Quán phở dùng cân để tính thịt bán cho khách ở Sài Gòn

Theo VnExpress
Chia sẻ

Ông Năm mỗi ngày lấy thịt bò tơ ở Củ Chi để bán cùng phở tại con đường trung tâm Sài Gòn.

Nếu lần đầu đến quán phở bò ông Năm, bạn sẽ không khỏi tò mò trước chiếc cân nhỏ màu đỏ được đặt ngay giữa bàn bếp. Sau khi khách gọi món, người đàn ông luống tuổi dùng một chiếc kẹp, kẹp những miếng thịt, gân, hay bò viên… xếp lên cân. Ông Năm giải thích làm vậy “để không ai bị thiệt”.

Nép mình dưới hàng cây cổ thụ trên đường Trần Quốc Thảo, quận 3, quán phở bò ông Năm mở cách đây gần chục năm. Chủ quán là một cặp vợ chồng gốc Bắc. “Chúng tôi chỉ bán duy nhất loại thịt bò tơ lấy ở Củ Chi”, ông Năm khẳng định.

“Tôi già rồi nên mắt cũng kém. Lúc đông khách chỉ biết theo quán tính mà nấu đồ ăn nên nhiều khi cho tô này nhiều tô kia ít. Từ đó trở đi tôi dùng cân để tính số thịt”, ông Năm chia sẻ.

Mỗi ngày, đôi vợ chồng ngoài 60 tuổi đều cùng nhau đi chợ, rửa rau, xắt thịt. Hầu như các nguyên liệu nấu nướng đều được chủ quán xếp gọn. Bạn có thể chọn phở bò, tái, nạm, gân, gầu hoặc thập cẩm theo sở thích.

Không chia sẻ con số cho mỗi lần cân, ông Năm nói: “Lúc nào tôi cũng công tâm, khách quen cỡ nào tôi cũng chỉ bán đúng bao nhiêu đó”. Ông cười, quay đi tiếp tục chan vá nước lèo vào tô, mùi thơm theo khói len lỏi khắp căn nhà cũ.

Nước lèo trong vắt, được nhiều khách đánh giá đậm đà, đúng chuẩn vị Bắc dù cách nấu vẫn xếp rau hoặc phục vụ giá trụng (kiểu ăn phở của người miền Nam). Bánh phở trắng, cọng nhỏ nên khi ăn không có cảm giác ngán.

Quán có một chiếc cân nhỏ đặt trên bàn bếp khiến bất kỳ ai nhìn qua cũng tò mò.

Vừa gạt tay lau mồ hôi, Tiến Hùng, một sinh viên, cho biết rất thích phở ở đây. “Chú nấu rất khéo tay. Thịt bò mềm mà thơm. Mình ăn lần đầu cách đây 2 năm và ghiền đến bây giờ”, Hùng nói.

Với chị Mi (28 tuổi, sống ở quận 7), quán phở là nơi gặp gỡ đầu tiên giữa chị và chồng của mình. “Buổi trưa hôm đó, quán đông nên chúng tôi phải ngồi ghép bàn cùng nhau. Vì cơ quan cả hai đều gần đó, chúng tôi thường xuyên gặp lại nhau. Dù quán không đông chúng tôi cũng ngồi ăn cùng nhau. Mãi về sau anh mới chủ động tỏ tình và chúng tôi tiếp tục tìm hiểu, yêu thương cho đến khi thành vợ chồng”, chị Mi nhớ lại.

Tôi đến quán và gặp chị Mi ngay sau giờ ăn trưa, lúc tốp khách cuối cùng là dân văn phòng làm ở gần đó bắt đầu dứng dậy tính tiền rồi rời khỏi quán. Khi được hỏi về quán ăn có “xuống cấp” quá hay không, chị Mi chỉ nói: “Có thì có nhưng ăn riết rồi cũng quen, thương nhớ hồi nào hổng hay”.

Mỗi tô phở có giá từ 35.000 đồng, sẽ tăng theo lượng thịt khách yêu cầu.

Lối vào quán nhỏ hẹp chỉ xếp vừa một bài ăn cho khách, nhưng càng vào sâu bên trong, không gian càng mở rộng. Tuy không có cửa sổ, góc nhìn hơi tù túng nhưng quán có lắp quạt nên mát mẻ, không bị ngợp. Nơi đây không biển hiệu, chỉ treo một tấm bạt cũ mèm ghi đúng dòng chữ “Phở bò ông Năm” cỡ lớn. Ấy vậy mà địa chỉ này vẫn tồn tại và thu hút thực khách ở Sài Gòn suốt nhiều năm qua.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin mới nhất