Phim Ảnh

Khi các nhân vật nữ đồng loạt thắc mắc về chữ 'men' trong 'X-Men' và 'Men in black'

Grassie
Chia sẻ

Ngay cả khi người hâm mộ không để ý đến tựa đề của X-Men và chuỗi phim Men in black, các hãng phim vẫn "rào trước" một lời giải thích và biến chúng trở thành câu đùa hài hước, thú vị.

Trong cùng tháng 6 năm nay, hai bom tấn viễn tưởng cùng ra rạp là phim X-Men: Dark Phoenix của vũ trụ dị nhân và phần phim ngoại truyện Men in black: International. Cả hai cùng chọn thế lực phản diện là sinh vật ngoài hành tinh có khả năng biến đổi hình dạng. Thế nhưng, đây không phải điểm chung duy nhất giữa tác phẩm của thương hiệu X-Men và phần thứ tư Men in black. 

Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của tinh thần nữ quyền trên màn ảnh rộng, chữ “men” vô tình trở thành vấn đề cho cả thương hiệu X-Men lẫn Men in black. Điều này cũng được các nhân vật nhắc đến một cách hài hước ở phim Men in black: International và X-Men: Dark Phoenix.

Phần phim khép lại vũ trụ dị nhân lấy Jean Grey/Phoenix (Sophie Turner) làm trung tâm, học trò của Giáo sư X (James McAvoy) vô tình trở thành vật chủ của năng lượng kinh hoàng sau một tai nạn bất ngờ. Với nhân dạng của Dark Phoenix - Phượng hoàng Bóng tối, Jean Grey sở hữu sức mạnh tột bậc nhưng mất đi khả năng tự kiểm soát. Cô không những làm hại đến đồng đội mình mà còn bị thế lực ngoài hành tinh lợi dụng cho mục đích xấu.

Phim X-Men: Dark Phoenix đồng thời cũng tiết lộ những mâu thuẫn nội bộ giữa các thành viên nhóm X-Men. Tại đây, Giáo sư X và Raven/Mystique (Jennifer Lawrence) có quan điểm khác biệt về mục đích của nhóm X-Men. Thậm chí, trong cuộc cãi vã diễn ra ở đầu phim, nữ dị nhân Raven cho rằng vì sao nhóm có tên là X-Men dù thời gian gần đây, hầu hết là các dị nhân nữ cứu sống dị nhân nam. Điển hình là trường hợp của Jean Grey, cô đã liều mạng mình chỉ để giải thoát một nạn nhân nam theo lời của Giáo sư X.

Sự thắc mắc về tên gọi trở nên hài hước hơn trong phim Men in black. Ở phần ngoại truyện của chuỗi phim Men in black, bộ đôi Chris Hemsworth và Tessa Thompson của phim Thor: Ragnarok thay thế hai cựu điệp viên J và K, vào vai đôi đặc vụ trẻ tuổi M và H - hai người được đặc vụ O (Emma Thompson) gửi sang London để điều tra về chủng loại người ngoài hành tinh mới, đồng thời khám phá ra những bí mật ẩn giấu của tổ chức.

Đặc vụ M thực chất là một người bình thường vô tình nhìn thấy sinh vật ngoài hành tinh, cũng như biết đến sự tồn tại của tổ chức áo đen MIB mà không được xóa kí ức. Trải qua hơn 20 năm tìm kiếm, cuối cùng, Molly được đặc vụ O nhận làm thành viên tập sự tại tổ chức Men in black. Trong trường đoạn giới thiệu về tổ chức, cả đặc vụ O lẫn đặc vụ M đều tỏ ra bất bình trước tên Men in black - cái tên lãng quên mất các nữ đặc vụ. Thế nhưng, cũng theo đặc vụ O, cái tên này đã có từ lâu đời và khó có thể thay đổi, lời thoại này như một lời bào chữa cho thương hiệu đã tồn tại từ lâu, nhưng thực chất vẫn ủng hộ mạnh mẽ tinh thần nữ quyền.

Xuyên suốt bộ phim Men in black, tinh thần nữ quyền được khai thác mạnh mẽ qua từng chi tiết nhỏ cho đến toàn thể diễn biến. Hai người phụ nữ của tổ chức Men in black - đặc vụ M và đặc vụ O - đều cáng đáng trọng trách nặng nề và là mắt xích quan trọng bậc nhất trong tác phẩm. Không còn là người hỗ trợ cho Thor như phim Thor: Ragnarok, đặc vụ M trở thành người dẫn lối, bản lĩnh không thua kém bất cứ người đàn ông nào và góp phần lớn vào chiến thắng cuối phim.

Các nhân vật nữ đang có những chỗ đứng then chốt trong các đế chế phim ảnh lớn: Dark Phoenix với sức mạnh bậc nhất ở phim X-Men: Dark Phoenix, Captain Marvel nhiều quyền năng của vũ trụ điện ảnh Marvel và nữ đặc vụ M - trụ cột của tổ chức Men in black. Ngay cả khi người hâm mộ không để ý đến tựa đề của X-Men và chuỗi phim Men in black, các hãng phim vẫn “rào trước” một lời giải thích và biến chúng trở thành câu đùa hài hước, thú vị.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin mới nhất