Phim Ảnh

SAOSpoil: Cùng 'Trạng Tí' giải đố Thần Hổ để tránh hóa ngố khi xem phim

Anh Quân - CTV
Chia sẻ

"Trạng Tí" là bộ phim điện ảnh có màu sắc kì ảo vừa ra mắt khán giả. Trong phim, câu đố tại đền Thần Hổ là chi tiết dễ khiến người xem nhũn não. Vì vậy, trước khi ra rạp, hãy cùng SAOstar giải mã trước câu đố này để không phải bỡ ngỡ khi xem phim nhé!

Cảnh báo: Bài viết này có chứa nội dung tiết lộ trước một vài tình tiết trong phim nhằm mục đích giúp độc giả dễ dàng hiểu về mạch phim. Quý độc giả cần cân nhắc kĩ trước khi tiếp tục đọc hết bài viết.

Trạng Tí là bộ phim đến từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Nội dung chính của bộ phim trạng này xoay quanh bốn cô cậu bé Tí, Sửu, Dần và Mẹo trên hành trình tìm ra lời giải cho một câu hỏi khó. Từ cuộc hành trình, đáp án của nhiều khúc mắc khác trong cuộc sống của các nhân vật cũng dần được gỡ bỏ.

Chặng đường cuối cùng để tìm được lời giải cho câu hỏi "Cha ruột của Tí là ai?" buộc Tí và những người bạn của mình phải đến đền Thần Hổ và vượt qua thử thách từ thần cùng các cận vệ. Đã có rất nhiều đứa trẻ đã biến mất một cách thần kì vì không tìm được lời giải của câu đố đến từ hai vị thần canh cửa.

Tại đền, Tí sẽ gặp hai vị thần giữ cửa, một là thần Thiện, một là thần Ác, mỗi thần giữ một chiếc chìa khóa, chìa mở cửa Sinh, chìa mở cửa Tử. Tí được hỏi một trong hai thần một câu hỏi, từ đó phán đoán xem ai giữ chìa đến cửa Sinh. Nếu chọn sai chìa, Tí sẽ tan biến.

Mọi chuyện càng khó khăn hơn khi hai thần có một người chỉ nói thật và có một thần chỉ nói dối và Tí không được biết ai mới là người thành thật. Thật cam go đúng không. Bạn có biết Tí đã đặt câu hỏi gì không? Tí đã hỏi thần Thiện rằng: "Nếu con hỏi thần Ác chìa khóa trên tay thần Ác dẫn đến cửa nào, thì thần Ác sẽ trả lời ra sao?". Thần Thiện nói rằng nó dẫn đến cửa Sinh. Sau đó, Tí liền chọn chìa khóa trên tay thần Thiện và may mắn vượt qua cửa Sinh để đến gặp Thần Hổ. Giờ đến lượt chúng ta thắc mắc vì sao lại có sự lựa chọn lắt léo đến thế.

Để giải câu đố này, bỏ qua thần Thiện hay thần Ác, chúng ta chỉ quan tâm trong hai người họ có một người nói thật và một người nói dối. Theo cách giải của Tí, ta chỉ vào một người (người A) và hỏi người còn lại (người B) rằng người A sẽ nói chìa khóa người A đang cầm là chìa gì. Nếu câu trả lời là chìa Sinh thì chọn chìa ngược lại. Nếu câu trả lời là Tử thì chọn chìa người đó đang cầm. Lí giải:

Giả sử người A cầm chìa Sinh, chúng ta hỏi người B về người A. Nếu người B là người nói dối, người A là người nói thật, vậy người B sẽ nói ngược lại lời nói của người A. Theo lẽ thường người A sẽ nói mình cầm chìa Sinh, nhưng qua lời nói dối của người B, câu trả lời chúng ta nhận được là chìa khóa trên tay người A là CHÌA TỬ. Vậy ta sẽ chọn chìa ngay chìa trên tay người A, ngược lại với câu trả lời của người B.

Giả sử người A cầm chìa Sinh, chúng ta hỏi người B về người A. Nếu người B là người nói thật, người A là người nói dối, vậy người B nói thật lời người A sẽ nói. Theo lẽ thường, người A cầm chìa Sinh nhưng nói dối mình cầm CHÌA TỬ. Người B là người nói thật nên người B chỉ thuật lại đúng lời người A, vậy câu trả lời chúng ta nhận được là chìa khóa trên tay người A là CHÌA TỬ. Vậy ta sẽ chọn chìa ngay trên tay người A, ngược với câu trả lời của người B.

Nếu bạn vẫn còn kiên nhẫn, hãy đọc tiếp phần lí giải cho hai trường hợp còn lại, nếu không, bạn có thể kéo đến phần kết luận để nhận được đáp án tổng quát.

Giả sử người A cầm chìa Tử, chúng ta hỏi người B về người A. Nếu người B là người nói dối, người A là người nói thật, vậy người B sẽ nói ngược lại lời nói của người A. Theo lẽ thường người A sẽ nói mình cầm chìa Tử, nhưng qua lời nói dối của người B, câu trả lời chúng ta nhận được là chìa khóa trên tay người A là CHÌA SINH. Vậy ta sẽ chọn chìa trên tay người B, ngược lại với câu trả lời của người B.

Giả sử người A cầm chìa Tử, chúng ta hỏi người B về người A. Nếu người B là người nói thật, người A là người nói dối, vậy người B sẽ nói thật lời người A sẽ nói. Theo lẽ thường, người A cầm chìa Tử nhưng sẽ nói dối mình cầm CHÌA SINH. Người B là người nói thật nên người B chỉ thuật lại đúng lời người A, vậy câu trả lời chúng ta nhận được là chìa khóa trên tay người A là CHÌA SINH. Vậy ta sẽ chọn chìa ngay trên tay người B, ngược với câu trả lời của người B.

Tóm lại, đây là bài toán ngược vì trong các bước suy luận có một bước cần suy luận ngược lại trình tự ban đầu (do có một người nói dối, nên phải đảo ngược dữ kiện của người này đưa ra). Vậy đến cuối cùng, đáp án của chúng ta dù như thế nào thì cũng phải đảo ngược nó lại (không cần xét xem ai là người đưa dữ kiện ngược, tức ai nói dối, vì dữ kiện này chỉ bị đảo một lần duy nhất trong toàn bộ quá trình suy luận). Đáp án chìa Tử thì chọn chìa đó vì nó là chìa Sinh nhưng bị đảo lại. Đáp án là chìa Sinh thì nó thật ra là chìa Tử, phải chọn chìa ngược lại.

Qua một bài viết cùng đảo não tới lui, chúng ta mới làm rõ được cách giải trong tích tắc của Tí. Điều này giúp chúng ta dễ dàng thừa nhận nhân vật của Tí là một đứa trẻ sáng dạ, giỏi suy luận và nhanh trí.

Bộ phim Trạng Tí và câu hỏi hóc búa này vẫn đang được chiếu tại các rạp trên cả nước.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Quân - CTV

Tin mới nhất