Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Phim Hàn nào cũng vậy, nhân vật hễ xuyên không là 'thiếu muối' hẳn!

Dẫu đây là một phát hiện nhỏ trong các bộ phim xứ sở kim chi, song người xem vẫn hi vọng rằng, những phim xuyên không sẽ có nhiều bước đột phá mới, cùng cách xây dựng nhân vật khác nhau, trước khi dòng phim này bão hoà và trở nên nhàm chán đối với người xem.

Không còn là những bộ phim rập khuôn nhàm chán, phim truyền hình Hàn Quốc một thập kỷ trở lại đây đang ngày càng biến hoá đa dạng, với nhiều thể loại và bối cảnh khác nhau. Trong đó, kịch bản phim xuyên không được không ít nhà làm phim xứ sở kim chi ưa chuộng. Ở đó, các nhân vật có thể sống nhiều cuộc đời, những mối tình nối dài từ kiếp này sang kiếp khác, qua đó tạo ra màu sắc li kì cho bộ phim, cũng như khắc sâu tình yêu đôi lứa hoặc thể hiện quy luật nhân - quả trong mỗi tác phẩm.

Hễ xuyên không là nhân vật bớt “lầy lội”

Song khán giả tinh ý nhận ra rằng, nhân vật ở thời hiện đại dẫu mạnh mẽ, cá tính hoặc “lầy lội” đến đâu; thì khi xuyên không trở về thời cổ xưa đều được rập khuôn một tính cách chung. Nếu là nam, nhân vật thường là người chín chắn, tài giỏi, mãnh tướng “trăm trận trăm thắng” hoặc bậc đế vương hết lòng vì giang sơn. Còn các nữ nhân thường đôn hậu, dịu dàng và chung thuỷ.

Bộ phim xuyên không Hoàng tử gác i năm 2012 của nam diễn viên Park Yoo Chun từng tạo nên tiếng vang lớn nhờ kịch bản độc đáo. Trong đó, cô nàng Park Ha (Han Ji Min) dịu dàng của thời Chosun đã trở thành cô gái mạnh mẽ và cực cá tính thời hiện đại. Không những thế, “mợ chảnh” Chun Song Yi (Jun Ji Hyun) của Vì sao đưa anh tới cũng từng là một người hiền lành, không hề “chảnh” và “lầy” ở kiếp trước.

Trở lại thể loại phim lồng ghép giữa bối cảnh hiện đại và cổ đại mang tên Huyền thoại biển xanh, Jun Ji Hyun vẫn tiếp tục đảm nhận hai tuyến nhân vật trái ngược hoàn toàn. Nàng tiên cá Shim Chung của tiền kiếp là cô gái dịu dàng, chín chắn; thế nhưng Shim Chung ngày nay lại ngơ ngác, vụng về nhưng vẫn không kém phần đáng yêu, hài hước.

Sự biến hoá ấy không chỉ được gặp ở phái đẹp, mà các nhân vật nam cũng không ngoại lệ. Trong Goblin, anh chàng Thần chết (Lee Dong Wook thủ vai) của hiện tại được khán giả yêu thích bởi sự ngơ ngác, tốt bụng và hài hước. Tuy nhiên, trước khi trở thành Thần chết, anh lại là một vị vua mang nhiều tội lỗi, là người gây ra số phận bi thương cho tướng quân Kim Shin (Gong Yoo đóng).

Bên cạnh đó, các bộ phim điện ảnh cũng có mô-típ như vậy, trong đó phải kể đến bom tấn đang làm mưa làm gió thời gian gần đây mang tên Thử thách thần chết 2. Vệ thần Hewonmak (Ju Ji Hoon đóng) thời hiện đại là một anh chàng hoạt ngôn, có phần ngạo mạn và là nhân vật nêm nếm yếu tố giải trí cho bộ phim. Song 1000 năm trước, Hewonmak lại là mãnh tướng “trăm trận trăm thắng”, tàn bạo, ít nói và rất lạnh lùng.

Ju Ji Hoon trong phim.

Đâu là nguyên nhân của mô-típ cổ trang ấy?

Không khó hiểu khi các nhà làm phim thường xây dựng tính cách nhân vật khác nhau ở từng bối cảnh. Những phân cảnh thời hiện đại thường đảm nhận yếu tố giải trí cho mỗi bộ phim, nghĩa là phải lồng ghép tình huống thú vị, gây cười, do đó Shim Chung (Huyền thoại biển xanh), Chun Song Yi (Vì sao đưa anh tới), Hewonmak (Thử thách thần chết 2) trở nên “lầy lội” là điều dĩ nhiên. Song một tác phẩm sẽ thiếu đi sức ám ảnh nếu không có chiều sâu, và việc lội về quá khứ đã thực hiện nhiệm vụ ấy, góp phần làm sâu sắc thêm tình yêu giữa cặp đôi chính (Huyền thoại biển xanh, Goblin, Vì sao đưa anh tới, Hoàng tử gác mái) hay truyền tải thông điệp sâu sắc (luật nhân quả trong Thử thách thần chết 2). Vì vậy như một lẽ tất yếu, các nhân vật lại tự động “bớt lầy lội hoá”.

Sự thay đổi trong tính cách nhân vật ở hai bối cảnh khác nhau không chỉ góp phần thể hiện ý nghĩa câu chuyện, mà còn bộc lộ khả năng diễn xuất của dàn diễn viên. Song đồng thời, đối với không ít trường hợp, khán giả cảm thấy “lấn cấn” khi khó làm quen và thống nhất hai tạo hình trái ngược này. Thậm chí, nhiều người xem khó tính đặt ra câu hỏi: “Vì sao tính cách nhân vật lại thay đổi hoàn toàn, khi thậm chí nhân vật chưa được đầu thai (ví dụ như Hewonmak trong Thử thách thần chết 2)?”.

Dẫu đây là một phát hiện nhỏ trong các bộ phim xứ sở kim chi, song người xem vẫn hi vọng rằng, những phim xuyên không sẽ có nhiều bước đột phá mới, cùng cách xây dựng nhân vật khác nhau, trước khi dòng phim này bão hoà và trở nên nhàm chán đối với người xem.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Tin mới nhất