Nếu như Đàm Vĩnh Hưng, Tấn Minh thể hiện những ca khúc trữ tình sâu lắng của cố nhạc sĩ Thanh Tùng thì diva Hồng Nhung, Mỹ Tâm lại “biến nỗi buồn thành những nốt nhạc vui” mang đến cho đêm nhạc sự rộn ràng, tươi vui và tinh thần tích cực, nhìn về phía trước.
Nhạc sĩ Thanh Tùnglà một trong những ngôi sao sáng nhất của nền nhạc nhẹ Việt Nam thế kỷ XX. Ông là một trong những nhạc sĩ góp phần không nhỏ vào sự phát triển và định hình của nhạc nhẹ Việt Nam, đồng thời là người có ảnh hướng đến phong cách của những nghệ sĩ lớn như Thanh Lam, Hồng Nhung, Tấn Minh, Đàm Vĩnh Hưng, Thùy Dung, Ngọc Thúy…
Mặc dù ông đã về với cát bụi nhưng gia tài mà ông để lại cho âm nhạc Việt Nam thật đồ sộ và giá trị. Những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng như Một mình, Trái tim không ngủ yên, Giọt sương trên mi mắt, Hoa tím ngoài sân, Cơn bão nghiêng đêm… đều là những tác phẩm thanh nhạc mẫu mực chạm đến trái tim của công chúng yêu nhạc và để cho nhiều thế hệ sau học tập.
Trong đêm nhạc Ngôi sao cô đơn tối 7/5 tại Cung Văn hóa LĐHN Việt Xô, câu chuyện về cuộc đời của nhạc sĩ Thanh Tùng được các nghệ sĩ là học trò hoặc từng được cố nhạc sĩ thị phạm kể thật dịu dàng, ấm áp với hai thái cực: một là sự sâu lắng, da diết, buồn thương, hai là sự vui tươi, rộn ràng, hát với tinh thần lạc quan tích cực. Nhà báo Ngô Bá Lục là người dẫn chuyện và kết nối các nghệ sĩ trên sân khấu.
Hồng Nhung là ca sĩ được chờ đợi nhất trong đêm nhạc này bởi “cô Bống” từng thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Thanh Tùng. Nữ diva Hà thành mang đến 3 ca khúc: Một mình, Giọt sương trên mi mắt và Một thoáng quê hương với đầy đủ cung bậc cảm xúc. Mặc dù sức khỏe không tốt, nhưng kinh nghiệm và cảm xúc trong giọng hát của Hồng Nhung đã chiếm trọn trái tim khán giả.
Khi thể hiện nhạc phẩm Một mình, Hồng Nhung vẫn phiêu linh những nốt dài (long notes) đầy tinh tế khiến khán phòng cũng phải rướn người lên một cách nhẹ nhàng. Hồng Nhung chia sẻ, đây là một nhạc phẩm buồn, nhưng khi hát khi nghe người ta thấy yêu cuộc đời hơn bởi cái đẹp mà nhạc sĩ muốn thể hiện ở đây đó là tình yêu. “Có một điều hơi định mệnh một tí là khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết bài hát đầu tiên Bống Bồng ơi cho Hồng Nhung thì người nghe đầu tiên là nhạc sĩ Thanh Tùng. Tại căn phòng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có nhạc sĩ Bảo Phúc đệm đàn và khi Thanh Tùng viết bài Một mình đưa cho Hồng Nhung hát thì người nghe đầu tiên lại là anh Trịnh Công Sơn cũng tại căn phòng ấy với anh Bảo Phúc”, giọng ca Ngẫu hứng sông Hồng tâm sự.
Hồng Nhung cho hay: “Tôi từng hát nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng trên sân khấu. Hôm nay là buổi diễn mà trong lòng ai cũng có nỗi buồn rất lớn, nhưng chúng tôi nói với nhau rằng phải biến nỗi buồn đó thành những nốt nhạc vui để thể hiện đúng tinh thần của nhạc sĩ Thanh Tùng. Bởi vì ông là con người không bao giờ có tuổi, âm nhạc trẻ trung và đầy tính tích cực. Ngay cả trong những bài hát buồn nhất của ông cũng đọng lại ở đó sự tươi sáng để nhìn về phía trước, ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu”.
Mỹ Tâm là ca sĩ may mắn khi được gặp, nghe những câu chuyện về nhạc sĩ Thanh Tùng và được hát những ca khúc của ông. Trong đêm nhạc này, “Họa mi tóc nâu” thể hiện 3 ca khúc nổi tiếng: Giọt nắng bên thềm, Hoa tím ngoài sân và Hát với chú ve con. Nếu ca khúc Giọt nắng bên thềm được Mỹ Tâm hát cho cố nhạc sĩ Thanh Tùng nghe trong chương trình Con đường âm nhạc trước đó thì ca khúc Hoa tím ngoài sân lại là lần đầu tiên giọng ca Đà Nẵng thể hiện trên sân khấu, dù vậy với chất giọng nữ trung quãng rộng, Mỹ Tâm vẫn thể hiện khá trọn vẹn nhạc phẩm.
Hát với chú ve con là một trong những ca khúc đầy ắp kỷ niệm với Mỹ Tâm. Khi Mỹ Tâm mới vào nghề cô đã hát ca khúc này và trước đó cũng đã từng thử sức. Cô chia sẻ, đối với thế hệ yêu nhạc Việt hầu như ai cũng biết nhạc phẩm này và chính ca khúc này đã đánh dấu sự trưởng thành của nữ ca sĩ sinh năm 1981 khi bước lên sân khấu lớn để chinh phục công chúng.
“Đối với nhạc sĩ Thanh Tùng thì tất cả khán giả Việt Nam đều biết và được rất nhiều nghệ sĩ đàn anh thể hiện thành công. Tôi là ca sĩ lớp đàn em nên khi được các anh chị nhường cho thật sự rất hạnh phúc. Nhạc của ông giản dị nhẹ nhàng và không cần quá nhiều biến báo kỹ thuật khi biểu diễn”, Mỹ Tâm chia sẻ.
Đàm Vĩnh Hưng thể hiện 4 ca khúc của cố nhạc sĩ Thanh Tùng là Ngôi sao cô đơn, Tình không biên giới, Vĩnh biệt mùa hè và Cám ơn mùa thu. Dù không được đánh giá cao khi thể hiện những nhạc phẩm của nhạc sĩ Thanh Tùng, nhưng trong đêm nhạc này, Mr Đàm lại thể hiện đầy xúc động những ca khúc của ông, đặc biệt là ca khúc chủ đề Ngôi sao cô đơn.
Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ: “Tôi cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được ở đây thể hiện những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Tùng. Lúc ông sinh thời, tôi có may mắn được gặp ông 2 lần: một lần là mới bắt đầu tập tành đi hát, lần thứ 2 đi diễn xa được gặp ông trên máy bay, nhưng chưa lần nào được lọt vào mắt xanh của ông. Tôi cám ơn và trân trọng gia đình ông đã cho tôi cơ hội được tưởng nhớ ông”.
Đàm Vĩnh Hưng cúi đầu tưởng nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng. Anh nói, nhạc sĩ Thanh Tùng đang ở dưới hàng ghế khán giả nghe anh và các nghệ sĩ thể hiện những nhạc phẩm của ông.
Đặc biệt, Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại thể hiện những cử chỉ âu yếm, tình tứ khi song ca với “người tình trăm năm” Mỹ Tâm trong ca khúc Trái tim không ngủ yên. Chất giọng trầm, khàn đặc trưng của giọng ca Biển tình hòa quyện với giọng nữ trung trữ tình của Mỹ Tâm đã tạo nên một tiết mục ngọt ngào, hấp dẫn.
Với chất giọng nam cao (tenor), ca sĩ Tấn Minh đã thôi miên khán giả với 3 nhạc phẩm Đếm lá ngoài sân, Lời chim đỗ quyên và Chuyện tình của biển. Khi thể hiện những nhạc phẩm của Thanh Tùng, “ông xã” của NSƯT Thu Huyền vừa phô diễn được kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, nhưng vẫn giữ được cảm xúc trong từng câu hát, thậm chí có những lúc còn khiến khán giả “nổi da gà” vì quá xúc động.
Anh tâm sự: “Khi nhận được ca khúc Lời chim đỗ quyên từ ban tổ chức thì đến phút 89, tôi vô cùng lung túng vì bài hát này không cảm nhận được gì cả, không biết thể hiện như thế nào cho hay và có ý định bỏ ca khúc này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng mỗi một tác phẩm, mỗi một câu chuyện nhạc sĩ viết ra đều có mấu chốt và chìa khóa để mở và tôi nghĩ rằng mình chưa mở được nó. Tôi quyết định không đầu hàng, đến tận ngày diễn, lúc 12h đêm khi mọi người đi ngủ tôi mới âm thầm ngồi tập và reo lên sung sướng vì đã tìm ra cách hát”.
Hồng Nhung và Tấn Minh song ca trong ca khúc Em và tôi. Khi thể hiện ca khúc này, phần hát chay cảm xúc cuối bài của cặp đôi chị em nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt từ phía khán giả.
Ca sĩ Mỹ Dung - học trò của cố nhạc sĩ Thanh Tùng thể hiện 2 ca khúc Hoa cúc vàng, Cơn bão nghiêng đêm. Mặc dù vẫn truyền tải được cảm xúc của từng nhạc phẩm nhưng do sức khỏe của cựu thí sinh Sao Mai điểm hẹn không tốt nên một số đoạn xuống trầm bị mờ.
Khi thể hiện nhạc phẩm Hoa cúc vàng với những câu hát: “Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, ta lại ngồi bên nhau nghe gió lay cành khế…” đã khiến khán giả xúc động. Đây là một trong những ca khúc hay nhất, cảm xúc nhất của nhạc sĩ Thanh Tùng viết trong những năm cuối đời. Nhà báo Ngô Bá Lục dẫn chuyện: “Hoa cúc vàng ra đời năm 2009 khi nhạc sĩ Thanh Tùng còn chưa bị tai biến, trong một đêm chập chờn ông đã mơ thấy vợ mình và ông đã viết ca khúc trong tâm trạng như được gặp, được cười nói, được âu yếm người phụ nữ Thanh Tùng yêu thương nhất như thuở ban đầu. Một ca khúc đầy tâm trạng viết cho vợ mình và đây cũng là một trong những “nàng thơ” trong âm nhạc của ông mà nhạc sĩ Thanh Tùng từng có duyên gặp gỡ từ Sao Mai điểm hẹn 2004”.
Ca sĩ Minh Quân trình diễn 2 ca khúc Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn và Lời tỏ tình của mùa xuân. Hai ca khúc này được thể hiện đầy máu lửa qua giọng hát cao, sáng.
Mỹ Dung và Minh Quân song ca ca khúc Mưa ngâu.
Con gái út của cố nhạc sĩ Thanh Tùng - Nguyễn Thị Bạch Dương gửi lời cám ơn ban tổ chức, nghệ sĩ và khán giả đã đến chia sẻ và tưởng nhớ cha mình. Chị chia sẻ, kỷ niệm của con gái với bố rất nhiều, nhưng có một kỷ niệm nhớ nhất là khi cô sinh nhật 16 tuổi, bố có tặng 100 bông hồng kèm dòng chữ mừng con gái ba đã lớn. “Đây là thời điểm mẹ tôi mất 6 năm trong suốt thời gian này bố tôi chuyển sang kinh doanh để nuôi 3 con ăn học. Bố kinh doanh giỏi, sáng tác hay, nấu ăn ngon, tôi rất ngưỡng mộ ba. Trong mắt tôi bố giống như “soái ca” - thật sự là vậy”, chị Dương tâm sự.
Với hơn 40 năm cống hiến, Đại tá - Tiến sĩ - Bác sĩ Vũ Trọng Tiến đã thực hiện hơn 100.000 ca phẫu thuật thành công, tiên phong đưa thẩm mỹ vùng kín an toàn trở thành chuẩn mực tại Việt Nam. Tận tâm và đặt sự an toàn lên hàng đầu, ông là biểu tượng uy tín trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ.