Công Nghệ

Cú quay đầu 180 độ của ông lớn SoftBank: Đầu tư nhỏ giọt và quên kì lân đi

Thái Sơn - CTV
Chia sẻ

Từng nổi tiếng chi bạo vào các startup song giờ đây SoftBank lại tỏ ra dè dặt hơn với các khoản đầu tư của mình.

Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank đang áp dụng chiến lược đầu tư mới trong bối cảnh đại dịch phức tạp và các gói kích thích từ chính thủ bóp méo định giá của các công ty công nghệ: đầu tư nhỏ hơn và hi vọng vào lợi nhuận lớn hơn.

Sau khi kêu gọi được gần 100 tỉ USD và đầu tư 85 tỉ USD vào các công ty nổi tiếng như Uber Technologies, WeWork và ByteDance trong 3 năm qua, Vision Fund lúc này tập trung đưa ra các khoản đầu tư nhỏ vào các startup giai đoạn đầu.

Cú quay đầu 180 độ của ông lớn SoftBank: Đầu tư nhỏ giọt và quên kì lân đi Ảnh 1
Ảnh: WSJ

Trong số này, SoftBank dẫn dắt vòng đầu tư 100 triệu USD vào Zhangmen, một startup giáo dịch trực tuyến Trung Quốc, 150 triệu USD vào Unacademy, một công ty Ấn Độ trong cùng lĩnh vực và 100 triệu USD vào Biofourmis, một startup Mỹ theo dõi dữ liệu sức khỏe sử dụng các thiết bị đeo. Tổng cộng, SoftBank đã phê duyệt 19 khoản đầu tư trị giá 3,5 tỉ USD với quỹ "Vision Fund 2". Hiện tại, nguồn vốn của Vision Fund 2 hoàn toàn đến từ SoftBank.

Con số tổng nói trên được đẩy lên cao nhờ khoản đầu tư 1,35 tỉ USD vào công ty bất động sản Trung Quốc Beike mà SoftBank thực hiện trước đại dịch. Điều này đồng nghĩa với việc doanh số đầu tư trung bình vào 18 công ty còn lại chỉ ở mức 180 triệu USD. Đây là những con số cực kì khiêm tốn so với những khoản đầu tư trước đó của Vision Fund.

“Thanh khoản cao đang khiến thị trường chứng khoán tăng mạnh và tạo ra môi trường đầu tư vào startup giai đoạn sau khó khăn hơn”, ông Rajeev Misra, CEO Vision Fund, nói với Nikkei. “Chúng tôi sẽ thận trọng”, người này nói thêm.

Sự thay đổi chiến lược âm thầm mà SoftBank thực hiện đang khiến “ông lớn” này giống một công ty đầu tư mạo hiểm truyền thông hơn, Nikkei nhận định.

Các khoản lợi nhuận lớn hơn, dù xét ở con số tương đối (%), cũng có thể giúp SoftBank thu hut được các nhà đồng đầu tư vốn đang tỏ ra nghi ngại với quỹ Vision Fund 2. Cùng thời điểm, nó cho thấy vai trò nhỏ bé hơn của Vision Fund bên trong SoftBank. Gần đây, Vision Fund cũng thực hiện đầu tư vào các công ty công nghệ lớn, đã niêm yết thông qua một công ty con độc lập.

Cú quay đầu 180 độ của ông lớn SoftBank: Đầu tư nhỏ giọt và quên kì lân đi Ảnh 2
Ảnh: DealStreetAsia

Hồi tháng 8, SoftBank công bố những khoản đầu tư nhiều tỉ USD vào thị trường đại chúng khi công khai sở hữu cổ phần ở Amazon, Alphabet và Netflix cùng nhiều cái tên khác. Nhân sự SoftBank nói đây là một cách SoftBank quản lí số lượng tiền mặt nhàn rỗi của mình song nó cũng làm dấy lên quan ngại về sự thận trọng của các khoản đầu tư. 

Mới đây, ông Misra cũng nói rằng SoftBank sẽ đầu tư vào một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng. Đây là một công cụ có thể giúp các công ty tư nhân niêm yết mà không phải thực hiện quy trình IPO truyền thống.

Đặt trụ sở tại London, Vision Fund lúc này có hơn 400 nhân sự tại 9 văn phòng trên thế giới. Độ phủ này giúp Vision Fund vẫn có thể gặp được các nhà sáng lập bất chấp đại dịch. Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank, vẫn trực tiếp trao đổi với các nhà sáng lập trước khi Vision Fund quyết định đầu tư song chủ yếu thông qua các công cụ trực tuyến.

Kuldeep Singh Rajput, sáng lập và CEO của Biofourmis, gặp SoftBank hồi năm ngoái và công ty của anh tiếp cận lại SoftBank trong năm nay khi nhu càu dịch vụ y tế trên nền tảng số tăng mạnh vì đại dịch.

 “Chúng tôi không kì vọng gọi được 100 triệu USD”, ông nói. “Song chúng tôi đang đàm phán… Tôi đã nói chuyện với ông Masayoshi Son và đội ngũ SoftBank và cuối cùng chúng tôi quyết định giờ là lúc để đẩy mạnh quy mô công ty”.

Ông Masayoshi Son vẫn muốn các nhà sáng lập mơ lớn song ông lại đầu tư ít đi. Masayoshi Son từng rót 12 tỉ USD vào công ty gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing, hơn 2 tỉ USD vào sàn TMĐT Hàn Quốc Coupang và hơn 1 tỉ USD vào công ty thanh toán di động Ấn Độ Paytm.

Vision Fund bắt đầu cơn sóng đầu tư của mình vào năm 2017. Ông Masayoshi Son tiếp cận đầu tư theo hướng “săn kì lân”. Vì thế, Vision Fund rót tiền để nghiền nát đối thủ và tăng thị phần với mục tiêu cuối cùng là IPO. Lúc này, SoftBank có cơ hội bán cổ phần các công ty mình đầu tư và thu lợi nhuận. 

Chiến lược của SoftBank thổi phồng định giá của nhiều startup và nó khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán dè dạt. Năm ngoái, WeWork thực hiện IPO không thành khi để lộ những khoản lỗ lớn và nhiều vấn đề nội bộ dù có định giá cao. Uber cũng vật vã tìm lại định giá của mình ở thời điểm trước khi IPO. Vision Fund rót 4,3 tỉ USD vào WeWork và 7,7 tỉ USD vào Uber.

Chia sẻ

Bài viết

Thái Sơn - CTV

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất