Phim Ảnh

Những lần phim 'Mỹ hóa' của Hollywood tàn phá nguyên tác Nhật còn hơn bom hạt nhân

Ngọc Trang
Chia sẻ

Các tác phẩm chuyển thể từ nguyên tác Nhật của Hollywood thường thất bại thảm hại.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến các nhà làm phim Mỹ không thành công trong việc chuyển thể các tác phẩm của Nhật. Đa phần trong số đó là sự khác biệt về văn hóa, tư duy và áp lực tạo ra hướng đi mới của xứ cờ hoa.

1. Dragonball: Evolution (2009)

Trong một nỗ lực tuyệt vọng trước khi hết hạn bản quyền Dragon Ball (Bảy Viên Ngọc Rồng), 20th Century Fox đã tạo ra một tác phẩm khiến các fan của bộ truyện tranh dài hơi này thầm ước nó chưa từng ra đời. Dragonball: Evolution là sự “sỉ nhục” lớn nhất mà Mỹ dành cho người Nhật kể từ năm 1945. Tác phẩm của 20th Century Fox biến loạt truyện tranh nổi tiếng này trở thành một trò cười nhạt nhẽo. Dragonball: Evolution tàn phá toàn bộ nguyên tác, từ nhân vật cho tới tình tiết và chiêu thức. Nội dung nhảm nhí, cốt truyện đầy lỗ hỏng và chẳng có tí liên quan gì tới truyện tranh trừ cái tên.

Trailer Dragonball: Evolution.

2. Loạt phim Resident Evil

Doanh thu của loạt phim Resident Evil do Milla Jovovich thủ vai chính không hề thấp nhưng các fan của tựa game gốc vẫn tự nhủ với nhau rằng nó chẳng tồn tại. Lý do là bởi hàng loạt các nhân vật chính trong nguyên tác bỗng biến thành nền cho “vợ đạo diễn” tỏa sáng. Thay vì là một tác phẩm sinh tồn trước loài xác sống khát máu, Resident Evil biến thành bộ phim hành động nhờ siêu nhân Alice. Sau khi Resident Evil: The Final Chapter kết thúc, Sony có dự định sẽ tái khởi động dự án nhằm khiến “con tim fan đau quá man”.

Trailer Resident Evil The Final Chapter.

3. Silent Hill: Revelation (2012)

Cũng như Resident Evil, Silent Hill là tựa game nổi tiếng của Konami và được Hollywood chuyển thể thành phim vào năm 2006. Phần đầu tiên của loạt phim không đến nỗi tệ khi chuyển tải được phần nào nội dung phim. Song, Silent Hill: Revelation lại là một thảm họa. Cốt truyện đầy lỗ hổng và vô lý, không khí kinh dị cũng chẳng còn mà thay vào đó là những con quái vật đậm chất “xôi thịt”, màn giải đố nhạt nhẽo là những chi tiết khiến fan ngán ngẫm.

Trailer Silent Hill: Revelation.

4. Ghost in the Shell (2017)

Bom tấn của Scarlett Johansson vấp phải sự phản đối ngay khi còn trên giấy bởi việc tẩy trắng dàn nhân vật người Nhật. Đến khi phim ra rạp, các fan bàng hoàng nhận việc phản đối trước đây của mình chả hề đáng chút nào. Bởi lẽ, nội dung phim còn nhạt nhẽo hơn cả việc dàn diễn viên toàn da trắng. Tinh thần của phiên bản gốc bị phá cho tan tành. Phần kỹ xảo mờ ảo hay body nóng bỏng của Scarlet Johansson cũng chẳng thể khiến khán giả tỉnh ngủ suốt 2 tiếng đồng hồ trong rạp.

Trailer Ghost in the Shell.

5. Death Note

Nỗi đau Ghost in the Shell chưa qua, Hollywood lại khiến fan “thêm một lần đau” với Death Note. Ngoài việc xóa trắng rồi nhuộm đen màu da của dàn diễn viên, phiên bản Mỹ còn thay đổi nguyên tác thành dạng ăn theo “rẻ tiền” của Final Destination. Từ một tác phẩm đấu trí, Death Note biến thành câu chuyện tình cảm tuổi teen đầy trắc trở của Light. Nhân vật L cũng gây thất vọng với vẻ “ngầu” nửa mùa và tâm lý nhạy cảm như gái mới lớn.

Trailer Death Note 2017.

6. Street Fighter: The Legend of Chun Li (2009)

Trước khi Ghost In The Shell ra mắt những 8 năm, Street Fighter: The Legend Of Chun Li đã vấp phải những chỉ trích tương tự về việc tẩy trắng dàn diễn viên. Bộ phim dựa vào loạt game đối kháng nổi tiếng của Capcom này chỉ giống bản gốc ở mỗi… cái tên nhân vật. Ngoài việc đi sâu vào đời tư của một nhân vật phụ chẳng mấy ai quan tâm, sướt mướt hóa một tựa game đối kháng bạo lực và phá tan tành cốt truyện thì chẳng còn gì để chê Street Fighter: The Legend Of Chun Li nữa.

Trailer Street Fighter: The Legend Of Chun Li.

7. The King of Fighters (2010)

Không hẹn mà gặp, chỉ một năm sau khi Street Fighter ăn gạch thì đối thủ của họ, The King of Fighters, ra mắt với đầy đủ lỗi y chang. Kỹ xảo còn thua cả phim hoạt hình, tạo hình xấu hơn cả cosplay, đưa nhân vật siêu phụ lên thành nữ chính và lấn át luôn Tam Thần Khí là thứ khiến fan lắc đầu ngao ngán. Giải đấu Quyền Vương được tổ chức một cách hời hợt cùng nội dung nhảm nhí, tính cách nhân vật mâu thuẫn đến nực cười là “điểm sáng” của The King of Fighters.

Trailer The King of Fighters.

Có vẻ như dù Hollywood sở hữu những công nghệ tiên tiến và danh sách dài các đạo diễn tài năng nhưng việc “Mỹ hóa” các tác phẩm Nhật vẫn còn rất nhiều vụng về, thiếu sót, thậm chí mất chất của bộ phim gốc. Dẫu vậy, việc Hollywood chuyển thể cũng góp phần giới thiệu đến thế giới những phim điện ảnh nổi bật của Nhật Bản, khi mà đất nước này vốn dĩ không mở rộng thị trường ra nước ngoài nhiều.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Trang

Tin mới nhất