Ăn - Chơi - Khám phá

Du lịch Nepal sau đại dịch Covid-19: Đi tìm bình yên tại thung lũng Kathmandu

Khải Anh
Chia sẻ

Từ TP.HCM, chúng tôi đã có một hành trình đặc biệt để đến Kathmandu (Nepal), vùng đất mang dấu ấn tôn giáo, đậm đà bản sắc vùng Nam Á.

Đại dịch Covid-19 qua đi, nhịp sống của người dân tại Nepal đã trở lại bình thường. "Khoảng một tháng nay, chúng tôi mới cảm nhận được sự hồi sinh của du lịch", chị Sunita (SN 1992, người Nepal) nói.

Hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch

Từ tháng 4/2022, Nepal đã bắt đầu mở cửa cho khách du lịch. Vì thế, một số chặng bay đi Kathmandu (Nepal) từ Kuala Lumpur (Malaysia), New Delhi (Ấn Độ) đã được mở cửa.

Từ lâu, Nepal đã làm say lòng nhiều du khách bởi vẻ đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng và những lớp trầm tích về lịch sử lẫn văn hóa. Từ TP.HCM, chúng tôi đến New Delhi (Ấn Độ) để quá cảnh đến Nepal. 2 giờ sáng, nhiệt độ vẫn đang là 35 độ C, Ấn Độ bước vào một trong những mùa khắc nghiệt nhất năm. Vào buổi sáng, nhiệt độ trung bình dao động từ 40-42 độ C. Ngược với Ấn Độ, Nepal có khí hậu mát mẻ.

Từ sân bay quốc tế Kathmandu, chúng tôi dọc theo những con đường đầy bụi mờ để trở về trung tâm thành phố. Chị Sunita (SN 1992, người Nepal) cho biết sau 1 tháng mở cửa, khách du lịch đã bắt đầu trở lại với Nepel, ngành du lịch dần hồi sinh sau Covid-19.

Phố Thamel

Tại phố đi bộ Thamel, những cửa hàng rực rỡ sắc màu, thoang thoảng mùi hồi, quế và cà ri đã mở cửa chào đón du khách. Con phố đã tấp nập, nhộn nhịp hơn.

Nepal hấp dẫn du khách bởi những món ăn đường phố đầy màu sắc, đường phố đông đúc, chật chội nhưng hiếm khi nào nghe tiếng chen lấn hoặc cãi vã. Người Nepal lành tính, ôn hòa, luôn chào đón du khách bằng nụ cười trên môi.

Covid-19 dường như như đã khép lại ở Nepal khi mọi người bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường. Ai nấy đều đã tiêm vaccine và bỏ dần việc đeo khẩu trang ngoài đường phố.

Kathmandu đậm đà bản sắc

Sáng 8 giờ xuống sảnh, nhân viên lễ tân ngạc nhiên nói rằng, sao chúng tôi không ngủ thêm vì thời điểm này vẫn còn rất sớm. Ở Nepal, giờ làm việc bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có nghỉ trưa khoảng 30 phút đến 1 tiếng.

Họ hạnh phúc vì sống vừa đủ, có tôn giáo và có đức tin. Buổi sáng, mình vẫn thấy các cô người Hindu ngửa mặt lên trời, rót nước xuống thảm cỏ xanh và cầu nguyện. Đối với họ, mặt trời là một vị thần, bò là một vị thần và cảm nhận vạn vật quanh mình thật chậm rãi. Người Hindu dùng tay để cầm nắm thức ăn, đi chân trần trên đất để hành hương.

Pashupatinath là ngôi đền cổ nằm trong thung lũng Kathmandu. Từ phía xa, mình đã thấy một làn khói trắng, nơi những người Hindu đốt xác và rải tro cốt xuống lòng sông. Cũng giống như Varanasi của Ấn Độ, người Hindu mất đi sẽ được mang đến đây, họ sẽ dùng nước thiêng để rửa mặt cho người quá cố, cầu nguyện và hỏa thiêu. Con trai của chủ nhà sẽ hành lễ, cạo trọc tóc, mặc trang phục màu trắng.

Nhờ niềm tin tôn giáo, họ có sức mạnh vực dậy mọi thứ từ tro tàn. Sau trận động đất năm 2015, có rất nhiều công trình trong quảng trường Durbar đã sụp đổ. Người ta đã kiến tạo lại mọi thứ, từ viên gạch nhỏ nhất.

Đến với Kathmandu, xin bạn hãy thật chậm rãi để lắng nghe và cảm nhận. Bồ câu luôn tung cánh bay ở các ngôi đền mà không có bất kì sự sợ hãi nào, những chú chó có thể nằm cuộn mình trong vạt nắng mới. Con người ôn hòa, khí hậu trong lành, cuộc sống đầy ắp hạnh phúc tiếng cười. Đó là cách "sống chậm" ở Nepal.

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất