Phim Ảnh

'Bad Times at the El Royale': Ván cờ cân não mang hơi hướng Quentin Tarantino

Bánh Bao
Chia sẻ

Sử dụng cấu trúc phi tuyến tính cùng bối cảnh không gian hẹp, “Bad Times at the El Royale” khiến các tín đồ xinê không khỏi liên tưởng đến phong cách làm phim đặc trưng ở quái kiệt Quentin Tarantino.

Sau gần 7 năm trời mai danh ẩn tích khỏi ghế đạo diễn, Drew Goddard đã chính thức tái xuất giang hồ với đứa con tinh thần mang tên Bad Times At The El Royale (Phút kinh hoàng tại El Royale). Mặc dù chỉ mới cầm trịch đúng hai tác phẩm điện ảnh, thế nhưng ngành giải trí ở Hollywood vốn không xa lạ gì trước anh chàng này. Dưới vai trò biên kịch, Goddard từng góp phần tạo nên thành công vang dội cho World War Z (2013), The Martian (2015) hay series đình đám Lost (2005 - 2008) DareDevil (2015 - 2018). Vì vậy, đông đảo khán giả lẫn giới phê bình đều tin rằng, tác phẩm trên chắc chắn phải có chất lượng thuộc hàng khá tốt trở lên.

Link trailer “Bad Times At The El Royale”

7 con người, 1 khách sạn, 1 đêm mưa định mệnh

Câu chuyện khởi đầu từ năm 1959 tại El Royale, tòa khách sạn sang trọng tọa lạc giữa đường biên giới hai bang California và Nevada. Một gã đàn ông với bộ dạng lén lút đã đến đây để thuê phòng trọ. Vừa kịp cất giấu chiếc túi bí ẩn dưới sàn của căn phòng mà mình đang ẩn náu, hắn ta liền bị ai đấy giết hại thật dã man. Mười năm thấm thoát trôi đi, El Royale huy hoàng ngày nào giờ chỉ còn là chốn hoang tàn, vắng vẻ bởi đạo luật cấm đánh bạc. Vào buổi sáng nọ, 5 vị khách kì lạ tình cờ ghé ngang rồi quyết định chọn nơi đây làm điểm dừng chân qua đêm.

Bao gồm tay nhân viên tiếp thị Sullivan (Jon Hamm), cô ca sĩ da màu Sweet (Cynthia Erivo), cha xứ mộ đạo Flynn (Jeff Bridges) và cặp chị em nhà Summerspring (Dakota Johnson, Cailee Spaeny), cả 5 họ người đều cố ẩn giấu những góc khuất đen tối phía sau lớp vỏ thánh thiện, hiền lành. Trong cái đêm mưa định mệnh ấy, một sự kiện kinh hoàng đã đột ngột xảy ra, lần lượt phanh phui toàn bộ mọi bí ẩn liên quan đến các vị khách lẫn tên quản lí khù khờ Miles Miller (Lewis Pullman). Liệu hết thảy bọn họ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm chiếc túi năm xưa hay còn vì mục đích sâu xa nào khác?

Ván cờ cân não nơi không gian kín

Với hầu hết diễn biến gói gọn trong khuôn viên khách sạn: các căn phòng cho thuê và khu đại sảnh, Bad Times At The El Royale khiến khán giả chẳng thể rời mắt khỏi màn hình trước lối dẫn chuyện thông minh, bất tuân theo cấu trúc 3 hồi thông thường. Tổng thể câu chuyện vốn được chia làm 7 chương, mỗi chương được kể dưới góc nhìn của từng vị khách khác nhau. Đan xen vào vài phân cảnh hồi tưởng có mốc thời gian phi tuyến tính, thoạt đầu, bạn sẽ ngỡ rằng mình đang xem một loạt nội dung không đầu không đuôi. Tuy nhiên, lúc bộ phim càng tiến về đoạn cuối, những mảnh ghép kia mới dần dần liên kết lại rồi tạo thành đường dây hoàn chỉnh.

Chắc hẳn, những ai yêu thích điện ảnh cũng đều cảm thấy cách thức xây dựng kịch bản ở bộ phim này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ quái kiệt Quentin Tarantino, mà cụ thể hơn là tác phẩm Reservoir Dogs (1992) hay The Hateful Eight (2015) do ông nhào nặn. Ngoài việc “nhồi nhét” nhóm nhân vật vào một địa điểm cố định và áp dụng cấu trúc đa tuyến nghịch đảo, Drew Goddard còn đánh lừa người xem bằng các trường đoạn hội thoại dài dòng, tưởng chừng chẳng liên quan gì tới mạch truyện chính. Thế nhưng, anh ta sẽ sớm làm khán giả giật thót tim khi phá tan bầu không khí tĩnh lặng ấy bởi nhiều pha hành động bạo lực, dứt khoát.

Bên cạnh đó, tương tự như bậc tiền bối, lớp nhân vật trong Bad Times At The El Royale cũng sở hữu tính khí cực kì thú vị, lập lờ giữa ranh giới trắng đen. Mỗi người lần lượt đại diện cho một “khối ung nhọt” nhức nhối: bê bối chính trị, âm mưu tình báo, phân biệt sắc tộc, trộm cướp, dị giáo và sang chấn tâm lý sau chiến tranh. Thông qua lối hành xử lẫn thái độ của 7 vị khách, tác phẩm liền khéo léo vạch trần bộ mặt giả đối, ngập tràn vết nhơ ở xã hội Hoa Kì thời bấy giờ. Đặc biệt, nếu những ai thường xuyên tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ thập niên 60, thì bí mật động trời được úp mở lúc kết phim sẽ khiến họ phấn kích tột độ.

Tất nhiên, Drew Goddard vẫn biết lưu lại dấu ấn cá nhân của riêng mình. Thay vì phải tốn công dàn dựng bữa tiệc thanh trừng máu me nhớp nháp, anh cố gắng tiết chế yếu tố bạo lực hết mức có thể. Từng vỏ đạn rơi xuống mặt sàn, từng nhát dao vung lên sáng loáng luôn đồng nghĩa với việc một sinh mạng vừa bị loại khỏi cuộc chơi. Đơn giản nhưng tàn khốc và khó lòng đoán trước, các màn dứt điểm theo phong cách “one shot, one kill” này (tạm dịch: bắn đâu chết đấy) chính là chất xúc tác quan trọng, giúp níu giữ người xem trụ lại tới phút cuối cùng.

Phiên bản nhạt nhòa mang hơi hướng Quentin

Đáng tiếc thay, dẫu có nhiều cố gắng, bộ phim vẫn thua kém các tượng đài tâm lý tội phạm của lão quái kiệt một quãng khá xa. Đơn cử, phần lời thoại giữa nhóm khách trọ không những lê thê mà còn thiếu hẳn cả sự tinh tế. Trong khi mỗi đoạn chuyện trò được Quentin sắp đặt đều tạo nên bầu không khí lôi cuốn bởi cái chất hóm hỉnh lẫn châm biếm sâu cay, thì Drew Goddard chỉ đơn thuần sử dụng chúng nhằm cung cấp thông tin về một đối tượng hoặc tình tiết nhất định. Vì vậy, bản thân Bad Times At The El Royale sở hữu vài phân cảnh làm người xem cảm thấy hơi mệt mỏi và khó chịu.

Kế tiếp, tác phẩm đó cũng gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc phát triển tâm lý nhân vật. Những khán giả tinh ý sẽ dễ dàng nhận ra rằng, một số khách trọ có tính tình hoàn toàn trái ngược so với quá khứ bá đạo mà họ từng trải qua. Ví dụ, ngoại trừ thân hình lực lưỡng cùng 6 múi bụng cực kì quyến rũ, nam tài tử Chris Hemsworth chưa lột tả được hết cái vẻ biến thái, thâm hiểm ở tên giáo chủ Billy Lee, kẻ cầm đầu đám thanh niên dị giáo.

Mặc dù chưa thể đạt tới hàng ngũ tinh hoa, Bad Times At The El Royale vẫn là một đứa con tinh thần đáng nhớ của đạo diễn Drew Goddard. Với cốt truyện ly kỳ, gay cấn và khó lường trước nổi diễn biến, bộ phim chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng sau 140 phút trình chiếu.

Bad Times At The El Royale khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 19/10/2018.

Chia sẻ

Bài viết

Bánh Bao

Tin mới nhất