Phim Ảnh

Review phim ‘30 chưa phải Tết’: Gia đình là trên hết và có một Trường Giang thật khác

Minh Hoàng
Chia sẻ

30 chưa phải Tết không kể câu chuyện cao siêu với những lời thoại đao to búa lớn, bộ phim của đạo diễn Quang Huy gần gũi với người xem, mang đến những tình tiết quen thuộc đời thường mà hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp phải.

Là mảnh ghép cuối cùng của mùa phim Tết chiếu rạp năm nay, 30 chưa phải Tết có lẽ là tác phẩm gặp nhiều khó khăn nhất khi tựa phim vận vào chính nó. Nhận được giấy phép kiểm duyệt vào những ngày cuối cùng của năm, bộ phim có sự tham gia của Trường Giang - Mạc Văn Khoa được nhiều khán giả mong đợi và khích lệ.

Chuyện phim xoay quanh nhân vật Hân do Trường Giang đảm nhận, một kẻ xa quê đã lâu bất ngờ trở về ngôi nhà xưa của mình vào ngày 30 Tết, nơi có người cha già ở đó. Thế nhưng chẳng phải anh tốt đẹp chi hay nhớ đến gia đình của mình, Hân về nhà chỉ đến lấy mảnh đất hương hoả. Bộ mặt thật của một người con bất hiếu, hỗn hào, trục lợi và đam mê danh vọng đã lộ ra. Anh cãi cha mắng dì, không ngần ngại trù cha mình chết. Nhưng đó chưa phải là tất cả.

Một sự cố xảy ra khiến Hân bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Hân thấy mình đang ngồi trên chuyến xe về quê trong ngày 30 Tết. Mọi sự việc xảy ra sau đó, từ việc gặp người hàng xóm đang chở cây mai, gặp lại người bạn thân năm nào nay muốn xuất gia… đều như đã từng diễn ra. Hoá ra, bằng một lý do nào đó khiến Hân mắc kẹt trong vòng lặp thời gian, mỗi lần tỉnh giấc vì một cơn chấn động nào đấy sẽ khiến anh trở lại trưa 30 Tết, mãi không thể thoát ra và bước sang ngày mồng Một Tết.

12 năm… sống trong ngày 30 Tết đã giúp nhân vật Hân dần nhận ra những sai lầm của mình. Tái ông mất ngựa chưa hẳn xấu, nhờ vào việc mắc kẹt thời gian ấy đã khiến Hân có cơ hội sửa sai từng chút một, thay đổi nhận thức của mình và tìm thấy giá trị trân quý đích thực của cuộc sống này.

Không phải một bộ phim hài thuần tuý, 30 chưa phải Tết đề cao giá trị gia đình lên trên tất cả. Những lần cãi nhau của Hân với cha mình khiến khán giả vừa giận tím mặt vì thái độ hỗn hào quá đỗi, nhưng đồng thời cũng khiến người xem chợt nhớ đến những đợt chống lại ý kiến cha mẹ của mình và thấy hối lỗi.

Câu chuyện của Hân không mới mẻ hay lạ lẫm, nó xảy ra trong rất rất nhiều gia đình người Việt, nhất là với những người trẻ. Những câu nói ‘con sẽ về sớm thôi’, ‘ngày mai con gọi lại’, ‘con đang bận, con gọi sau cho ba’… xuất hiện mỗi ngày, mọi nơi. Những người trẻ luôn lấy vô số lý do để từ chối người thân, sẵn sàng đi chơi với bè bạn thay vì về nhà ăn bữa cơm cùng cha mẹ. Câu thoại đầu phim ‘Tết này tui không có về quê đâu’ của Trường Giang hẳn khiến đôi người giật mình vì đúng với họ.

‘Ai mà lại không có quê?’ - Đó chính là lời nói của người dẫn chương trình ngay đầu phim 30 chưa phải Tết. Rõ ràng, quê là nơi để mọi người trở về, đặc biệt là vào những dịp như Tết. Thế nhưng, sự trở về của nhân vật Hân là vì lợi ích cá nhân, vì tham vọng có được miếng đất Bình An để lấy lòng ba vợ tương lai, chứ không phải thực tâm của một người con.

Trường Giang và đạo diễn Quang Huy từng tuyên bố đây không phải là một phim hài, nhưng thực tế tiếng cười đã vang lên khắp rạp từ đầu đến cuối phim. Những miếng hài tình huống duyên dáng diễn ra nhờ vào kịch bản tinh tế với sự diễn xuất của nhiều khách mời như Tấn Beo (ông Ba Bò), Phương Thanh (Út Gái), Puka (cô bán vé xe vé số), Đức Phúc (anh chàng hát dở trên xe đò) hay tuyến thứ chính như nghệ sĩ Việt Anh, Hồng Vân… Thậm chí, sự xuất hiện của ‘ông trùm’ thương hiệu Tân Hiệp Phát đập ruồi với một dàn chai nước từng vướng scandal vì con ruồi khiến người xem vỡ oà.

Bên cạnh đó, nhân vật Thích Tu do Mạc Văn Khoa thể hiện cũng là chất xúc tác mang đến những tràng cười cho người xem. Sự ngây ngô ngờ nghệch của nhân vật này khi đặt cạnh Hân - kẻ tinh quái ranh ma, hỗn hào như vòng đối lặp tương phản. Dẫu là nhân vật hài hước nhưng vai diễn này của Mạc Văn Khoa cũng là tác nhân giúp cho Hân của Trường Giang nhận ra những sai lầm của mình.

Là nam chính trong 30 chưa phải Tết, Trường Giang sở hữu nhiều phân đoạn thể hiện được sự thay đổi của mình. Anh từng chia sẻ trong một buổi họp báo phim, “Khi vợ tôi mang thai, tôi đã thầm nhủ trong bụng, ba sẽ bớt đóng hài, sẽ đóng những vai thật hay, thật có giá trị để con tự hào. Ở kịch bản 30 chưa phải Tết, tôi muốn bản thân mình thật khác so với Trường Giang trước đây để con tôi biết, có con rồi thì ba sẽ thay đổi”. 

Rõ ràng, đã có một Trường Giang thật khác trên màn ảnh. Hân không phải nhân vật gây cười trong một phim chiếu Tết mà là kẻ khiến người xem phải ‘sôi máu’ vì những hành động láo toét của mình. Nam diễn viên từng nói, đây là một vai diễn khó của anh khi bản thân phải thể hiện sự mất dạy với đấng sinh thành. Rõ ràng, Mười Khó đã thành công để khiến khán giả tức điên vì nhân vật của mình, nhưng sau đó cũng khóc cho anh khi nhận ra sai lầm. Khi Hân òa khóc nói lời xin lỗi ông Hai Chữ, diễn xuất của Trường Giang thực sự chạm đến trái tim của người xem phim.

Phân đoạn cao trào giữa Hân, ông Hai Chữ và dì thể hiện đẳng cấp diễn xuất của hai nghệ sĩ gạo cội Việt Anh - Hồng Vân cùng Trường Giang. Không lên gân, không gào thét, chính lối diễn điềm tĩnh của ba diễn viên đã đẩy cảm xúc của người xem dâng lên và rơi nước mắt. NSND Hồng Vân vào vai một người dì, em gái của mẹ Hân, bỏ 30 năm chăm sóc hai cha con thay cho chị gái, dẫu bà thương anh rể của mình nhưng chưa từng dám nói ra, chỉ biết cất vào trong lòng, giữ riêng cho mình biết.

Còn với NSND Việt Anh, giây phút ông Hai Chữ đấm vào ngực mình và xin lỗi con trai, đôi mắt đỏ hoe của ông khiến khán giả không thể kiềm được sự xúc động. Nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cả hai người nghệ sĩ nhân dân đã làm cho mọi người phải day dứt trước tấm lòng của người làm cha, làm mẹ.

30 chưa phải Tết không kể câu chuyện cao siêu với những lời thoại đao to búa lớn, bộ phim của đạo diễn Quang Huy gần gũi với người xem, mang đến những tình tiết quen thuộc đời thường mà hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp phải. Xem Hân để ngẫm lại mình, xem 30 chưa phải Tết để gọi về cho gia đình nếu như năm nay không thể về nhà đón năm mới.

Dẫu đoạn kết của bộ phim vẫn chưa đủ thuyết phục khán giả khó tính khi giải quyết câu chuyện khá dễ dàng, nhưng với bối cảnh ngày Tết cận kề, niềm vui chan hòa hạnh phúc vẫn nên được đề cao thay vì đẩy vạn sự đến với bi kịch. Ít nhất thì, người xem và cả nhân vật cũng đều đã có những bài học trân quý cho bản thân khi chiêm nghiệm tác phẩm này vào những ngày đầu năm mới.

Trailer “30 chưa phải Tết”

Phim chính thức ra rạp vào ngày mồng Một Tết Canh Tý 2020.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Hoàng

Tin mới nhất