Đêm trao giải Oscar suýt chút nữa đã có cái kết hoàn toàn khác. Không như nhiều người đã tin và kỳ vọng, ứng cử viên nặng ký nhất cho giải Best Picture là Roma của đạo diễn Alfonso Cuarón đã ngã ngựa trước bộ phim hài Green Book. Thất bại của Roma đã ngăn Cuarón có được cú đúp trong đêm, cũng như hạng mục Best Picture đã không có cơ hội chào mừng bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên chiến thắng. Cay đắng hơn cả, có lẽ là Netflix và chiến dịch vận động đắt đỏ của dịch vụ này cho mùa Oscar.
Roma chỉ được 3 tượng vàng bao gồm Đạo diễn xuất sắc, Quay phim và Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất trên tổng số 10 đề cử tại Oscar năm nay. Thẳng thắn mà nói thì so với Green Book, Roma khá xa lạ so với các thành viên của Viện Hàn Lâm. Bộ phim nói tiếng Tây Ban Nha, với các diễn viên lạ hoắc (nữ chính Yalitza Aparicio thậm chí còn chưa đóng phim bao giờ), chỉ ra rạp có vỏn vẹn 3 tuần trước khi được Netflix bê lên dịch vụ trình chiếu của mình. Netflix biết điều đó, họ càng rõ hơn ai hết sự thờ ơ mà các cử tri Oscar vốn phần đông là các ông già da trắng dành cho một bộ phim mới mẻ thế này.
Theo một nguồn tin, dịch vụ trực tuyến này đã bỏ ra tới 40 - 60 triệu USD để vận động hành lang cho Oscar so với ngân sách làm phim của Roma là 15 triệu. Đạo diễn Alfonso Cuarón miệt mài bay qua lại từ Mỹ sang Mexico để quảng bá cho tác phẩm đen trắng máu mủ của mình. Roma chiếm trọn trang chủ của Netflix trong những ngày bộ phim lên sóng. Hàng loạt review ca ngợi bộ phim như ứng cử viên hàng đầu tại Oscar, như một nhân tố mới mẻ sẽ khiến giải thưởng hàn lâm này thay da đổi thịt.
Ấy vậy mà ngay cả khi có được sự tư vấn của chiến lược gia lão làng Lisa Taback (người từng tham gia chiến dịch vận động Oscar cho Harvey Weinstein cũng như có công đưa giải Best Picture về cho The King’s Speech và Spotlight), Netflix vẫn chật vật trước sự “cứng đầu” của các cử tri.
Một nhà tư vấn chiến lược tại Oscar cho biết, Netflix đã phá vỡ quy ước truyền thống khi làm mờ ranh giới giữa phim chiếu rạp và dịch vụ trực tuyến. Thêm vào đó, việc bao trọn một vài rạp phim, cho chiếu các phim tranh giải như Roma kiểu lấy lệ và ém nhẹm số tiền vé thu được đối với Viện Hàn Lâm là không thể chấp nhận được. Với họ, một lá phiếu cho Roma đồng nghĩa với một lá phiếu cho Netflix và là lời cáo chung đối với nghệ thuật điện ảnh chiếu rạp chân chính.
Để đáp lại, các thành viên trong Viện quyết không bình chọn Roma ở các vị trí đầu. Họ muốn đưa ra một thông điệp rằng bạn không thể “mua giải” ở hạng mục Best Picture. Họ hiểu rằng lá phiếu của họ sẽ kìm cương lại chú “thần mã” từ tay ông chủ giàu có như Netflix. Dầu vậy, đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Roma có thể không thắng, nhưng Netflix đã chứng minh được sức mạnh của mình. Kể từ đây, dịch vụ này đã quy tụ hàng loạt nhà làm phim tài danh dưới trướng của mình: Guillermo del Toro, Noah Baumbach, Dee Rees, Michael Bay… Và đừng quên huyền thoại Martin Scorsese với dự án bom tấn The Irishman - mà Netflix chẳng ngại ngần gì tung ngay teaser trailer trong lúc Oscar còn đang chiếu. Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu thôi.
Thất bại của Roma có thể gây thất vọng với nhiều người, nhưng là bài học cho Hollywood trong việc thay đổi luật chơi tại các giải thưởng hàn lâm sắp tới. Từ đây, các studio độc lập sẽ làm thế nào để cạnh tranh với những gã khổng lồ tiền đầy túi như Netflix? Liệu sẽ có quy định mới nào về việc hạn mức ngân sách vận động cho phim Oscar hay không? Xa hơn, liệu Viện Hàn Lâm sẽ làm thế nào để giải quyết sự bất bình đẳng tất dĩ đương nhiên, giữa các phim chiếu rạp truyền thống và thế hệ phim trực tuyến mới nổi?