Phim Ảnh

Điểm danh 10 bộ phim hài hay nhất năm 2018

Nguyễn Đức Trọng
Chia sẻ

Năm 2018 đã qua đi. Năm nay là một năm tuyệt vời khi khán giả được trải nghiệm từ mọi cung bậc cảm xúc

Từ khoảnh khắc nhói lòng sau cái búng tay của Thanos, ám ảnh với việc triệu hồi chúa quỷ Paimon trong Hereditary đến ngất ngây trong men tình của A Star Is Born hay sự hồi sinh của các thương hiệu đang trên bờ vực thẳm như Halloween, Aquaman (Worlds of DC) và Transformers. Bên cạnh đó, khán giả cũng được cười ngất ngây với những bộ phim hài thú vị. Đầu năm mới, hãy cùng SAOstar điểm lại những bộ phim hài xuất sắc nhất của năm cũ nhé.

Danh sách dựa trên điểm số trên chuyên trang Rotten Tomatoes.

10. Blindspotting

“Blindspotting”

Phim kể về Collin (Daveed Diggs), người phải hoàn thành nốt ba ngày cuối cùng trong chuỗi ngày quản chế kéo dài một năm của mình để bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên, đời không như là mơ khi anh chàng và người bạn “phá làng phá xóm”  Miles (Rafael Casal) vô tình chứng kiến cảnh một cảnh sát da trắng bắn chết một người người da đen, từ đó họ phải trải qua nhiều rắc rối và tình bạn của cả hai cũng bị thử thách.

Đôi bạn lâu năm, Daveed Diggs và Rafael Casal, đồng biên kịch, diễn viên chính của phim, đã cùng nhau làm nên một bộ phim phù hợp với thời đại và cũng mang tính châm biếm sâu cay về tình bạn, về sự phân chia giai tầng và chủng tộc lấy bối cảnh ở Oakland.

Blindspotting là bộ phim đầu tay của Carlos Lopez Estrada, tuy nhiên anh đã tạo ra một tác phẩm xuất sắc và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp nơi người xem.

9. Sorry To Bother You

Sorry to Bother You lấy bối cảnh hiện đại của thành phố Oakland - nơi mà anh chàng da màu Cassius Green sinh sống bằng nghề tiếp thị qua điện thoại. Chuyện trở nên li kì khi một ngày nọ, Cassius phát hiện ra bí quyết để thành công trong công việc, anh nhanh chóng trở nên giàu có và bị cuốn vào vòng xoáy bê tha vô độ. Điều này cũng khiến mối quan hệ của anh và cô bạn gái Detroit rơi vào tình trạng báo động đỏ khi cô là một thành viên bí mật của một tổ chức hoạt động theo phong cách Bansky.

“Sorry To Bother You”

Khi bạn bè và đồng nghiệp của anh cùng liên kết với nhau chống đối sự bóc lột của công ty thì Cassius lại bị mê hoặc bởi CEO Steve Lift (Armie Hammer), người đề nghị sẽ trả anh một khoản lương mà cả đời anh cũng không bao giờ mơ tới được.

Lạ lùng mà khó đoán, hài hước với những hình ảnh độc đáo, Sorry to Bother You được đạo diễn bởi Boots Riley không khó khăn trong việc thu hút khán giả. Có một điều thú vị là đây cũng là một bộ phim lấy bối cảnh thành phố Oakland, có nhân vật chính là người da màu và cũng là phim đầu tay của một đạo diễn đầy tiềm năng giống như Blindspotting.

8. The Favourite

Vào đầu thế kỷ XVIII, nước Anh dưới sự cai trị của nữ hoàng Anne (Olivia Colman) đang trong tình trạng chiến tranh với nước Pháp. Không may thay, sức khỏe của nữ hoàng trở nên trầm trọng bởi căn bệnh gút quái gở, bà ngày càng gắt gỏng hơn với mọi người xung quanh . Vì lẽ đó mà người bạn thân cũng là cố vấn của bà, nữ công tước Sarah (Rachel Weisz), thay bà cai quản đất nước.

Bỗng một ngày, người em họ nghèo khó của Sarah là Abigail (Emma Stone) tiến cung để hầu hạ hoàng hậu. Khi mà Sarah đang phải mãi lo cho cuộc chiến thì Abigail ra sức dùng mọi chiêu trò để lấy lòng hoàng hậu Anne, thay thế vị trí của chị họ mình để từ đó khôi phục lại thân thế hoàng tộc. Abigail quyết tâm không để bất cứ ai hay bất cứ thứ gì ngăn cản cô đạt được mục đích của mình.

“The Favourite”

The favorite được đạo diễn bởi nhà làm phim Hy Lạp Yorgos Lanthimos khi được trính chiếu đã nhận về rất nhiều phản hồi tích cực. Đây cũng là bộ phim đầu tiên mà Emma Stone đóng cảnh khỏa thân. Trong một lần phỏng vấn, cô đã chia sẻ rằng chính cô là người đã đề nghị được thực hiện cảnh nóng này. Ngoài ra, Emma Stone cũng chia sẽ thêm rằng quá trình quay phim rất cực khổ khi phải thực hiện những cảnh ngã khỏi xe ngựa, rơi xuống vách núi…

7. BlacKkKlansman

BlacKkKlansman được lấy cảm hứng từ cuốn hồi ký Black Klansman của Ron Stallworth, một cựu đặc vụ chìm người Mỹ gốc Phi. Bộ phim đề cập đến những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ như bạo lực, phân biệt chủng tộc với một góc nhìn đầy châm biếm nhưng không kém phần mạnh mẽ, sâu cay.

“BlacKkKlansman”

Nội dung bộ phim dễ khiến người xem liên tưởng đến tuyệt tác Lộc Đỉnh Ký của đại tác gia Kim Dung khi kể về cảnh sát Ron Stallworth thành phố Colorado Springs được giao nhiệm vụ xâm nhập vào một chi nhánh của tổ chức bài da đen Ku Klux Klan nhằm ngăn chặn âm mưu tấn công người da đen của hội nhưng rồi số phận trớ trêu khiến anh trở thành thủ lĩnh số 1 của tổ chức.

Khi được công chiếu tại Liên Hoan Phim Cannes, BlacKkKlansman đã nhận được cơn mưa lời khen từ khán giả cũng như các nhà phê bình tên tuổi và sau đó nhận được bốn đề cử quan trọng từ giải Quả Cầu Vàng danh giá. Vốn là một nhà làm phim giàu sáng tạo và luôn phá vỡ những khuôn mẫu trong nghệ thuật kể chuyện, Spike Lee đã khiến khán giả muốn hiểu hết được những lớp lang ý nghĩa của bộ phim phải thực sự tập trung khi theo dõi. Tài năng của Spike Lee còn thể hiện rõ ràng qua việc biến một chủ đề nghiêm túc, thậm chí nặng nề thành một tác phẩm hài hước và đầy châm biếm.

6. The Death of Stalin

Khi vừa ra mắt, bộ phim đã nhanh chóng dấy lên làn sóng tranh cãi nơi đại chúng. Liên Bang Nga ngay lập tức ra lệnh cấm chiếu bộ phim và không ngại ngần chỉ trích đây là trò đồi bại, một hành động chống lại nước Nga. Tuy nhiên, đây lại là một trong 15 bộ phim được yêu thích nhất của cựu tổng thống Mỹ Brack Obama.

“The Death of Stalin”

Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Fabien Nury, bộ phim xoay quanh sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Liên Xô sau sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Xô VCiết Joseph Stalin vào năm 1953.

5. Can You Ever Forgive Me?

Can You Ever Forgive Me? được đạo diễn Marielle Heller chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của nữ tác giả đồng tính Lee Israel (2008). Bộ phim kể về quá trình cố gắng khôi phục sự nghiệp của Israel (Melissa McCarthy), người hành nghề viết tiểu sử về những người nổi tiếng như Katharine Hepburn, Tallulah Bankhead, Estée Lauder và nhà báo Dorothy Kilgallen. Tuy nhiên công việc này không kéo dài quá lâu, người đọc dần tỏ ra thiếu mặn mà với các tác phẩm của cô.

Tài chính Israel nhanh chóng rơi vào khủng hoảng vì vốn công việc ban đầu cũng chỉ đủ để giúp cô trang trải chứ không phải khá giả gì. Một cách tình cờ, Israel phát hiện được một lá thư của một người nổi tiếng quá cố sau đó cô đem bán nó đi thì nhận được một khoản tiền kha khá. Kể từ đó, Israel dần nhận ra những bức thư này có thể bán được nên cô quyết định trở thành người giả mạo những bức thư của người quá cố rồi kiếm tiền từ đó với sự trợ giúp của người bạn thân Jack (Richard E. Grant).

“Can You Ever Forgive Me”

Sau những vai diễn hài hước có phần quá lố thì với Can You Ever Forgive Me khán giả được thấy một Melissa McCarthy rất khác, trầm lắng, cũng cô đơn và không hề thiếu sức truyền cảm. Đây là một vai diễn được đánh giá cao và bản thân McCarthy nhận được một đề cử tại hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim chính kịch bên cạnh bạn diễn Richard E. Grant với đề cử cho Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Giải thưởng Quả Cầu Vàng danh giá lần thứ 76.

4. Eighth Grade

A24 vốn nổi tiếng với những bộ phim độc lập với chất lượng cực kì cao. Đa số những phim do hãng thực hiện đều được đánh giá vô cùng tích cực và nhận được hàng loạt đề cử cũng như các giải thưởng danh giá. Nếu với thể loại kinh dị, A24 khiến khán giả ám ảnh tột độ bằng siêu phẩm Hereditary thì với thể loại hài thì hãng đem đến tác phẩm Eighth Grade đầy sâu sắc và thú vị.

“Eighth Grade”

Điều đặc biệt của những phim A24 chính là rất nhiều phim của họ được đạo diễn bởi những đạo diễn trẻ và những phim này đa phần là phim đầu tay, Eighth Grade cũng vậy. Đạo diễn Bo Burnham của phim vốn không phải là một người nổi tiếng ở Hollywood. Anh được biết nhiều đến qua vai trò là một Youtuber. Tuy nhiên, với lần đầu tiên làm phim điện ảnh, Bo Burnham đã khiến tất thảy những ai theo dõi bộ phim đều sửng sốt vì chất lượng xuất sắc của nó. Không may cho anh, bộ phim trước khi ra mắt đã bị gắn nhãn R và Burnham đã kịch liệt phản đối chuyện này.

Lấy nội dung về một cô bé Kayla Day (Elsie Fisher) nhút nhát đang trong độ tuổi dậy thì vấp phải những rắc rối mà các cô cậu cùng tuổi hay mắc phải. Tuy vậy, cô bé lại cảm thấy bản thân lạc lõng giữa thế giới này và dường như không ai hiểu cô. Vì thế, mạng xã hội giờ đây trở thành nơi Kayla tìm đến để dựa vào vì nơi đây cô có thể làm mọi việc một cách thoải mái mà không sợ bị lộ thân phận thật của mình. Chuyện phim lấy mốc thời gian là những tuần cuối cùng của quãng thời gian cấp II trong đời cô bé và cô phải vượt qua giai đoạn này để bước đến một “tương lai tươi sáng” ở cấp III được vẽ ra bởi người bạn Olivia (Emily Robinson).

3. Bathtubs Over Broadway

Khác với các phim còn lại trong danh sách này, Bathtubs Over Broadway là một bộ phim hài kết hợp với tài liệu.

“Bathtubs Over Broadway”

Steve Young là biên kịch của LATE SHOW WITH DAVID LETTERMAN. Trong một lần thu thập các tài liệu cho một tiết mục trong chương trình, anh vô tình tìm thấy một vài album cũ. Đây là những album được thu theo phong cách Broadway chỉ được sử dụng nội bộ của các công ty lớn ở Mỹ như General Electric, McDonald's, Ford, DuPont, Xerox. Từ đó, Steve cảm thấy hứng thú với thể loại nhạc này và cũng vì vậy mà cuộc đời anh thay đổi mãi. Anh tiếp tục tìm kiếm những album tương tự khác và dần dấn thân vào ngành kịch Broadway nổi tiếng.

2. Keep The Change

Chuyện phim xoay quanh David (Brandon Polansky), một nhà làm phim nhiệt huyết được một thẩm phán ủy nhiệm đến tham gia một chương trình cộng đồng tại Trung tâm Cộng đồng Do Thái. Lúc ban đầu, anh không nghĩ là mình hợp với nơi này tuy nhiên trong một lần đi chơi ở cầu Brooklyn cùng Sarah (Samantha Elisofon), anh cảm thấy có gì đó trong mình thay đổi.

“Keep the Change”

Dưới vỏ bọc của một bộ phim hài lãng mạn, Keep the Change đưa ra một bức chân dung mới mẻ về một cộng đồng hiếm khi được miêu tả trên màn ảnh rộng. Quyến rũ, ấm áp và hài hước đã đem đến sự phát triển và biến đổi nơi các nhân vật cũng như là nơi người xem.

1. Oh Lucy!

Là bộ phim hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ, bộ phim kể về Setsuko (Shinobu Terajima) bị cô cháu gái Mika (Shiori Kutsuna) lừa tham gia một khóa học tiếng Anh với giá 600.000 Yên. Ở đây cô như trúng tiếng sét ái tình với anh chàng giáo viên điển trai John (Josh Hartnett). Cô còn được John đặt cho cái tên mới Lucy, “Tây” hơn. Sau lớp học đó, Setsuko như được sống dưới một nhân dạng khác. Tuy nhiên, cô nhanh chóng vỡ mộng khi nhận ra John vốn là bạn trai của Mika và cả hai đã dùng số tiền lừa được từ cô để đi Mỹ sống một cuộc sống mới.

“Oh Lucy!”

Cảm thấy thiếu vắng John như không còn động lực sống, Setsuko bèn khăn gói đi Mỹ để tìm người mình yêu. Đi cùng cô là chị gái của mình, cũng muốn đi theo để tìm con gái Mika. Ở nơi đất khách xa lạ, không một chút vốn liếng ngôn ngữ, hai người phụ nữ phải cố gắng xoay xở để tìm lại những người mình quan tâm.

Phim lột tả chân thực những hiện trạng nhức nhối mà xã hội Nhật Bản đang mắc phải như bệnh trầm cảm, áp lực công việc… Bên cạnh đó, phim cũng cho thấy được sự khác biệt giữa văn hóa phương Tây và phương Đông rõ nét.

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Đức Trọng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất