King.

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất