Phim Ảnh

Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10: Tinh thần nữ quyền đã thống trị màn ảnh Việt như thế nào?

Phương Thảo
Chia sẻ

Trong khi những bộ phim lãng mạn, tình cảm cùng với motif nữ chính yếu đuối, nhẹ nhàng thông thường đã làm người xem chán ngán, thì xu hướng nữ quyền cùng với sự thay đổi đáng kể trong tạo hình của các nhân vật nữ đem một hơi thở hoàn toàn mới lên màn ảnh rộng Việt Nam.

Tinh thần nữ quyền đang ngày càng lên ngôi trên nền điện ảnh thế giới, màn ảnh rộng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung ấy. Trong vòng vài năm trở lại đây, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã thôi trở thành phông nền đẹp đẽ của các nhân vật nam, ngay cả ở những bộ phim lấy bối cảnh cũ như Mẹ chồng, Cô Ba Sài Gòn. Điều đó không gây bất ngờ cho khán giả bởi phim ảnh vẫn luôn là tấm gương phản chiếu sống động nhất của xã hội và đời sống hàng ngày. Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng SAOstar nhìn lại những dấu ấn này nhé.

Những bộ phim đậm tinh thần nữ quyền làm hài lòng người xem Việt Nam 

Gần một năm trước, màn ảnh rộng Việt Nam trở thành cuộc đua quyết liệt của hàng loạt phim Việt với đủ thể loại, màu sắc khác nhau. Trong đó, hai dự án phim được quan tâm hàng đầu là Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Mẹ chồng đều là hai tác phẩm chỉ xoay quanh những người phụ nữ. Bộ phim Cô Ba Sài Gòn đề cao những giá trị thuộc về nguồn cội, gốc rễ; tại đó, hình ảnh bà Thanh Mai mạnh mẽ, giỏi giang và hết lòng yêu thương con gái, cùng với Như Ý cá tính, nổi loạn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ.

Trong khi đó, Mẹ chồng tái hiện cuộc chiến thâm cung hiếm hoi trên màn ảnh rộng Việt Nam với cô Ba Trân (Thanh Hằng) quyền lực, mạnh mẽ và hết lòng vì con; mợ Tư Thì (Lan Khuê đảm nhận) biết trên biết dưới nhưng thâm sâu, bí ẩn; Tuyết Mai (Midu) được ăn học đàng hoàng, dũng cảm đứng lên thể hiện sự bất bình với những điều chướng tai, gai mắt. Tuy khắc họa chân dung quyết liệt đầy ấn tượng của người phụ nữ Việt Nam, bộ phim cũng lột tả vô vàn bi kịch, số phận tréo ngoe của những người con gái dưới thời phong kiến, áp bức bất công xưa.

Sang đến năm 2018, bộ phim remake Tháng năm rực rỡ  và Chàng vợ của em là hai tác phẩm đạt doanh thu khả quan và nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn cũng như khán giả đại chúng. Trong đó, Tháng năm rực rỡ được xem là lựa chọn hoàn hảo cho dịp Quốc tế Phụ nữ mồng 8 tháng 3, khi xoay quanh hành trình tìm lại thanh xuân của nhóm nữ quái Ngựa Hoang. Bộ phim trở thành bệ phóng tên tuổi cho nhiều người đẹp trẻ như Jun Vũ, Hoàng Oanh và đặc biệt là Hoàng Yến Chibi.

Trong khi đó, Chàng vợ của em thể hiện tinh thần nữ quyền ngay từ cái tên, nhân vật của Phương Anh Đào là một cô gái mạnh mẽ, dốc toàn tâm trí để phát triển sự nghiệp, thường bỏ quên những bữa ăn nhà, không chăm sóc nhà cửa và hời hợt với những mối quan hệ xung quanh. Bên cạnh việc khắc họa chân dung hoàn toàn mới về người phụ nữ Việt Nam giỏi giang, cầu tiến; Chàng vợ của em cũng đề cao hình ảnh của người làm nội trợ thông qua tạo hình nhân vật Hùng (Thái Hòa), ý nghĩa bữa cơm nhà và giá trị của gia đình.

Tuy không thực sự gây tiếng vang trên màn ảnh rộng, nhưng một số bộ phim như Mùa viết tình ca, Hoán đổi cũng đã cho thấy nỗ lực tạo ra hình ảnh người phụ nữ cá tính, mạnh mẽ thông qua tạo hình nàng thơ miền biển của Phan Ngân hay nữ ca sĩ Tiên Tiên (Nhã Phương thủ vai).

Các dự án đầy hứa hẹn cho khán giả nữ trong nửa cuối năm 2018

Ở 2 tháng cuối năm, những dự án phim Việt Nam đầy hứa hẹn cũng được khán giả dành nhiều quan tâm. Trong đó, Quý cô thừa kế đánh dấu sự trở lại của người đẹp Ngân Khánh mang chủ đề đậm tinh thần nữ quyền, khi xoay quanh tiểu thư con nhà giàu, yêu nữ hàng hiệu Khánh Nhung. Tác phẩm thừa hưởng sức nóng của bộ phim Con nhà siêu giàu châu Á làm mưa làm gió màn ảnh thế giới cách đây không lâu. Song, khác với những motif “hoàng tử lọ lem”, “hoàng tử công chúa” thường gặp, Khánh Nhung của Quý cô thừa kế là đại gia của chính mình, thậm chí, nhân vật của Liên Bỉnh Phát còn yêu nữ chính để “đào mỏ”, lấy tiền từ người yêu.

Ngay cả ở dự án phim hài hước, dân gian duy nhất trên màn ảnh rộng Việt Nam mang tên Trạng Quỳnhyếu tố nữ quyền cũng được khéo léo lồng ghép qua nhật vật nàng Điềm của Nhã Phương. Tại đây, “nữ hoàng nước mắt” sẽ vào vai người con gái có học thức, đủ đầy công dung ngôn hạnh song luôn khao khát được là nam nhi, để được lăn xả, dấn thân vào nghiệp lớn. Chính bản thân đạo diễn của Trạng Quỳnh cũng thể hiện sự ngạc nhiên trước màn lột xác của “người đẹp khóc” Nhã Phương: “Nhã Phương ngoài đời là một diễn viên thực lực với ngoại hình trong trẻo, ngọt ngào, rất phù hợp với vai diễn ngọc nữ Điềm trong Trạng Quỳnh. Thế nhưng sau khi nhận vai, chính cô ấy là người đã bàn bạc với tôi về chuyện tăng thêm sự mạnh mẽ, quyết liệt ở nhân vật nữ chính, và rồi Nhã Phương đã làm được điều đó. Có lẽ sau quyết định lập gia đình, Phương đã trưởng thành hơn, tính cách cứng cỏi đậm tinh thần nữ quyền của Điềm thông qua diễn xuất tinh tế của Nhã Phương trở nên vô cùng hài hòa với tạo hình học thức, nhẹ nhàng, khiến tôi rất tâm đắc”.

Trong khi những bộ phim lãng mạn, tình cảm cùng với motif nữ chính yếu đuối, nhẹ nhàng thông thường đã làm người xem chán ngán, thì xu hướng nữ quyền cùng với sự thay đổi đáng kể trong tạo hình của các nhân vật nữ đem một hơi thở hoàn toàn mới lên màn ảnh rộng Việt Nam. Đâu chỉ yêu nữ hàng hiệu Ngân Khánh của Quý cô thừa kế, “người đẹp khóc” Nhã Phương lột xác trong Trạng Quỳnh, người yêu điện ảnh kì vọng rằng sẽ còn nhiều hiện thân của tinh thần nữ quyền khác xuất hiện và mang lại diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà trong tương lai.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất