Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Thành công của 'Captain Marvel' đến từ đâu?

Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim siêu anh hùng mà trong đó, nhân vật chính dễ dàng nhận được tình cảm và sự ủng hộ từ người xem ngay từ phút đầu tiên thì đó chính là "Captain Marvel".

Tương tự như Thor, Captain Marvel thành công về mặt chọn đúng diễn viên cho đúng vai diễn, nhưng toàn bộ phim vẫn còn nhiều hạn chế về mặt kỹ xảo hình ảnh và cách dẫn chuyện (mà nhiều người xem dễ dàng cho qua vì sức mê hoặc của các nhân vật trung tâm). Có thể nói, MCU vẫn thường xuyên sử dụng công thức tạo nên một nhân vật chính dễ mến, nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả vì những nhân vật này sẽ lại được sử dụng trong các bộ phim sau này.

Những nỗ lực của đoàn làm phim đằng sau Captain Marvel của Brie Larson là không thể chối cãi, chỉ tiếc rằng bộ đôi biên kịch/đạo diễn Anna Boden & Ryan Fleck vẫn chưa thực sự thoát khỏi vùng an toàn, cộng thêm phần kịch bản “đánh đố” người xem cũng phần nào che lấp đi một Carol Danvers độc nhất vô nhị và đáng mến trong nguyên tác truyện tranh.

Vers” hay còn gọi là Captain Marvel (Brie Larson) là một thành viên của đội ngũ Starforce người Kree đối địch với tộc Skrull trong một trận hỗn chiến trên dải ngân hà. Trong một trận phục kích của kẻ thù, Vers bị tách khỏi đồng đội và rơi xuống Trái Đất ở thời điểm năm 1995. Trên đường chạy trốn, Vers vô tình gặp gỡ và hợp tác với Nick Fury thời trẻ (Samuel L. Jackson) và cả hai cùng tìm đến tiến sĩ Wendy Lawson (Annette Bening)- một nhà khoa học không những có thể giúp chấm dứt chiến tranh Kree- Skrull, mà còn nắm giữ chiếc chìa khóa về quá khứ mà Vers đã quên sạch kể từ khi tỉnh dậy trên hành tinh Hala của người Kree sáu năm về trước.

Chiến dịch quảng bá của Captain Marvel có một điểm khá lạ là cố ý che dấu một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một bộ phim: phần tính cách của nhân vật chính. Mặc dù Captain Marvel không phải là siêu anh hùng duy nhất có thái độ bất cần, tự mãn (bên cạnh những cái tên như Tony Stark, Star-Lord, ThorDoctor Strange) nhưng chắc chắn là người đầu tiên khiến khán giả cảm thấy cô ấy có quyền làm vậy. Carol Danvers thực sự dành tâm huyết và nỗ lực rất nhiều để giành được những gì mình đang có, hơn nữa cũng chẳng bao giờ chùn bước trước thách thức nào.

Thông minh, cuốn hút và hiểu rõ giá trị của bản thân, Carol ngay lập tức trở thành nhân vật ưa thích của khán giả bởi bản tính “rất người”, dễ khiến người xem thấy đồng cảm bất chấp nguồn gốc ngoài hành tinh của cô. Brie Larson sẽ khiến nhiều khán giả phải “đổ đứ đừ” vì màn trình diễn tuyệt vời của cô. Không còn phải nghi ngờ gì về thực lực của một nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar, nhưng cái đáng chú ý ở đây chính là dấu ấn cá nhân nổi bật của Larson, và điều này đóng vai trò quyết định cho hình ảnh Captain Marvel trong MCU từ đây về sau (tương tự như Iron Man của Robert Downey Jr. hay Captain America của Chris Evans).

Ba biên kịch Boden, FleckGeneva Robertson-Dworet đã cố gắng “đổi mới” câu chuyện một chút bằng cách tạo nên một Carol Danvers bị mất trí nhớ, thậm chí cô còn chẳng nhớ nổi mình tên gì chứ đừng nói là đến từ đâu. Bằng cách này khán giả sẽ cùng với nhân vật chính đi lý giải từng câu hỏi xuyên suốt bộ phim. Không may là cách này dẫn đến hệ quả là các nhân vật khác thay phiên nhau nói cho Vers biết cô là ai, và sau đó là tiết mục “bóc phốt” xem ai đúng ai sai, dần dà thì khán giả xem phim còn cảm thấy hoang mang hơn cả nhân vật chính. Sau cùng thì bí ẩn về quá khứ của Vers cũng chẳng gay cấn, kịch tính như nhiều người vẫn tưởng, nếu không muốn nói là còn làm cho câu chuyện về Captain Marvel trở nên đơn điệu hơn. Chỉ đơn giản, Vers là một cá thể sở hữu siêu sức mạnh nhưng không biết mình là ai, sau khi nhớ ra quá khứ, cô nhớ ra toàn bộ sức mạnh của mình và cuối cùng trở nên mạnh hơn nữa (?!).

Việc chứng kiến một nữ siêu anh hùng sở hữu quyền năng đạt tới đẳng cấp thần thánh như Captain Marvel quả thật là một trải nghiệm vô cùng ấn tượng, khiến không ít khán giả nhớ tới Wonder Woman (2017). Nhưng một nhân vật hoàn hảo chưa chắc đã là một nhân vật thú vị, và có vẻ như các biên kịch rất ngại ngùng trong việc tạo nên khuyết điểm cho Captain Marvel. Ngay cả Captain America tốt hết phần thiên hạ còn bị chỉ trích là “vứt bỏ cơ hội có được hạnh phúc để cứu lấy thế giới”. Công bằng mà nói, câu chuyện của Vers trở nên có chiều sâu hơn thông qua mối quan hệ đặc biệt giữa cô với Yon-Rogg (Jude Law), nhưng cuối cùng cũng lại bị khuất lấp bởi sự thiếu sót trong phát triển tính cách nhân vật xuyên suốt toàn bộ phim.

Nếu bạn tò mò không biết một bộ phim Guardians of the Galaxy sẽ như thế nào nếu thiếu đi cá tính riêng của James Gunn, thì bộ phim đó sẽ mang phong cách giống như Captain Marvel. Vers nằm trong nhóm Starforce nhưng ngoài cô, Yon-Rogg và Korath thì những thành viên còn lại chưa một lần được giới thiệu tên. Ngoài ra, những phân cảnh hành động trên Trái Đất nhìn chung khá ổn nhưng phần nhạc nền và những câu thoại đề cập đến văn hóa đại chúng trong thập niên 90 (mặc dù độc đáo) nhưng có vẻ đã bị lạm dụng hơi thái quá. Không thể không nhắc một nhược điểm chết người, đó là phần hình ảnh thiếu đầu tư đến độ nếu Captain Marvel có bị xếp vào nhóm phim có kỹ xảo nghèo nàn nhất nhì MCU thì cũng chẳng oan. Mà đó là chưa kể Captain Marvel là một dự án sinh sau đẻ muộn so với những “bom tấn” CGI chất lượng như Thor: RagnarokGuardians of the Galaxy Vol. 2.

Nói tóm lại, Captain Marvel vẫn còn nhiều hạn chế đối với một bộ phim siêu anh hùng. Nhân vật chính tuy “dễ mến” nhưng cũng sẽ dễ nhàm nếu Marvel nhất quyết bám sát phiên bản hoàn hảo đến vô lý này. Bộ phim thiếu đi năng lượng và tầm nhìn của Black Panther hay Captain America: The First Avenger. Nhưng nếu bạn đến rạp phim với sự ủng hộ dành cho Carol Danvers và mong muốn được chiêm ngưỡng nữ siêu anh hùng trên màn ảnh rộng thì chắc chắn Captain Marvel sẽ làm bạn hài lòng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Tin mới nhất