Theo CNN, một ví dụ điển hình là Kirti Tewani, chuyên gia trị liệu Ayurveda và nghệ sĩ trang điểm ở New York, người đã thử sử dụng vỏ chuối để giảm nếp nhăn trên da. Tewani cho rằng lutein, một chất chống oxy hóa trong vỏ chuối, giúp làm sáng và dưỡng ẩm da. Sau một tháng sử dụng, cô nhận thấy làn da trở nên căng mịn hơn và các nếp nhăn giảm bớt.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia da liễu không hoàn toàn đồng tình với xu hướng này. Muneeb Shah, bác sĩ da liễu tại Mỹ, cảnh báo rằng các nguyên liệu tự nhiên như hạt lanh hay mỡ bò không có đủ bằng chứng khoa học chứng minh chúng là chất dưỡng ẩm hiệu quả. Ông cho rằng việc bôi những thực phẩm này lên da có thể không mang lại kết quả lâu dài, thậm chí gây kích ứng.
Dija Ayodele, chuyên gia thẩm mỹ tại Anh, cũng cảnh báo về nguy cơ gây kích ứng da từ trái cây tươi như chanh hay dưa chuột. Nếu không sử dụng đúng cách, những thành phần này có thể gây ra cháy nắng hoặc nhạy cảm với ánh sáng, đặc biệt là khi không dùng kem chống nắng.
Một ví dụ khác là Grace May, người sáng tạo nội dung tại Los Angeles, đã thử đắp mặt nạ mỡ bò, nhưng sau khi sử dụng, cô nhận thấy làn da bị bít lỗ chân lông và tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.

Mặc dù các phương pháp tự nhiên này có thể mang lại kết quả tạm thời, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng các hợp chất hóa học như retinol hoặc argireline vẫn là những sản phẩm hiệu quả nhất trong việc chống lão hóa, và chưa có sản phẩm tự nhiên nào có thể thay thế được Botox.
Qua đó, xu hướng "Botox tự nhiên" có thể hiệu quả với một số người, nhưng không phải lúc nào cũng an toàn và phù hợp với mọi loại da. Việc thử nghiệm các phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và có sự tư vấn từ các chuyên gia.