Phim Ảnh

'The Big Short' - Khi đồng tiền làm lu mờ lý trí

Chia sẻ

Tác phẩm thể hiện xuất sắc cuộc khủng hoảng tài chính 2008, cũng như đưa ra một thông điệp mạnh mẽ cho tương lai.

Ngày 7 tháng 9 năm 2008, chính phủ Mỹ buộc phải tiếp quản hai nhà cho vay Freddie Mac và Fannie Mae. Một tuần sau đó, ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản sau một thế kỷ rưỡi tồn tại. Khủng hoảng tài chính như ngọn lửa không thể nào dập tắt, từ Hoa Kỳ lan nhanh ra các nước khác. Khi mọi chuyện kết thúc, năm nghìn tỷ USD trong những khoản trợ cấp, bất động sản, tiết kiệm và trái phiếu đã biến mất. Chỉ tính riêng ở Mỹ đã có 8 triệu người mất việc làm, 6 triệu người mất nhà.

Ngày 23 tháng 10 năm 2008, chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Alan Greenspan thừa nhận sai lầm trước Quốc hội. Nguyên nhân của khủng hoảng bắt nguồn từ đầu thập niên với những khoản cho vay dưới chuẩn, cầm cố bất động sản bất kể khả năng chi trả của khách hàng. Bong bóng bất động sản dần phình to, cuối cùng đã khiến thị trường đóng băng và sụp đổ. Một vết nhơ không thể gột rửa, đánh mạnh vào lòng kiêu hãnh của chủ nghĩa tư bản nói chung, và ngành tài chính nước Mỹ nói riêng.

Trong giới điện ảnh, ngoài Margin Call (2011), chưa có nhiều tác phẩm khai thác về cuộc khủng hoảng này. Với nhiều thông số và thuật ngữ khô khan, chủ đề tài chính có lẽ phù hợp hơn với dòng phim tài liệu. Thế rồi, năm 2013, hãng Paramount mua lại bản quyền tác phẩm văn học The Big Short: Inside the Doomsday Machine của Michael Lewis và giao cho Adam McKay thực hiện. Sự kết hợp này đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Vị đạo diễn 47 tuổi không chỉ truyền tải trọn vẹn những chi tiết của cuộc khủng hoảng mà còn tạo ra một phim hài đen với nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo.

Những nhà tiên tri lập dị

Vào giữa thập niên 2000, bằng trực giác nhanh nhạy, một số người đã nhìn ra điểm yếu chết người của thị trường tài chính tưởng chừng như không thể sụp đổ của Hoa Kỳ. Qua đó, họ “chống lại hệ thống” và đầu cơ vào những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng CDS (hoạt động theo nguyên lý bảo hiểm). Khi thị trường đổ vỡ vì mất khả năng trả nợ, những người đầu cơ CDS sẽ được ngân hàng trả những khoản tiền rất lớn.

The Big Short mô tả những hoạt động của giới tài chính Hoa Kỳ

The Big Short mô tả những hoạt động của giới tài chính Hoa Kỳ

Về cơ bản, The Big Short không có một nhân vật chính rõ ràng, mà gồm ba câu chuyện gần như riêng biệt. Nhà quản lý quỹ đầu tư Scion Michael Burry (Christian Bale) là một trong những người đầu tiên đưa ra lời tiên đoán về bong bóng nhà đất. Bất chấp sự phản đối của khách hàng, anh đổ tiền vào các hợp đồng CDS. Trong hai năm, Burry gánh chịu không ít những lời thóa mạ và chế nhạo, thậm chí cả kiện tụng từ các đối tác.

Hay tin các hoạt động của Burry, chuyên viên tài chính Jared Vennett (Ryan Gosling) tự mình nghiên cứu và cũng phát hiện ra lỗ hổng của thị trường. Anh hợp tác cùng nhóm của Mark Baum (Steve Carell) để đầu cơ CDS. Câu chuyện thứ ba xoay quanh Charlie Geller (John Magaro) và Jamie Shipley (Finn Wittrock), hai nhà kinh doanh trẻ tuổi cũng tham gia thị trường hoán đổi rủi ro tín dụng dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Ben Rickert (Brad Pitt).

Cách thiết kế theo những lát cắt độc lập của Adam McKay cho khán giả thấy được sự muôn màu của giới tài chính, khi mỗi nhân vật đại diện cho một cá tính khác nhau. Michael Burry là một “quái nhân” kỳ lạ chỉ nhìn nhận dựa vào các con số mà bỏ qua mọi cảm xúc hay tác động từ người khác. Nguyên là một bác sĩ đổi nghề với một mắt bị hỏng, anh cũng là kẻ lập dị nhất phim khi thường xuyên đi chân đất và gần như chỉ mặc duy nhất một chiếc áo thun xuề xòa trong lúc làm việc.

2

Bốn nhân vật trong ba tuyến chuyện chính của phim

Ngoại trừ Burry, các vai diễn còn lại đều được thay tên đổi họ so với hình mẫu thật ngoài đời. Steve Carell thủ vai Mark Baum, một kẻ trực tính theo thuyết nghi ngờ, luôn tin rằng toàn bộ hệ thống chỉ là trò lừa đảo. Nhân vật này cũng là người có sự giằng xé mạnh nhất về lương tâm. Trong nửa cuối của phim, ông không hề vui sướng với khoản hời mà mình sắp kiếm được, mà thể hiện sự chán nản và đau khổ trước lòng tham của giới tài chính, những kẻ sẵn sàng vì lợi ích mà đẩy hàng ngàn người vào cảnh khốn cùng.

Điều ngược đời là Mark Baum lại phải hợp tác với một kẻ như vậy. Là nhân viên ngân hàng nhưng Jared Vennett không ngại “bán đứng” cơ quan của mình và mách nước cho những kẻ đầu cơ. Nhân vật do Ryan Gosling thủ vai thật sự là một mẫu “sói già” nham hiểm của giới tài chính, và trong đoạn cuối, chính hắn cũng thừa nhận mình “không phải người hùng” trong bộ phim này. Sự tương phản thể hiện rõ trong những đoạn hội thoại của Baum và Vennett, một bên là nụ cười khoái trá còn với người kia là ánh mắt đầy lo âu.

3

Sự mâu thuẫn giữa Mark Baum và Jared Vennett

Trong khi đó, hai nhân vật Charlie Geller và Jamie Shipley lại là chân dung điển hình của những người trẻ: khát khao và có chút gì đó bồng bột. Ban đầu, họ cũng là những kẻ nhẫn tâm chỉ nghĩ đến tiền. Song, sau lời quở trách của Ben Rickert (Brad Pitt), cả hai đã nhận ra mặt trái của giới tài chính Mỹ. Sau đợt suy thoái, họ thậm chí còn đi kiện những kẻ đã gây ra cuộc khủng hoảng khiến bao người tan nát cửa nhà. Vượt qua gian nan và tủi nhục, tất cả những “nhà tiên tri” này cuối cùng đều đi đến đích. Thế nhưng ngoại trừ Vennett, chẳng ai tận hưởng được niềm vui, mà đổi lại chỉ là sự trống rỗng và thất vọng.

Có một phố Wall tàn nhẫn

Để tạo ra một tác phẩm thành công, hãng Paramount Pictures phải vượt qua một thách thức: phim cần có những thông tin thật chuẩn xác về tài chính, đồng thời cách truyền đạt lại phải dễ hiểu, không gây nhàm chán. Điều này được đạo diễn Adam McKay thực hiện một cách xuất sắc bằng những thủ pháp vô cùng táo bạo.

Để giải thích các lý thuyết tài chính, vị đạo diễn 47 tuổi này sử dụng nhiều mẩu chuyện nhỏ, được kể thông qua những người nổi tiếng như Selena Gomez hay Margot Robbie. Những câu chuyện về bài bạc hay nấu ăn tưởng chừng như không liên quan gì, nhưng hóa ra lại là những ví dụ vô cùng sinh động và hóm hỉnh, giúp người xem hiểu rõ các thuật ngữ của giới ngân hàng. Các nhân vật trong phim cũng liên tục phá vỡ bức tường thứ 4 và trò chuyện trực tiếp với khán giả, đôi khi tạo cảm giác như cả tác phẩm là một màn hài độc thoại (stand up comedy).

4

Có cả một đoạn Margot Robbie… nằm trong bồn tắm và giải thích về tài chính

Từng gây ấn tượng với The Other GuysAnchorman, Adam McKay nâng tầm đáng kể chất châm biếm của mình trong The Big Short. Xen lẫn với mạch phim là nhiều câu triết lý sâu cay được lồng vào, chẳng hạn như: “Sự thật giống như thơ ca. Phần lớn người ta ghét chúng” hay “Tận sâu trong đáy lòng, mỗi người đều mong chờ ngày tận thế.” Trong bối cảnh đó, giới tài chính Hoa Kỳ hiện lên như những kẻ phản diện tham lam, sẵn sàng dùng chiêu trò để trục lợi bất chấp hậu quả.

Ở nửa đầu, chúng ta được chứng kiến những trò lừa và phất lên nhanh chóng của một số cá nhân, nhưng rồi mọi thứ đổ vỡ theo dây chuyền ở nửa sau, và tiếng cười ngạo nghễ nhanh chóng hòa trong những giọt nước mắt cay đắng. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng thủ pháp “đoạn kết giả” để nhấn mạnh vào ý tưởng: dù vấp phải cú ngã đau đớn như vậy, song nước Mỹ đã, đang và sẽ không bao giờ thay đổi. Với một kịch bản đa tầng, nhiều nhân vật nhưng vẫn vô cùng chặt chẽ như vậy, không ngạc nhiên gì khi Adam McKay và biên kịch Charles Randolph đều được đề cử Oscar. Và nếu ngày 28/2 tới đây, họ có được vinh danh thì cũng hoàn toàn xứng đáng.

Diễn xuất đỉnh cao của Christian Bale và Steve Carell

Trên nền một cốt truyện chỉn chu như vậy, dàn diễn viên của The Big Short có nhiều cơ hội để bứt phá. Gây ấn tượng nhất chắc chắn là Christian Bale và Steve Carell. Có thể nói, mỗi lần Christian Bale xuất hiện, khán giả lại phải trầm trồ với một diện mạo hoàn toàn khác của anh. Trong vai nhà đầu tư Michael Burry, nam diễn viên The Dark Knight một lần nữa chứng tỏ vì sao anh được xem là tài tử có khả năng nhập vai đa dạng nhất Hollywood. Michael Burry có một chút chất ngạo nghễ của Irving Rosenfeld (American Hustle), nhưng đồng thời cũng mang trong lòng sự cô độc của một thiên tài mà chẳng ai hiểu nổi.

5

Bác sĩ Michael Burry là nhân vật độc đáo nhất phim

Trong khi đó, vai diễn Mark Baum tiếp tục đánh dấu sự chuyển mình của Steve Carrell, một “tài năng chín muộn” của Hollywood. Từng gây chú ý với những bộ phim hài như Get Smart hay Date Night, mãi đến khi ngoài 50 tuổi, Carrell mới có những vai diễn để đời như trong Foxcatcher hay The Big Short. Sự mâu thuẫn giữa cơ hội trục lợi và những giá trị đạo đức, sự đối lập giữa Mark Baum có lương tâm và Vennett thủ đoạn đã tạo nên đường dây chính của bộ phim.

Về tổng thể, The Big Short là một bức tranh được kết nối từ nhiều mảnh ghép là các mẩu hội thoại ngắn, một số đoạn phim giả tài liệu và những lời dụ ngôn sâu sắc. Đề tài tưởng chừng như “khó nuốt” nhất của Hollywood đã được thể hiện trọn vẹn với một kịch bản chỉn chu, cũng như tay nghề của đạo diễn Adam McKay trong việc sắp xếp gọn gàng hàng loạt cảnh quay.

The Big Short xuất hiện nhẹ nhàng như một tiếng cười trào phúng của người Mỹ cho chính mình. Thế nhưng, ẩn sâu bên dưới nụ cười đó là lời cảnh tỉnh cho sự nhẫn tâm của con người, cho lòng tham không đáy của một phố Wall nơi đồng tiền không bao giờ ngủ. Trong bối cảnh thị trường tài chính Hoa Kỳ đang có động thái lặp lại vòng quay sai lầm cách đây mười năm, tác phẩm của đạo diễn Adam McKay sẽ còn giữ nguyên giá trị trong nhiều năm sắp tới.

Chia sẻ
Tin mới nhất