Việt Nam sẽ tổ chức đua xe F1, đây là tất cả những gì bạn cần biết về môn thể thao này

Duy Huỳnh
Chia sẻ

Qua hơn 2 năm kiên trì đàm phán, cuối cùng Hà Nội đã giành được quyền đăng cai sự kiện thể thao mang tầm quốc tế. Để hiểu hơn về chặng đua này một cách trọn vẹn nhất, đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần nắm bắt.

Giải đua xe F1 đã trải qua lịch sử hơn 60 năm tổ chức, với rất nhiều chặng đua diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Đến với Việt Nam, giải đua xe F1 đã chọn thủ đô Hà Nội sẽ là địa điểm tổ chức chặng đua F1 (Formula 1) đầu tiên từ năm 2020 kéo dài trong 10 năm với quãng đường đua 5,565 km tại khu vực Mỹ Đình.

Để hiểu hơn về chặng đua này một cách trọn vẹn nhất, dưới đây là những thông tin cơ bản mà bạn cần nắm bắt.

Giải đua xe công thức F1

Giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) là một môn thể thao tốc độ chuyên về đua ô tô được công nhận bởi Liên đoàn Ô tô Quốc tế (Fédération Internationale de l'Automobile hay FIA). Hàng năm, các giải đua này diễn ra liên tục trên khắp thế giới, từ châu Úc đến châu Âu, qua châu Mỹ, tới châu Á và cả ở Trung Đông.

Lịch sử hình thành của giải đua xe F1 xuất phát từ những năm 1920 và 1930 khi giải đua European Grand Prix championship đầu tiên được tổ chức. Cho đến năm 1946, các quy tắc giải đấu mới được chuẩn hóa bởi Liên đoàn Xe hơi Quốc tế FIA.

Tên giải đua công thức Formula One (F1) đại diện cho bộ quy tắc mà tất cả người tham gia phải tuân thủ, và trước đây nó còn được biết đến với tên gọi Formula A. Cuộc đua vô địch thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1950 tại Silverstone (Anh) và chặng đua F1 đầu tiên diễn ra một tháng trước đó tại Pau (Pháp).

Thông thường mỗi giải đua xe có 10 đến 12 đội tham gia, được tài trợ bởi những thương hiệu hàng đầu thế giới như Red Bull Racing, Mercedes, Renault, McLaren. Khi tham gia giải đấu, mỗi đội đua sẽ có 2 xe, chúng đều được đội dự thi tự thiết kế chiếc và được trang bị động cơ của những nhà tài trợ.

Ý nghĩa các loại cờ

Cờ caro trắng đen: Cuộc đua đã chấm dứt.

Cờ vàng: Báo hiệu có nguy hiểm, các xe phải lập tức giảm tốc độ và không được vượt nhau, nếu không sẽ bị phạt rất nặng.

Cờ xanh: Hết nguy hiểm, xe đã có thể đua bình thường.

Cờ đỏ: Cuộc đua đã tạm dừng, các xe phải chạy chậm về vị trí xuất phát.

Cờ xanh biển: Báo hiệu cho tay đua phía trước có một chiếc xe chạy nhanh đang ở đằng sau, có thể sẽ vượt qua xe của anh ta. Nếu nhìn thấy lá cờ này được vẫy tới lần thứ 3 trước xe của mình thì tay đua phải để cho xe phía sau vượt lên.

Cờ đỏ và vàng với vạch thẳng đứng: Cảnh báo đường trơn trợt (dầu, nước mưa,…)

Cờ nửa đen trắng: Cảnh cáo những chiếc xe đang có những hành vi phi thể thao.

Cờ đen có vòng tròn cam ở giữa: Cảnh báo tay đua biết rằng chiếc xe của họ có vấn đề, cần đưa ngay vào pit-stop (điểm dừng xe) để tránh tai nạn.

Cờ đen: Xe bị loại khỏi cuộc thi và phải trở về pit ngay lập tức.

Cờ trắng: Cẩn thận trên đường đua có xe (cứu thương, xe đã về nhất và đang bước vào vòng đua chậm) đang chạy chậm.

Luật F1 cơ bản

- Một trận đua F1 được giới hạn thời gian kéo dài tối đa là 2 giờ, với quãng đường ước tính đạt 300km.

- Trong trường hợp cần thiết (ví dụ có tai nạn, đường đua bị nguy hiểm…), ban tổ chức sẽ cho một chiếc xe an toàn (Safety car - do Mercedes tài trợ) chạy ra, chặn những chiếc xe F1 lại chạy chậm từ từ để bảo đảm an toàn đến khi sự cố được khắc phục.

- Cơ cấu tính điểm: Người về nhất sẽ được 25 điểm, về nhì 18 điểm, về ba 15 điểm, về tư 12 điểm, thứ 5 được 10 điểm, thứ 6 được 8 điểm, thứ 7 được 6 điểm, thứ 8 được 4 điểm, thứ 9 được 2 điểm và về 10 được 1 điểm. Những xe còn lại sẽ không được điểm.

- Trong trường hợp các xe không thể về đích, thì họ vẫn được tính điểm, nếu có trong 10 thứ hạng kể trên, và phải hoàn thành ít nhất 90% đoạn đường mà người thắng cuộc đi được, kể cả khi xe đó bị hư không chạy được nữa dù chưa cán đích đến.

- Nếu người thắng cuộc (là xe đi được nhiều vòng nhất) cũng không thể cán đích đến, thì 10 thứ hạng trên chỉ được 1/2 số điểm mà thôi.

Các chặng đường trong một cuộc đua

Chặng đua thử

Các tay đua sẽ có cơ hội kiểm tra lại phương tiện thi đấu trước khi cuộc thi chính thức bắt đầu. Bên cạnh kiểm tra khả năng vận hành, đội tham gia thi đấu cũng cần chắc chắn rằng hệ thống liên lạc với của họ hoạt động bình thường.

Chặng đua phân hạng

Theo luật năm 2016 quy định, mỗi chặng sẽ có 11 đội đua tham dự, với mỗi đội 2 người lái. Các tay lái sẽ phải tham dự chặng phân hạng được tổ chức trước ngày đua chính, bao gồm 3 lượt (Q1, Q2 và Q3).

- Q1 sẽ diễn ra trong 18 phút. Sau Q1, 6 tay lái có thành tích kém nhất sẽ bị loại. Kết thúc Q1 chỉ còn 16 tay lái lọt vào Q2. Theo “luật 107%”: Chỉ cần tay đua có thành tích tốt hơn 107% so với tay đua nhanh nhất ở ít nhất một phiên chạy thử thì sẽ được tham gia Phân hạng và Cuộc đua chính.

Tuy nhiên, nếu tay đua nào có thời gian nhiều hơn 107% được lập bởi tay đua nhanh nhất sẽ bị loại khỏi ngày đua chính và chỉ có thể được thi đấu dưới sự cân nhắc của ban tổ chức. (Ví dụ, nếu tay đua nhanh nhất phiên chạy có thành tích 1m40s thì tay đua nào có thành tích từ 1m47s trở lên sẽ phạm luật 107% vì 1m47/1m40=107%.)

- Q2 diễn ra trong 15 phút. Tiếp tục 6 tay lái có thành tích kém nhất sẽ bị loại. Kết thúc Q2 chỉ còn 10 tay lái lọt vào Q3.

- Q3 diễn ra trong 12 phút. 10 tay lái lọt vào Q3 sẽ cạnh tranh với nhau xếp thứ tự xuất phát (grid) trong ngày đua chính.

Chặng đua chính thức

- Khởi đầu: Giai đoạn đầu tiên trong một chặng đua có ý nghĩa quyết định tới thứ hạng của một đội. Để có được vị trí đầu tiên, cả 2 tay lái trong đội phải sử dụng chiến thuật hợp lý. Các tay đua hoàn toàn có quyền cản đầu đối phương, nhằm giúp đồng đội có thể chiếm vị trí tốt hơn.

- Khúc cua: Khúc cua chính là những thử thách khó nhất trong giải đua công thức F1. Chúng sẽ khiến các tay đua phải liên tiếp ngoặt đổi hướng và hứa hẹn sẽ tạo ra những màn đua tranh căng thẳng và hấp dẫn, bởi chỉ cần 1 sai lầm nhỏ nhất cũng có thể khiến cục diện cuộc đua bị thay đổi.

- Quãng đường thẳng: Sau khi vượt qua thử thách khúc cua đầu tiên, các tay đua có thể thúc xe đạt vận tốc 355 km/h tại quãng đường thẳng kéo dài 1,5 km. Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với các đội đua vì rất nhiều chiến thuật khác nhau có thể áp dụng trong quãng đường thẳng dài như vậy.

Chặng dừng

Các tay đua đôi khi sẽ phải tạm dừng để bảo dưỡng chiếc xe. Thời gian bảo dưỡng sẽ chỉ có từ 7 đến 10 giây để đội ngũ kỹ thuật làm tất cả những việc như thay lốp, tiếp nhiên liệu, điều chỉnh cánh xe, thay thế phần thân xe hư hỏng, tháo rời những mảnh vỡ và đưa xe quay trở lại đường đua.

Tuy nhiên, trước khi muốn dừng xe, tay đua phải tính toán thời gian, địa điểm và cân nhắc rất nhiều yếu tố như: Đặc điểm đường đua, thứ hạng của đồng đội và đối thủ,…

Chặng về đích

Khi lá cờ ca rô được vẫy lên, điều đó đồng nghĩa đã có tay đua đầu tiên cán đích. Tuy nhiên, các tay đua sẽ phải tiếp tục thêm một vòng được gọi là “vòng đua chậm”. Chỉ sau khi hoàn thành vòng đua này, họ mới được điều khiển chiếc xe của mình đi vào điểm dừng của đội.

Chia sẻ

Bài viết

Duy Huỳnh

Tin mới nhất