Phim Ảnh

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: 'Tiếng khóc của các em bé trong khoa Nhi khiến tôi day dứt'

Team Điện Ảnh
Chia sẻ

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hi vọng sẽ lan tỏa được những thông điệp tích cực, ý nghĩa nhân văn sau hai bộ phim tài liệu "Ranh giới" và "Ngày con chào đời".

Vừa qua hai bộ phim tài liệu đặc biệt mang tên Ranh giớiNgày con chào đời đã thu hút rất đông sự quan tâm và chú ý của khán giả trên khắp cả nước. Qua những thước phim thực tế được ghi lại ở bệnh viên nơi điều trị cho các bệnh nhân F0 đã giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về thực tế của cuộc chiến chống Covid 19 đầy khốc liệt và căng thẳng từng giây từng phút trên hành trình giành giật sự sống. 

Mới đây SAOstar đã có buổi phỏng vấn với vị đạo diễn nổi tiếng với những thước phim không lời bình cũng chính là người đứng sau hai phóng sự Ranh giớiNgày con chào đời Tạ Quỳnh Tư. Anh đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện thú vị, những xúc cảm, những suy nghĩ và trăn trở của chính mình trong quá trình thực hiện hai dự án đặc biệt này. 

Xem thêm: Ngoài 'Ranh giới', màn ảnh Việt còn có nhiều thước phim xúc động về cuộc chiến chống dịch Covid-19

- Phóng sự Ranh giới ra mắt đã thu hút sự quan tâm của công chúng, khiến hàng triệu người Việt rơi nước mắt bởi những thước phim chân thực. Cảm xúc của anh như thế nào khi biết được điều này?

Cảm ơn khán giả đã đón nhận bộ phim và mong muốn truyền tải sự khắc nghiệt của đại dịch của tôi đã đến được với đông đảo người xem. Tôi mừng nhất khi mục tiêu ban đầu mình đề ra và mình đã làm được đúng mong muốn đó là giúp khán giả hiểu sâu về đại dịch, về sự khắc nghiệt của cuộc chiến chống Covid 19 cũng như sự hi sinh quên mình của đội ngũ y bác sĩ áo trắng tuyến đầu.

- Từ Ranh giới đến ngày con chào đời, góc nhìn và tâm thế của hai thước phim này có gì thay đổi? Thông điệp mà anh muốn truyền tải là gì?

Có một chút thay đổi, và trong quá trình làm phim tôi đã tính trước được. Phần đầu Ranh giới đưa khán giả đến sự khắc nghiệt của Covid 19, hành trình giành giật từng hơi thở trong tích tắc của các bệnh nhân nhiễm bệnh. Sang đến Ngày con chào đời nó có sự tươi mới hơn, đó là có sự sống nảy sinh từ trong gian khó. 

Thông điệp mà tôi muốn truyền tải đến khán giả qua Ngày con chào đời là trong gian khó, gian khổ, khắc nghiệt thì sự sống được nảy sinh. Nhờ những nghị lực mạnh mẽ vươn lên của những người mẹ mang nặng đẻ đau và sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ thì sự sống đó báo hiệu niềm vui, tín hiệu mừng cho một thế hệ tương lai sau này. 

Thông qua bộ phim, tương lai khi các con nhìn lại các con phải biết trân trọng cuộc sống, niềm vui hạnh phúc mà các con đang có đã phải trải qua giai đoạn rất khắc nghiệt. Các con phải ghi nhớ công lao, sự hi sinh của những người mẹ và sự giúp đỡ của đội ngũ y tế cả nước đang chung tay chống dịch để có được nụ cười tiếng khóc cho các con.

- Trong phóng sự Ngày con chào đời, khoảnh khắc nào khiến anh cảm thấy hạnh phúc và ám ảnh nhất? 

Tôi nghĩ hạnh phúc lớn nhất là người mẹ và các con đều vượt qua được "cửa tử". Giây phút mà giọt nước mắt của những người mẹ lăn dài khi nghe thấy tiếng khóc của con là điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và nhẹ nhõm nhất.

Nói ám ảnh thì cũng không hẳn nhưng nó là cảm xúc rất buồn, day dứt bởi sự chia ly. Mặc dù hạnh phúc đã đến nhưng ngay trong khoảnh khắc đó lại là sự chia ly. Những người mẹ trong phóng sự sống trong sự khắc khoải chờ mong tin con, còn tiếng khóc của các em bé trong khoa Nhi khiến tôi rất day dứt. Trong giây phút chia ly đó hiện lên những người mẹ "bất đắc dĩ", những cô tiên chính là đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Họ trở thành người mẹ thứ hai chăm sóc các con, chỉ có điều là các con được nhìn thấy những người mẹ bế mình trong những bộ trang phục rất lạ.

- Cả anh và quay phim đều là nam, cả hai có gặp trở ngại hay ngượng ngùng khi quay cảnh sinh nở của chị em phụ nữ trong bệnh viện?

Không, có gì đâu mà ngượng đã vào công việc rồi thì không có gì phải xấu hổ hay ngượng ngùng gì hết. Tuy nhiên chúng tôi cố gắng làm thế nào để có được những góc quay không phản cảm. Ngoài ra mình cũng chia sẻ nỗi đau với những người phụ nữ ở đó để họ mạnh mẽ hơn. Trong khoảnh khắc chứng kiến những người mẹ "vượt cạn" tôi nhớ đến mẹ của mình đầu tiên. 

Ngày xưa mẹ kể đẻ tôi khó như nào thì hôm nay tôi mới trực tiếp được nhìn thấy nên cảm thấy thương mẹ rất nhiều. Sau đó tôi nhớ đến vợ mình, cảm xúc lúc đó rất thương những người phụ nữ mang nặng đẻ đau. Tâm sự một chút, ngày xưa tôi là người khó đẻ, mẹ kể sinh tôi như này như kia. Tôi chỉ nghe cho biết nhưng không cảm nhận được, sau 40 năm đứng ở trong phòng mổ chứng kiến những người phụ nữ đau đẻ trong đầu tôi nghĩ ngay về mẹ. Hi vọng rằng sau những thước phim này các con sẽ cảm thấy trân quý và biết ơn về mẹ của mình.

- Phía bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân có vui vẻ đồng ý cho ghi hình vợ và con họ lúc chào đời?

Bây giờ tôi đang phải chuẩn bị tập hợp các tư liệu để gửi lại cho người nhà để người ta giữ làm kỉ niệm. Với mỗi nhân vật, mỗi tiếng khóc khi con chào đời, đặc biệt là thời khắc vượt qua cửa tử đó ai ai cũng trân quý. Họ đang muốn lưu giữ khoảnh khắc đó cho cuốn nhật ký chung của gia đình. Nói như vậy chắc mọi người cũng hiểu bệnh nhân và người nhà phản ứng như thế nào rồi đúng không?

- Bên cạnh những phản hồi tích cực của khán giả, phim không tránh khỏi những bình luận chê trách như cố cường điệu, làm quá, dàn dựng,… Cảm xúc của anh như thế nào trước những bình luận này? 

Khi Ranh giới lên sóng, tôi biết là sẽ có những ý kiến trái chiều. Tôi nghĩ mọi ý kiến đều đúng, đứng ở góc độ mỗi người thì đều đúng. Nhưng mà nếu chúng ta nghĩ rộng hơn, nếu như cái đúng đó mà nhìn nhận cho cái chung, cho toàn thể xã hội, cho công cuộc tuyên truyền chống dịch của cả nước thì mong mọi người hãy nhìn nhận rộng hơn. Chúng ta đang vì cái chung, hướng đến cái chung. Trước những ý kiến trái chiều tôi không phải đối ai đúng ai sai, đã là quan điểm thì họ có cái nhìn của họ và đứng ở góc độ của họ họ cũng có cái đúng. 

Nhân đây tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các gia đình, các nhân vật đã chia sẻ câu chuyện của mình bởi họ đang đóng góp một phần vào công cuộc này. Nếu không có họ thì người xem sẽ không cảm nhận được hết sự khắc nghiệt của dịch bệnh, không nhìn thấy được hết cuộc chiến này như thế nào. Trên thực tế cuộc chiến giành giật sự sống còn khốc liệt hơn rất nhiều. Do thời lượng phim, bố cục, kết cấu của phim có hạn mà nguồn dữ liệu thực tế rất nhiều nên không thể đem hết lên phim được.

- Sau khi Ranh giới và Ngày con chào đời lên sóng, anh có cảm thấy luyến tiếc điều gì không? 

Bạn cũng biết đấy, trong phim thời lượng chỉ có hạn mà bố cục cũng không cho phép mình làm rộng hơn. Thực tế tôi muốn đưa nhiều hình ảnh chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu ở nhiều bệnh viện khác nữa, rồi hình ảnh thân nhân, gia đình lo lắng ra làm sao, rồi đội ngũ y tế làm ở vòng ngoài họ cũng đang có cường độ làm việc rất căng thẳng mà tôi vẫn chưa đưa được vào trong phim. Đấy là những điều khiến tôi cảm thấy nuối tiếc, còn rất nhiều điều khác mà nếu hai từ "giá như" trở thành hiện thực thì phim sẽ hấp dẫn hơn nữa, hay hơn nữa.

- Có thông điệp hay hình ảnh đặc biệt nào anh muốn chia sẻ mà chưa được lên sóng không?

Thực ra là còn nhiều hình ảnh chưa được lên sóng lắm. Ví dụ như Ngày con chào đời, thời gian làm phim quá gấp trong khi nguồn dữ liệu quá lớn mà tôi thì không có thời gian để đọc hết nên là chỉ nhớ mang máng từng cụm để dựng trực tiếp. Nếu giờ mở ra xem một lượt thì có lẽ sẽ còn rất nhiều hình ảnh đắt giá, lời nói đắt giá mà chưa đưa được vào phim. 

- Sau khi hoàn thành chuyến công tác trở về và ra mắt 2 phóng sự này, anh được phép nghỉ ngơi hay lập tức tham gia các dự án khác?

Nghề này của tôi không có giới hạn. Tôi có thể nghỉ nhưng trong quá trình nghỉ có thể nảy sinh ý tưởng và bàn dự án khác cho nên luồng công việc cứ liên tục thôi. Đặc biệt là trong thời điểm đại dịch như này nếu còn làm được phim tuyên truyền chống dịch thì tôi sẽ làm ngay. tuy nhiên để làm được còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

- Vì sao anh lại chọn những thước phim không lời dẫn cho hầu hết các phóng sự, phim tài liệu của mình?

Tôi nghĩ như vậy sẽ thể hiện được tính chân thực đang diễn ra trong cuộc sống. Thay vì đưa quan điểm cá nhân của mình vào tôi chọn cách tôn trọng sự thật, lấy hơi thở của cuộc sống đang diễn ra, âm thanh, tiếng động, lời thoại nhân vật đưa vào. Quan điểm làm phim của tôi là tôi chỉ đứng trên góc độ người đạo diễn lên ý tưởng và xây dựng câu chuyện có đầu có giữa có cuối cho hợp lý, phù hợp với ý đồ của mình thôi. Cá nhân quan điểm tôi nghĩ rằng như vậy sẽ giúp truyền tải đến người xem mạnh mẽ hơn. 

- Anh có thể bật mí một chút cho khán giả về công việc sắp tới được không?

Mỗi năm tôi hi vọng sẽ làm được 1 - 2 phim tài liệu đặc biệt, ngoài ra còn có các phim tài liệu khác. Tất nhiên tôi luôn cố gắng cân bằng giữa cả hai, vẫn theo đuổi các đề tài đặc biệt có tính truyền tải đến người xem mạnh hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư về hai dự án phim tài liệu đặc biệt Ranh giới Ngày con chào đời. Chúc anh thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc!

Xem thêm: Đông Nhi xúc động chia sẻ về phim tài liệu 'Ranh giới': 'Xem để thấy mình may mắn khi còn được thở'

Chia sẻ

Bài viết

Team Điện Ảnh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất