Phim Ảnh

Marvel vs. DC: Trận chiến mới trên màn ảnh nhỏ

Chia sẻ

DC sở hữu ưu thế từ lượng fan có sẵn, trong khi Marvel có kế hoạch bài bản và gắn liền với vũ trụ điện ảnh.

Trong nhiều năm qua, hai hãng Marvel và DC không ngừng so kè quyết liệt trong lĩnh vực điện ảnh. DC chiếm ưu thế từ thập niên 70 - 80 với những phim Superman và Batman thế hệ cũ, còn Marvel thời điểm đó phải bán đi bản quyền nhiều nhân vật của mình. Song, kể từ năm 2008, bắt đầu từ Iron Man, Marvel đã xây dựng vũ trụ điện ảnh cho riêng mình. Với một kế hoạch bài bản và tính trước đến 20 năm, cộng thêm sự hậu thuẫn của gã khổng lồ Disney, các phim của Marvel liên tục thắng lớn về doanh thu.

1

Trận chiến không hồi kết của Marvel và DC

Năm 2013, Marvel cho ra mắt Agents of S.H.I.E.L.D. trên đài ABC, đối đầu với Arrow của DC. Kể từ đó, cuộc chiến của hai đại gia truyện tranh đã leo thang sang lĩnh vực truyền hình. Hàng loạt series mới ra mắt và đến thời điểm hiện tại, mỗi tuần khán giả có thể xem ít nhất ba, bốn loạt phim về các siêu anh hùng. Câu hỏi đặt ra là, cán cân trong trận địa này đang thuộc về ai?

DC: Ưu thế của kẻ đi trước

Xét về lịch sử, những nhân vật DC đã tung hoành trên màn ảnh rộng từ nhiều thập niên qua. Series live-action đầu tiên của hãng là Adventures of Superman ra mắt từ năm 1952, tiếp nối là Batman (1966 - 1968), Wonder Woman (1975 - 1979) hay The Flash (1990 - 1991). Trong số này, gây ấn tượng nhất có lẽ là Smallville, loạt phim gắn liền với tuổi thơ của một thế hệ ở Việt Nam. Câu chuyện về Superman khi còn trẻ thu hút khán giả đến nỗi được kéo dài đến 10 season (2001 - 2011).

2

Arrow là lá cờ đầu của DC sau khi Smallville ngừng chiếu.

https://www.youtube.com/watch?v=MxPY40aFqgc

Năm 2006, hai đài UPN (United Paramount Network) và The WB Television Network hợp nhất thành The CW, qua đó trở thành “sân nhà” của nhiều series truyền hình DC. Năm 2012, loạt phim ăn khách Arrow chính thức lên sóng, hiện đã ra đến mùa thứ 4 với lượt xem trung bình dao động khoảng hơn 3 triệu. Thừa thắng xông lên, The CW tung ra The Flash và gần đây nhất là Legends of Tomorrow. Hai series mới này diễn ra trong cùng một thế giới với Arrow, qua đó tạo ra một vũ trụ truyền hình mini (thường được gọi là Arrowverse).

Nhìn chung, các phim của Arrowverse đều có ratings ổn định và được khán giả khen ngợi. Môi trường đa dạng của truyền hình giúp nhiều nhân vật được yêu thích như Deathstroke, Deadshot, Huntress, Nyssa Al Ghul có cơ hội xuất hiện. Phần kỹ xảo của Arrow hay Flash cũng khá chỉn chu, dù vẫn bị trói buộc trong kinh phí của màn ảnh nhỏ. Thông qua hai series này, những diễn viên như Stephen Amell hay Grant Gustin đã bật lên thành những ngôi sao.

3

FlashArrow diễn ra cùng một thế giới

Bên cạnh Arrowverse, DC cũng liên tục tăng cường độ phủ sóng ở các đài khác. Gotham của đài Fox kể về quá khứ của những kẻ phản diện đối đầu với Batman. Năm 2015, Supergirl ra mắt trên đài CBS và năm nay đến lượt Lucifer, một series quái dị nói về Chúa tể địa ngục vì quá nhàn rỗi nên tìm đến… Sở cảnh sát Los Angeles để làm việc. Có thể nói, từ rất lâu trước khi vũ trụ điện ảnh của DC vào guồng, các nhân vật của họ đã xây dựng chỗ đứng vững chắc trên màn ảnh nhỏ.

Marvel: Sức mạnh của kế hoạch bài bản

Cũng như trong điện ảnh, Marvel là người đi sau nhưng nhanh chóng san bằng khoảng cách với đối thủ nhờ khả năng lập chiến lược dài hơi. Chủ trương từ đầu của hãng là để tất cả series truyền hình kết nối với vũ trụ điện ảnh Marvel (thường gọi là MCU).

Cách làm này có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Ưu điểm là xây dựng được một thế giới thống nhất, tránh tình trạng chia năm xẻ bảy như DC, song khuyết điểm là các phim truyền hình của Marvel đều bị bó buộc vào cốt truyện của các phim điện ảnh. Ở đôi chỗ, những tình tiết kiểu “nhắc lại tình tiết” sẽ gây khó hiểu với những người chưa xem qua, hoặc không nhớ kỹ các phim như The Avengers hay Captain America: The Winter Soldier.

Agents of SHIELD returns

Agents of S.H.I.E.L.D. chưa thật sự thành công dù có sự xuất hiện của Phil Coulson, nhân vật được yêu thích trong The Avengers

Các hạn chế này bộc lộ rõ trong Agents of S.H.I.E.L.D. mùa thứ nhất. Hàng loạt tập đầu không có định hướng cụ thể, đi lan man vô định theo kiểu “mỗi tuần một quái nhân”, trước khi được kết nối với Captain America: The Winter Soldier từ tập 17. Ở hai mùa giải sau, vấn đề này đã được khắc phục một phần với mạch truyện chính về những người Inhuman, nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo được sức hút lớn.

Để khắc phục điều này, Marvel đã có một nước đi đúng đắn là hợp tác với Netflix, kẻ đi đầu trong lĩnh vực truyền hình với hệ thống xem trực tuyến ưu việt cùng khả năng phát triển những series hết sức thành công như House of Cards. Theo thỏa thuận, cả hai sẽ cùng sản xuất năm loạt phim là Daredevil, Jessica Jones, Luke Cage, Iron FistThe Defenders.Trong số đó, DaredevilJessica Jones đã ra mắt trong năm 2015 vừa qua.

5

Cảnh chiến đấu hoàn hảo trong Daredevil

Sự kết hợp này đã đem lại thành công bất ngờ khi cả hai series đều đem đến một góc nhìn mới lạ về thế giới Marvel. Không còn các siêu anh hùng hào nhoáng như Iron Man hay Thor, câu chuyện tập trung vào những góc khuất của thành phố New York. Tông màu tối cùng cách dẫn chuyện chân thực đã tạo ra một không khí đầy ám ảnh. Cách phát hành trọn gói 13 tập của Netflix giúp các nhà làm phim thoát khỏi những chiêu trò để câu kéo ratings, mà thỏa sức tập trung để tạo ra một tác phẩm nghệ thuật ngang tầm phim điện ảnh.

Trong Daredevil hay Jessica Jones, Marvel cũng thoát khỏi điểm yếu cố hữu về nhân vật phản diện. Với thời lượng lên đến 12 tiếng, những kẻ như Kingpin, Madame Gao hay Kilgrave được xây dựng một cách đa chiều với cá tính riêng của mình. Đặc biệt, những câu chuyện về quá khứ của Kingpin hay Kilgrave được truyền tải trọn vẹn, giúp khán giả hiểu về quá trình thay đổi tâm lý của họ trước khi trở thành tội phạm. Với màn ra mắt gần như hoàn hảo, không ngạc nhiên gì khi Daredevil hay Jessica Jones giành điểm số ngất ngưỡng trên các chuyên trang phê bình.

6

Jessica Jones là một thắng lợi khác của Marvel, và cũng dọn đường cho sự xuất hiện của nhân vật Luke Cage

Với việc phát triển theo hai hướng khác nhau, Marvel và DC đều sở hữu thế mạnh riêng để ghi dấu ấn trên màn ảnh nhỏ. Trong những năm tới, các series của DC vẫn sẽ chạy trong vũ trụ riêng và tận dụng ưu thế từ lượng fan có sẵn, còn Marvel tập trung vào dự án The Defenders, cũng như tìm cách thu hút nhiều lượt người xem hơn cho Agents of S.H.I.E.L.D.Agent Carter.

Có một điều khá kỳ lạ là phong cách của hai hãng trong mảng truyền hình lại trái ngược với màn ảnh rộng, khi DC khá tươi sáng với Flash hay Supergirl, còn Marvel tăm tối cùng Daredevil hay Jessica Jones. Điều đó cũng phần nào cho thấy tư duy làm phim cởi mở của những nhà sản xuất. Từ vài năm nay, nhiều khán giả đã tôn xưng giai đoạn này là “Kỷ nguyên vàng” của phim truyền hình, và cuộc chiến giữa Marvel và DC sẽ là một trận địa khốc liệt chưa từng có. Thắng lợi thực sự sẽ chỉ thuộc về các fan hâm mộ, những người sẽ thỏa chí xem các anh hùng mình yêu thích tung hoành mỗi tuần.

Chia sẻ
Tin mới nhất