Công Nghệ

Bên trong rối ren, bên ngoài áp lực: Thế khó của Go-Viet tại Việt Nam

Lê Thanh Xuân
Chia sẻ

Được sự hậu thuẫn của Go-Jek, startup kì lân trong lĩnh vực gọi xe, song Go-Viet vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn trong hành trình chinh phục người dùng Việt Nam

Cuối tháng 3, ông Nguyễn Vũ Đức bất ngờ cho biết sẽ rời ghế CEO của Go-Viet, ứng dụng gọi xe tại Việt Nam có sự hậu thuẫn của ông lớn Go-Jek. Mặc dù lý do cho cuộc chia tay không được đưa ra, nguồn tin cho biết ông Đức đã yêu cầu phía Go-Viet bồi thường tới 800.000 USD cho quyết định của mình, theo nguồn tin từ DealStreetAsia. Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đây không phải là một cuộc chia tay trong em đẹp và tự nguyện. Người thay thế ông Việt lúc đó cũng nhanh chóng được công bố là bà Lê Diệp Kiều Trang, người trước đó ngồi ghế Giám đốc Facebook Việt Nam.

Song chỉ vỏn vẹn năm tháng sau đó, bà Trang cũng rời Go-Viet, để lại chiếc ghế CEO trống mà đến hiện tại vẫn chưa có người thay thế. Sự ra đi của bà Trang cũng được đánh giá là một bất ngờ trong bối cảnh trước đó ít lâu bà Trang vẫn rất hào hứng chia sẻ về những dự định của mình cùng Go-Viet. Bà thậm chí còn thử trải nghiệm một ngày làm tài xế để hiểu hơn về hệ thống, vận hành cũng như trải nghiệm. Liên tục thay tướng trong khi chuyển dịch chậm chạp và dường như đang hụt hơn trong cuộc đua thị phần, chuyện gì đang xảy ra bên trong Go-Viet?

Grab chiếm trọn miếng bánh thị phần, be cũng nhanh chóng vượt lên

Thị phần gọi xe tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019. (Nguồn: ABI Research)

Theo một báo cáo mới đây của ABI Research về thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019, Grab đang là ông lớn có vị trí thống lĩnh với thị phần lên tới 73% cùng 146 triệu chuyến xe được hoàn thành. Khá đáng chú ý là trường hợp của be khi ứng dụng này mới đi vào vận hành từ trung tuần tháng 12 năm ngoái song đã kịp leo lên vị trí thứ hai của thị trường, mặc dù bị Grab bỏ khá xa, theo ABI Research. Cụ thể, ứng dụng này hiện có thị phần 16% cùng 31 triệu chuyến xe thực hiện trong 6 tháng.

Go-Viet trong khi đó chỉ thực hiện được 21 triệu chuyến xe trong 6 tháng đầu năm nay cùng miếng bánh thị phần 10%. Trước đó, sau khi hoạt động được ba tháng, tức vào hồi cuối năm ngoái, theo số liệu Go-Viet tự công bố, hãng này chiếm tới 40% thị phần gọi xe hai bánh ở Việt Nam.

So sánh một số liệu được nghiên cứu độc lập và một số liệu tự công bố có lẽ sẽ là một điều khập khiễng. Song không khó để thấy thực tế rằng Go-Viet đang hụt hơi ở mảng dịch vụ cốt lõi của mình trên đất nước hình chữ S.

Chuyển dịch chậm chạp

Go-Viet chính thức đi vào hoạt động ở Việt Nam hồi tháng 8 năm 2018.

Khi mảng dịch vụ gọi xe ngày càng khốc liệt và khó có lãi, các ông lớn gọi xe đều đang mở rộng nhóm dịch vụ mà mình cung cấp để tìm ra nguồn doanh thu mới. Người ta gọi cuộc đua này là “siêu ứng dụng” khi người dùng có thể tìm thấy tất cả các dịch vụ chỉ trong một ứng dụng.

Tại Indonesia, Go-Jek đang có hàng chục dịch vụ theo yêu cầu mà người dùng có thể đặt trong ứng dụng, bên cạnh dịch vụ gọi xe truyền thống. Mới đây nhất, thậm chí hãng này còn hợp tác với các nhà sản xuất nội dung địa phương để triển khai dịch vụ xem video theo yêu cầu mang tên gọi Go-Play. Càng nhiều dịch vụ, càng nhiều doanh thu và trên hết, các ứng dụng như Go-Jek, càng có thể “trói chặt” người dùng trong hệ sinh thái của mình.

Song ở Việt Nam, Go-Viet dường như lại cực kì chậm chạp trong chuyển dịch gia tăng dịch vụ.

Ở thời điểm hiện tại, Grab đã có sự hoạt động tại trên 40 tỉnh thành của Việt Nam cùng các dịch vụ như GrabBike, Grab Car và GrabTaxi. Trong khi đó, diện hoạt động của Go-Viet thì hẹp hơn nhiều và hãng này cũng chưa triển khai được dịch vụ xe bố bánh. Go-Viet và Grab đều đã triển khai được mảng giao nhận đồ và đồ ăn, song trong hai cái tên này, mới chỉ có Grab nhăm nhe được miếng bánh dịch vụ tài chính với GrabPay by Moca. Vào thị trường Việt Nam sớm rõ ràng đã mang đến cho Grab những lợi thế nhất định. Trong khi đó, Go-Viet còn phải cạnh tranh với cả những cái tên nội địa như be, vốn được sự hậu thuẫn về tài chính của một ngân hàng lớn, cũng là một thách thức lớn.

Không chỉ “lộn xộn” ở đội ngũ cao cấp, trong năm nay, Go-Viet cũng khiến tài xết phật ý khi nhiều lần theo đổi chính sách. Đối với các tài xế, nhiều người cho rằng mốc tính thưởng mới của Go-Viet là rất khó có thể đạt được. Một số ít tài xế chia sẻ rằng với số lượng gọi xe được phân phối nhỏ giọt và không đồng đều như họ đang phải đối mặt, việc đảm bảo thu nhập là rất khó.

Chia sẻ

Bài viết

Lê Thanh Xuân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất