Những đặc sản khiến bạn phải 'khóc thét' khi đặt chân tới miền Tây

Vương Phi
Chia sẻ

Đuông dừa, cháo dơi, tắc kè, thằn lằn hay thịt chuột là những món ăn dù chỉ mới nghe tên đã đủ khiến nhiều người rùng mình. Thế nhưng ở miền Tây, chúng lại được xem là đặc sản, vốn chỉ dùng để đãi khách quý.

Một số đặc sản mang hơi hướng “kinh dị” dưới đây chắc chắn sẽ đem đến cho bạn cái nhìn đa chiều và hiểu biết sâu rộng hơn về mảng ẩm thực phong phú của vùng đất phía Nam Tổ quốc.

Về miền Tây “săn” thịt chuột

Nhắc đến chuột, nhiều người sẽ chỉ thấy rùng mình chứ ít ai nghĩ rằng, đây lại là món đặc sản trứ danh của miền Tây. Trái với vẻ ngoài hôi hám, bẩn thỉu, những con chuột béo múp luôn đem đến hương vị thơm ngon, hấp dẫn.

Được coi là đặc sản nên giá chuột đồng ở các chợ miền Tây không rẻ tí nào, khoảng 60-80K/ 1kg. Có nơi bán theo con, giá chừng 8-10 nghìn đồng/ con.

Cứ khi vụ gặt kết thúc là mùa săn chuột đồng lại bắt đầu.

Vừa chế biến thành món ăn, người dân cũng tranh thủ tiêu diệt loài gặm nhấm phá hoại mùa màng.

Hình ảnh khá hãi hùng ở ki-ốt sơ chế chuột đồng.

Những con chuột béo múp được sơ chế sạch sẽ.

Từ thịt chuột đồng, người dân miền Tây có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, có thể là thịt chuột nướng rơm với phần da vàng ươm, thơm nức. Tốn thời gian hơn thì có chuột đồng quay lu, áp chảo, xé phay, quay khô, xào sả ớt, khía nước dừa, rô ti, chiên mắm…

Trong số nhiều món ngon từ chuột, thịt chuột đồng chiên mắm là một đặc sản khá nổi tiếng. Những con chuột đồng mập mạp sẽ được thui cho vàng da rồi làm sạch, để cho ráo, ướp gia vị. Tiếp đến, chuột được cho vào chảo dầu sôi ngập, chiên vàng. Sau đó lại chiên lại lượt nữa cho đến khi có màu vàng óng.

Tuy có mùi vị hơi nồng nhưng món thịt chuột chiên mắm lại rất hấp dẫn.

Đây là món ăn chế biến khá kỳ công, thơm ngon và người dân miền Tây thường dùng để đãi khách cũng như điểm thêm cho bữa cơm sum họp cuối tuần. Nếu bạn có dịp tới miền Tây, có lẽ nên thử qua đặc sản này nhé!

Dơi - món khoái khẩu của dân nhậu miền Tây

Người dân miệt sông nước chỉ sử dụng hai loại dơi chính dơi sen và dơi quạ để chế biến món ăn. Hai loại dơi này đều xấu và hôi nhưng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm và trở thành món nhậu ngon trứ danh của người dân nơi đây.

Miền Tây là nơi quanh năm có nhiều hoa thơm quả ngọt nên mảnh đất này cũng là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi: dơi quạ, dơi sen, dơi chó, dơi hương… Những người lần đầu được chứng kiến cách chế biến dơi cũng thấy “chết khiếp” bởi con dơi trông rất đen, xấu và trông dữ tợn.

Món cháo dơi nổi tiếng miền Tây.

Nhờ ăn toàn trái cây nên thịt dơi rất ngon, ăn rất mát và bổ, có thể chế biến thành nhiều món như: dơi khía nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, nướng chao, nướng than tàu… Đặc sản từ dơi được yêu thích nhất ở miền Tây là cháo dơi. Những bát cháo nóng hổi, rắc thêm tiêu ớt, vắt chanh làm nức lòng biết bao người vì hương vị vô cùng độc đáo.

Để làm món dơi ngon, thao tác làm thịt phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Người chế biến nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong.

Tắc kè, thằn lằn

Khô thằn lằn, khô tắc kè có vẻ ngoài khá “dị” nếu không muốn nói là “sợ chết khiếp”. Tuy nhiên, những món ăn này ngày nay được rất nhiều người miền Tây sản xuất, chế biến.

Đặc sản hãi hùng ở miền Tây.

Thằn lằn được người dân bắt đem xẻ thịt phơi khô 2 - 3 nắng, sau đó xào với các gia vị trở thành món ăn đặc sản ở miền Tây, bán rất được giá. Trung bình mỗi con thằn lằn khô được bán với giá 50.000 - 60.000 đồng.

Khô tắc kè có thể dùng để ngâm rượu hoặc chế biến thành món nhậu thông thường. Khô tắc kè cũng được sản xuất nhiều tại vùng Tịnh Biên, An Giang. Cứ 3kg tắc kè sống sẽ cho ra 1kg tắc kè khô. Tắc kè được bán theo con, mỗi con giá khoảng 45.000 đồng tới 50.000 đồng.

Món khô tắc kè có vẻ ngoài khiếp hãi.

Đuông dừa

Nhắc đến những đặc sản gây sợ hãi ở miền Tây, không thể bỏ qua món đuông dừa. Thịt đuông dừa giòn, vị béo ngậy, thơm lừng độc đáo. Tuy nhiên, vẻ ngoài mập tròn và mềm nhũn giống con sâu non của đuông dừa cũng đồng thời khiến nhiều người thấy “khiếp vía”.

Đây là một loài ấu trùng của bọ cánh cứng, được sử dụng để làm nhiều món đặc sản trong ẩm thực Việt Nam.

Người ta chỉ tìm được đuông khi thấy chòm lá trên ngọn dừa bị héo và đổ gục xuống.

Ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre- nơi có rất nhiều dừa, đuông dừa trở thành thứ đặc sản độc đáo có một không hai và thường được bán với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/con.

Thịt đuông dừa được chế biến thành các món nướng, chiên, xào tỏi, hấp lá chanh nhưng phổ biến nhất phải kể đến đuông dừa tắm mắm. Những người “nghiện” món ăn này cho rằng, cái thú của việc thưởng thức đuông dừa là khi nước trong con đuông dừa tràn ra, đầy vị béo, sau đó thấm vào khoang miệng, vòm họng, khiến những ai đã can đảm ăn thử sẽ bị hấp dẫn lạ lùng.

Chia sẻ

Bài viết

Vương Phi

Tin mới nhất