Công Nghệ

VTC thắng đậm nhờ mua bản quyền ASIAD 2018 như thế nào?

Vũ Tuấn Anh
Chia sẻ

Với nỗ lực đàm phán bản quyền, VOV/ VTC trong thương vụ bản quyền ASIAD 2018 không những được "tiếng" mà còn có cả "miếng".

ASIAD 2018 đã chính thức khép lại với những thành công nhất định của đoàn thể thao Việt Nam và đặc biệt là thành tích lọt vào Top 4 đội bóng mạnh nhất nội dung bóng đá nam của các cầu thủ Olympic Việt Nam. Với ASIAD 2018, người hâm mộ vui vì thay vì thiếu chút nữa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất tại Châu Á “trắng sóng” ASIAD, chúng ta đã được xem gần như trọn vẹn sự kiện thể thao này với bản quyền đầy đủ, chất lượng hình ảnh tốt. Tuy nhiên, nhà đài, cụ thể ở đây là Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên của Đài tiếng nói Việt Nam) có lẽ cũng là một trong những người vui nhất.

Chật vật mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018

VOV/ VTC có bản quyền phát sóng ASIAD 2018 với sự hỗ trợ của ba doanh nghiệp lớn. (Ảnh: Đ.Đ)

Vài ngày trước khi những trận đấu đầu tiên của nội dung bóng đá nam ASIAD 2018 chính thức diễn ra (đây là nội dung thi đấu sớm nhất ASIAD năm nay), Đài truyền hình Việt Nam - đơn vị duy nhất đàm phán bản quyền phát sóng ASIAD 2018 - tuyên bố không thể có được bản quyền phát sóng sự kiện này với mức giá bản quyền quá cao mà nhà đài này cho biết là thiếu hợp lý và vượt quá khả năng tài chính. Hiệu ứng mà U23 Việt Nam tạo ra được tại U23 Châu Á hồi đầu năm được cho là một trong những nguyên nhân khiến giá bản quyền ASIAD 2018 tăng vọt.

Thời điểm đó, nhiều khán giả yêu thể thao cũng thông cảm với VTV bởi suy cho cùng việc mua hay không mua một bản quyền sự kiện thể thao chính là một phương án kinh doanh với nhà đài. Đầu tư một số tiền lớn nhưng không bù đắp được chi phí từ doanh thu quảng cáo chẳng hạn sẽ tạo ra một phương án kinh doanh tồi. Trong khi đó, ASIAD vốn vẫn được xem là một sự kiện thể thao kén người xem. Phần đa người hâm mộ Việt Nam vẫn chỉ có thói quen chờ xem trực tiếp nội dung bóng đá nam. Đối với các nội dung còn lại, họ có xu hướng cập nhật thông tin tổng hợp trên các bản tin truyền hình hoặc Internet. Thế nhưng, sự tồi tệ của việc không có bản quyền lộ rõ khi ASIAD 2018 chính thức khởi tranh. Nhiều người hâm mộ, cực chẳng đã, phải xem các nội dung không có bản quyền được stream lén lút với chất lượng hình ảnh kém, lag giật.

Mãi đến thời điểm ngày 21 tháng 8, tức là khi nội dung bóng đá nam đã đi qua vòng bảng và ASIAD đã khai mạc được vài ngày và niềm hy vọng có bản quyền phát sóng của người hâm mộ thể thao trong nước gần như đã tắt thì Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) bất ngờ tuyên bố đã có được bản quyền sự kiện này trên lãnh thổ Việt Nam. Mức giá đàm phán không được công bố nhưng có thể dao động trong khoảng từ 1,3 triệu USD tới 1,7 triệu USD. Với kết quả này, các nội dung ASIAD 2018 sẽ được phát trên kênh sóng của Đài truyền hình kĩ thuật số VTC.

Một mùa ASIAD thành công của nhà đài

Tỷ lệ khán giả tiếp cận một số trận bóng đá tiêu biểu thời gian gần đây trên truyền hình.

Ngay sau khi có bản quyền sự kiện, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC đã chính thức gửi đi báo giá quảng cáo cho sự kiện. Trong đó, các trận thi đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu tại môn bóng đá nam có giá chào cao nhất. Tại trận đấu đầu tiên có bản quyền gặp đội tuyển Bahrain, VTC chào giá cao nhất 150 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo. Nhà đài này không quên lưu ý rằng giá quảng cáo sẽ được điều chỉnh khi Việt Nam tiến sâu hơn vào giải đấu. Chỉ cần quan lưu ý này cũng có thể thấy nhà đài phụ thuộc ra sao vào kết quả thi đấu của Olympic Việt Nam để bù đắp chi phí bản quyền. Cuối cùng, tới trận Việt Nam - Hàn Quốc và Việt Nam - UAE, mức chào giá quảng cáo cao nhất đã lên tới 450 triệu cho thời lượng 30 giây.

Trận đấu tranh huy chương đồng giữa Olympic Việt Nam và Olympic UAE có báo giá quảng cáo tương tự trận đấu gặp Olympic Hàn Quốc.

Tự tin chào giá quảng cáo là bởi rating của VTC3 trong các trận đấu ASIAD 2018 có đội tuyển Việt Nam thi đấu là cực kì ấn tượng. Các trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp Syria hay Việt Nam gặp Hàn Quốc thậm chí còn đạt rating cao hơn trận chung kết World Cup 2018, theo số liệu thống kê của Vietnamtam. Nếu như chỉ số thị phần trung bình của kênh VTC3 ở thời điểm trước khi có bản quyền ASIAD 2018 tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt lần lượt 0,23% và 0,13% thì con số này sau khi có bản quyền đã lên tới 5,32% và 2,04%.

Không dừng lại ở đây, trong thời gian diễn ra ASIAD 2018, ứng dụng VTC Now trung bình mỗi ngày có thêm 100.000 lượt tải về. Cộng dồn với số lượng người dùng trước đó khoảng 150.000, chỉ sau trên dưới 1 tuần, ứng dụng này đã đạt mốc 1 triệu lượt tải về.

Ông Nguyễn Kim Trung, Giám đốc Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC, tiết lộ VTC không thu phí bất kì đơn vị truyền hình, báo đài nào khi đề nghị tiếp xúc. Dù vậy, với sự đầu tư vào ASIAD 2018, nhà đài này “không lỗ, mà còn có lãi”. Rõ ràng, trong rất nhiều niềm hân hoan của thể thao nước nhà, việc mua bản quyền ASIAD 2018 đối với VTC là câu chuyện không chỉ “có tiếng” mà còn “có miếng”.

Chia sẻ

Bài viết

Vũ Tuấn Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất