Âm nhạc

Tranh cãi không hồi kết mang tên 'Bản quyền âm nhạc'

Minh Quân

Bản quyền âm nhạc từ lâu đã trở thành vấn đề nổi cộm tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Câu chuyện ca sĩ Quốc Thiên bị đệ đơn khởi kiện vì vi phạm bản quyền ca khúc Mối tình không tên không chỉ gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, mà còn như một hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng nhức nhối đã tồn tại âm ỉ nhiều năm trong ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam: sự thờ ơ với quyền tác giả và cách vận hành lỏng lẻo trong các hoạt động biểu diễn, khai thác tác phẩm âm nhạc.

Tranh cãi không hồi kết mang tên 'Bản quyền âm nhạc' Ảnh 1

Không chỉ riêng Quốc Thiên: Những vụ việc “lặp đi lặp lại”

Thực tế cho thấy, đây không phải lần đầu tiên một nghệ sĩ bị tố sử dụng ca khúc mà chưa được sự đồng thuận của tác giả. Trước Quốc Thiên, đã có hàng loạt vụ việc tương tự khiến công chúng không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao vấn đề bản quyền âm nhạc lại cứ mãi “giậm chân tại chỗ”?

Còn nhớ không lâu trước đây, ca sĩ Tùng Dương, Đan Trường và Lệ Quyên từng bị “gọi tên” trong tranh chấp liên quan đến siêu hit Ai chung tình được mãi, ca khúc do nhạc sĩ Đông Thiên Đức sáng tác và được thể hiện đầu tiên bởi ca sĩ Đinh Tùng Huy. Dù các nghệ sĩ đều khẳng định không cố tình vi phạm, sự việc vẫn làm dấy lên tranh luận về ý thức tôn trọng chất xám của người sáng tạo.

Tranh cãi không hồi kết mang tên 'Bản quyền âm nhạc' Ảnh 2

Nam Em, một nghệ sĩ gây tranh cãi khác, từng bị nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền đăng đàn bức xúc vì thể hiện ca khúc của anh trong một chương trình mà không xin phép. Không lâu sau đó, nhạc sĩ Kai Đinh cũng lên tiếng về trường hợp của Nam Em, tương tự như Hứa Kim Tuyền.

Ngay cả khi không dính đến nghệ sĩ trong nước, câu chuyện vi phạm bản quyền vẫn khiến nghệ sĩ Việt "mất điểm" trên bình diện quốc tế. Ca sĩ Văn Mai Hương từng vướng phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ cộng đồng fan Lady Gaga vì liên tục cover ca khúc Always Remember Us This Way mà không rõ ràng về quyền biểu diễn. Dù sau đó, cô đã lên tiếng trấn an dư luận, sự việc một lần nữa cho thấy khoảng trống trong việc nhận thức và thực hành quyền tác giả.

Tranh cãi không hồi kết mang tên 'Bản quyền âm nhạc' Ảnh 3

Trách nhiệm không thể chỉ đổ lên nghệ sĩ

Trong nhiều trường hợp, việc vi phạm không hoàn toàn do nghệ sĩ cố tình “qua mặt” tác giả. Một phần lỗi nằm ở khâu tổ chức và vận hành chương trình. Không ít đơn vị tổ chức biểu diễn vẫn còn chủ quan, xem nhẹ quy trình xin phép sử dụng ca khúc, nhất là trong các chương trình livestream, sự kiện truyền hình hoặc đêm nhạc có yếu tố thương mại.

Rất nhiều show diễn chỉ tập trung vào “line-up” nghệ sĩ, chất lượng sân khấu hay sức hút truyền thông, mà quên đi một yếu tố cốt lõi: pháp lý bản quyền. Chính sự chủ quan đó dẫn đến việc nghệ sĩ rơi vào thế bị động, thậm chí trở thành đối tượng bị kiện, trong khi bản thân họ chỉ đang làm công việc được giao hoặc thể hiện bài hát theo gợi ý từ ê-kíp.

Tranh cãi không hồi kết mang tên 'Bản quyền âm nhạc' Ảnh 4

Nếu như trước kia, nhiều nhạc sĩ thường chọn cách im lặng hoặc chỉ lên tiếng một cách nhẹ nhàng khi phát hiện tác phẩm của mình bị sử dụng trái phép, thì hiện nay, tư duy ấy đang thay đổi. Nhiều tác giả đã bắt đầu hành động quyết liệt hơn, sẵn sàng đưa vụ việc ra tòa để đòi lại công bằng.

Việc nhạc sĩ của Mối tình không tên mạnh tay khởi kiện Quốc Thiên được xem là một tín hiệu tích cực, thể hiện xu hướng ngày càng rõ ràng: người sáng tạo Việt đã không còn chấp nhận việc bị xem nhẹ. Không có chuyện “cho qua vì ngại va chạm” hay “nể mặt vì là nghệ sĩ nổi tiếng”. Khi quyền lợi bị xâm phạm, họ đã biết đứng lên tự bảo vệ, bằng hành lang pháp lý thay vì những lời than vãn trên mạng xã hội.

Điều đó cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết cho giới nghệ sĩ và các đơn vị sản xuất: không còn chỗ cho sự cảm tính hay thói quen “xin rồi hát đại”. Luật chơi đã có, ai không tuân thủ sẽ phải chịu hậu quả.

Vì sao bài toán bản quyền vẫn chưa có lời giải?

Từ năm 2002, Việt Nam đã tham gia Công ước Berne, công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ quyền tác giả. Trong nước, nhiều đơn vị như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) hay các công ty đại diện bản quyền đã hoạt động năng nổ, giúp đỡ nghệ sĩ và tác giả thực hiện quyền của mình.

Thế nhưng, bản quyền vẫn là bài toán nan giải. Một phần do thói quen làm việc “mập mờ” trong giới giải trí. Một phần khác đến từ sự thiếu kiến thức pháp lý cơ bản của nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ, chưa từng trải qua quy trình xin phép hoặc không được đội ngũ quản lý hướng dẫn cụ thể.

Không ít nghệ sĩ vẫn lầm tưởng rằng việc biểu diễn ca khúc trong một không gian nhỏ, hoặc phát sóng trên nền tảng mạng xã hội mà không thu phí trực tiếp, thì không cần xin phép. Đây là một sai lầm nguy hiểm. Bất kỳ hình thức sử dụng nào từ cover, biểu diễn, đến phát sóng công khai đều cần sự đồng thuận từ chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan.

Nhạc sĩ Đông Thiên Đức - Chủ nhân của nhiều bản hit được loạt người nổi tiếng cover.
Nhạc sĩ Đông Thiên Đức - Chủ nhân của nhiều bản hit được loạt người nổi tiếng cover.

Trong một nền công nghiệp âm nhạc phát triển lành mạnh, việc xin phép sử dụng tác phẩm cần được xem là quy trình chuẩn không phải nghĩa vụ miễn cưỡng. Các nghệ sĩ cần được trang bị đầy đủ nhận thức về quyền tác giả trước khi bước lên sân khấu, đặc biệt là trong các đêm diễn quy mô hoặc sự kiện phát sóng trên các nền tảng trực tuyến.

Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức, nhà sản xuất chương trình, đạo diễn âm nhạc... cũng cần chuyên nghiệp hơn trong khâu lựa chọn bài hát, làm việc với tác giả, ký kết hợp đồng sử dụng ca khúc và thanh toán nhuận bút rõ ràng. Khi tất cả các bên đều tuân thủ đúng vai trò, quy trình bản quyền sẽ không còn là “bài kiểm tra khó” như hiện tại.

Cuối cùng, vai trò của pháp luật và các tổ chức bảo vệ quyền tác giả cần được nâng cao hơn nữa. Ngoài việc đứng ra hỗ trợ xử lý các vụ việc vi phạm, cần tích cực tuyên truyền, đào tạo và phổ cập kiến thức bản quyền đến nghệ sĩ, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang sử dụng mạng xã hội như một kênh biểu diễn chính.

Bản quyền không phải chuyện “cho có”

Mỗi ca khúc là kết tinh của cảm xúc, lao động và chất xám. Khi một nghệ sĩ biểu diễn ca khúc mà không xin phép, đó không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là sự xem thường công sức của người sáng tạo. Sự việc của Quốc Thiên và những vụ việc trước đó không đơn thuần là câu chuyện cá nhân, mà là hồi chuông cảnh báo cho cả một hệ sinh thái âm nhạc cần thay đổi.

Nếu muốn tiến tới một thị trường âm nhạc chuyên nghiệp và được quốc tế công nhận, nghệ sĩ Việt cần học cách tôn trọng luật chơi và điều đó bắt đầu từ việc tôn trọng bản quyền.

Chia sẻ FacebookChia sẻ

Bài viết

Minh Quân

TIN MỚI