Công Nghệ

Facebook công bố một hội đồng hoàn toàn mới có thể đảo ngược cả quyết định của Mark Zuckerberg

Nhật Minh
Chia sẻ

Ngày 6/5, Facebook đã công bố 20 thành viên thuộc Hội đồng giám sát nội dung độc lập mới, đây được ví như là Tòa án Tối cao của Facebook, sẽ có thể đảo ngược các quyết định của công ty và Giám đốc điều hành.

Một số thành viên trong Hội đồng giám sát nội dung như cựu Thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu András Sajó, Giám đốc điều hành Internet Sans Frontières Julie Owono, nhà hoạt động người Yemen từng đoạt giải Nobel Hòa bình Tawakkol Karman, cựu Tổng biên tập The Guardian Alan Rusbridger và nhà ủng hộ quyền kỹ thuật số người Pakistan Nighat Dad, Reuters dẫn thông tin được Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Facebook, chia sẻ.

Facebook mới đây đã công bố 20 thành viên đầu tiên trong Hội đồng giám sát nội dung độc lập. Ảnh minh họa

Các đồng chủ tịch của hội đồng giám sát nội dung, những người có quyền lựa chọn thành viên là ông Michael McConnell, cựu thẩm phán liên bang Mỹ và cũng là chuyên gia về tự do tôn giáo, chuyên gia luật hiến pháp Jamal Greene, luật sư người Colombia Catalina Botero-Marino và cựu Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt. Số thành viên dự tính sẽ tăng lên khoảng 40 người trong thời gian tới. Facebook cũng cam kết tài trợ 130 triệu USD trong ít nhất sáu năm cho hội đồng này.

Hội đồng giám sát nội dung sẽ đứng độc lập, không chịu sự chi phối của ban lãnh đạo Facebook, điều này được một số người ví von như là Tòa án Tối cao của Facebook, sẽ có thể đảo ngược các quyết định của công ty và Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg về những nội dung cá nhân xuất hiện trên Facebook và Instagram.

Hội đồng giám sát sẽ tập trung vào một vài các vấn đề nội dung đầy thách thức bao gồm ngôn từ kích động và quấy rối cùng các nội dung liên quan đến an toàn của người dùng. Được biết hội đồng này sẽ tăng lên khoảng 40 thành viên trong thời gian sắp tới.

Facebook cũng cho biết các thành viên thuộc hội đồng đến từ 27 quốc gia và nói ít nhất 29 ngôn ngữ, mặc dù ¼ thành viên nhóm và hai trong số bốn đồng chủ tịch đến từ Mỹ.

Facebook từ lâu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về các vấn đề kiểm duyệt nội dung như xóa một bức ảnh “Em bé Napalm” thời chiến tranh Việt Nam đến việc không ngăn chặn những phát ngôn thù hận ở Myanmar nhằm vào người Rohingya. Với việc lập ra Hội đồng giám sát nội dung độc lập, đây sẽ là nơi đưa ra quyết định công khai về các trường hợp gây tranh cãi khi người dùng đã sử dụng hết quy trình kháng cáo thông thường của Facebook. Ngoài ra, hội đồng còn có thể đưa ra khuyến nghị chính sách cho Facebook dựa trên những quyết định mà công ty sẽ trả lời công khai.

Chia sẻ

Bài viết

Nhật Minh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất