15 tuyến đường chỉ thoáng nhìn đã 'thót tim' nhưng khiến các tín đồ du lịch ưa mạo hiểm 'thích mê'

Ngọc Bích
Chia sẻ

15 tuyến đường nguy hiểm nhưng cũng đầy kỳ lạ sẽ là những điểm đến thú vị đầy thách thức đối với những tín đồ du lịch.

Nếu bạn chưa từng được trải nghiệm việc “xé đôi” một khu chợ như thế nào thì hãy đến ngay với tuyến đường sắt Maeklong, Thái Lan. Tại đây bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác đi xuyên ngang qua một khu chợ nơi những mặt hàng được bày bán ngay sát bên đường ray. Cảm giác khi được nhìn những tiểu thương hối hả “dọn đường” mỗi khi có tàu đến đảm bảo sẽ không làm cho bất cứ du khách nào thất vọng.

Một chiếc máy bay thông thường sẽ cần một đường băng dài ít nhất 2,5km để hạ cánh an toàn, tuy nhiên ở sân bay Quốc tế Princess Juliana tại đảo Sint Maarten, Antilles, Hà Lan, những phi cơ sẽ phải chịu “thiệt thòi” khi chỉ được hạ cánh ở đường băng dài 2,2km. Điều thú vị hơn nữa nếu như bạn trải nghiệm chuyến bay này, bạn sẽ có cơ hội được “bay ngay trên đầu” của những người khác, bởi để tới được đường băng hạ cánh, những chiếc máy bay phải bay qua bãi biển với hàng trăm người đang tắm biển.

Đường sắt Tử Thần, Thái Lan có lẽ là một trong những đường ray thách thức độ dũng cảm của con người nhất trên thế giới, bởi nó được xây khá cao so với mặt đất, không có điểm tựa và hoàn toàn “chênh vênh”. Đối với những tín đồ ưa mạo hiểm thì đây đúng là một khung đường lý tưởng để thử cảm giác mạnh. Ngoài ra, một lý do khác khiến cho đường ray này phải mang một cái tên hết sức “rùng rợn” - Tử Thần là do đã có 90.000 nghìn người lao động và hơn 12.000 tù binh tử vong khi xây dựng đường ray trên vào thế chiến thứ II.

Sân bay Gisborne, New Zealand là một trong số ít những sân bay có đường ray cắt ngang, do đó các cơ quan quản lý đường sắt và sân bay luôn phải phối hợp với nhau để đảm bảo không xảy ra bất kỳ tai nạn nào. Tuy nhiên, nếu đủ dũng cảm, bạn nên trải nghiệm cảm giác “thót tim” khi nhìn chiếc tàu hỏa chạy ngang qua mặt, ngay trước khi chiếc máy bay mà bạn đang ngồi lao tới.

Đường hầm Guoliang ở Huixian, Tân Hương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc được xếp vào một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất thế giới. Sở dĩ nó có biệt danh như vậy vì người đi phải xuyên qua các vách núi cao cheo leo. Đường hầm này được xây dựng bởi 13 người dân địa phương vào những năm 1970, do đó nó tồn tại vô số lỗi kỹ thuật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn.

Nếu như ở sân bay Quốc tế Princess Juliana bạn được trải nghiệm cảm giác “bay trên đầu người khác”, đến với sân bay Saba (nằm trên hòn đảo Caribbean xinh đẹp), bạn sẽ được thử cảm giác “chưa lấy đà đã vội cất cánh”. Đường băng ngắn nhất trên thế giới này có đường băng chỉ dài 400 mét. Do đó, mỗi lần hạ cánh sẽ là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với các phi công, chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nếu bạn muốn thử cảm giác ngồi tàu hỏa mà vẫn có thể ngắm khung cảnh từ trên cao như đang đi máy bay thì hãy đến với đường sắt Nubes ở Argentina. Đường sắt này được xây dựng ở độ cao 4220 mét so với mặt nước biển và là đường sắt cao thứ 5 trên thế giới.

Đường sắt Chennai-Rameshwaram, Ấn Độ sẽ đem tới trải nghiệm đặc biệt cho du khách khi tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy chỉ là nước mà thôi. Tuyến đường này được xây dựng trên một cây cầu 103 tuổi, bắc ngang qua biển để nối liền đảo Rameshwaram với Nam Ấn Độ.

Thật đáng kinh ngạc nếu như bạn không cảm thấy sợ hãi khi di chuyển trên đường cao tốc dọc các sườn núi tại Kabul-Jalalabad, miền Trung Afghanistan. Tuyến đường kinh ngạc này dài 65km.

Nếu như ở nơi khác, hành khách luôn ngồi yên ổn trong các khoang tàu, khi sử dụng dịch vụ của đường sắt Bangladesh, hành khách sẽ ngồi ở trên….nóc. Thậm chí, vị trí này còn đông hơn người ngồi bên trong . Đây là một đất nước có mật độ dân số cao, tuy nhiên hệ thống đường sắt lại không phát triển. Điều này lý giải cho việc hàng ngàn người dân ở đây phải chọn cách di chuyển nguy hiểm “có 1-0-2” này.

Sân bay Antarctica: Nói là sân bay nhưng ở đây hoàn toàn không hề có đường băng, thay vào đó, máy bay sẽ trực tiếp hạ cánh trên nền băng tuyết quanh năm ở nơi đây. Ở sân bay lạnh nhất hành tinh, mọi thông số đều được tính toán tỉ mỉ để không gặp phải những tai nạn như nứt gãy mặt băng, hay phi cơ bị kẹt vào tuyết,…

Đường cao tốc James W. Dalton, dài 600km, bắt đầu từ Fairbanks và kết thúc gần Bắc Băng Dương, đường cao tốc James W. Dalton, được cho là con đường “thách thức nhất hành tinh”. Khu vực con đường băng qua chỉ có khoảng 1000 người dân sinh sống và 3 trạm xăng dầu. Bên cạnh đó, thời tiết ở đây cũng rất khắc nghiệt với gió lạnh và tuyết bao phủ quanh năm.

Cầu sông Vitim được ví là cây cầu “nguy hiểm nhất thế giới” được thiết kế bằng những miếng gỗ mục ruỗng, trơn trượt, nối với nhau bằng những thanh kim loại rỉ sét, không có lan can hai bên và chỉ rộng 1,8m. Đây sẽ là một thử thách lớn đối với những ai đi trên đó. Nếu bạn là một người ưa mạo hiểm, hãy đến với sông Vitim để chinh phục độ dài 570 mét của cây cầu đáng sợ nhất thế giới này.

Cùng chung cảnh ngộ với đường sắt ở Bangladesh, đường sắt ở Mumbai (Ấn Độ) cũng đang rơi vào hoàn cảnh quá tải. Tuy nhiên thay vì chọn ngồi trên nóc tàu, người dân nơi đây chọn “chơi trò đu bám” một cách đầy thích thú.

Đèo Zoji La, Ấn Độ không chỉ đơn giản là một tuyến đường mà nó còn là phương thức liên lạc của người dân Ladakh với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm vượt qua 9 km đường uốn lượn ở độ cao 3528 mét với vực sâu thăm thẳm bên cạnh mà lại không hề có hàng rào.

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc Bích

Tin mới nhất