Phim Ảnh

‘Missing Link’: Có gì trong tác phẩm hoạt hình vừa vượt qua loạt bom tấn tỷ đô của Disney để ẵm Quả Cầu Vàng 2020?

Châu Hải Bình
Chia sẻ

Chiến thắng của Missing Link trước ba đối thủ sừng sỏ đến từ Disney là một trong những điều bất ngờ và ấn tượng nhất tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng năm nay.

Lấy bối cảnh tại nước Anh vào thế kỷ 19, Missing Link kể về chuyến phiêu lưu của nhà thám hiểm Lionel Frost cùng sinh vật cổ đại trong truyền thuyết. Tuy đã ra mắt từ giữa năm 2019 nhưng bộ phim lại không được nhiều người biết đến và chỉ thu về vỏn vẹn 26 triệu USD. Thế nhưng sau khi giành chiến thắng đầy bất ngờ ở hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại giải thưởng Quả Cầu Vàng 2020, cái tên này hiện đang là trung tâm của sự chú ý. Vậy lý do nào khiến các nhà phê bình yêu thích tác phẩm này đến thế?

Điểm ấn tượng đầu tiên của Missing Link chính là cách kể chuyện. Ở hồi một, phim dẫn dắt người xem đi qua lần lượt các sự kiện phụ theo cách rất thông minh và mạch lạc. Đạo diễn còn nhân cơ hội này để giới thiệu, phác họa sơ qua về tính cách nhân vật để khán giả có cái nhìn rõ nét nhất trước khi sự kiện chính diển ra. Cả ba hồi cũng được móc nối với nhau rất chặt chẽ, cái này tạo tiền đề cho cái kia và tạo nên tính thống nhất trong mạch phim.

Ngôn ngữ kể chuyện của Missing Link cũng mang một sắc thái vô cùng dễ thương và dễ cảm nhận. Phim đặt ra các tình huống hài hước cực kỳ duyên dáng và cũng không cố gắng để phức tạp hóa nội dung bằng những ẩn ý khó đoán. Mọi thứ đều được bày ra trước mắt người xem bằng những hình ảnh, những câu thoại vừa dí dỏm, vừa sâu sắc.

Sở hữu một cốt truyện đơn giản, Missing Link mượn yếu tố hư cấu của truyền thuyết để kể câu chuyện bình dị đậm chất con người. Đó là khao khát được hòa nhập, được công nhận của những cá thể bị đánh giá là khác biệt so với khuôn mẫu chung của xã hội. Hai nhân vật chính của phim là Lionel Frost và Mr.Link tuy khác nhau về vẻ bề ngoài nhưng lại chia sẻ chung một niềm mơ ước tìm ra nơi mình thuộc về.

Điểm này có nét tương đồng với Frozen 2 của Disney, nhưng tư tưởng mà đạo diễn Chris Butler gửi gắm trong bộ phim stop-motion của mình lại hiện dại, phóng túng và cởi mở hơn. Nếu như cái kết của Frozen 2 đem lại cho Elsa điều mà cô hằng mong muốn, thì với Missing Link, chính sự táo bạọ, dám bước qua ranh giới vốn được đặt ra từ đầu phim để được là chính mình, đã nhận được sự tán dương của giới phê bình.

Tuy là một bộ phim hoạt hình nhưng Missing Link lại không hề nằm trong vòng tròn dễ xem - dễ cảm - dễ quên, bởi những tác động của nó không chỉ tới trẻ em mà còn tới cả người lớn. Bên cạnh thông điệp về sự hòa nhập, phim còn mang đến một bài học đắt giá về thói tự phụ của con người - điều mà trước ít khi được đề cập đến trong một bộ phim hoạt hình.

Nhân vật phản diện Lord Piggot-Dunceby được khắc họa với đầy đủ chất liệu để làm nên một kẻ đầy tham vọng trong xã hội. Hắn luôn cho mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ và mọi thứ xung quanh đều do mình định đoạt. Hắn cho rằng mình ở đẳng cấp cao nhất trên nấc thang tiến hóa và không chấp nhận bất cứ tư tưởng nào làm xáo trộn điều đấy.

Ngay cả nhân vật chính Lionel Frost cũng mang trong mình tâm thế của một người tự phụ khi luôn đặt bản thân mình lên trên hết. Chi tiết đắt giá nhất của việc này chính là khi lãnh đạo của tộc người Yeti phủ nhận mình đang nói ngôn ngữ của loài người và cho rằng chính loài người mới đang nói tiếng của Yeti. Đó có thể là lời phản bác đầy mạnh mẽ cho tư tưởng loài người là tiến hóa nhất, văn minh nhất, nhưng cũng có thể là một minh chứng khác cho thói tự phụ thường thấy ở các bậc nắm quyền.

Missing Link là sự tổng hòa của chất liệu kể chuyện nhẹ nhàng, hóm hỉnh và nội dung triết lý sâu sắc về sự tồn tại của mỗi cá nhân, mở rộng ra là toàn nhân loại. Chắc chắn với ý nghĩa như vậy, chiến thắng của phim tại Quả Cầu Vàng 2020, hay xa hơn nữa là Oscar cũng hoàn toàn xứng đáng.

Trailer phim.

Chia sẻ

Bài viết

Châu Hải Bình

Tin mới nhất