Âm Nhạc

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh

Minh Quân
Chia sẻ

Album nhạc phim Em và Trịnh đã mang đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc thú vị.

Sau khi bộ phim điện ảnh Em và Trịnh chính thức công chiếu, đã có rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả dành cho phần nhạc phim, nhấn mạnh đây là điểm sáng rực rỡ của tác phẩm từ Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Rất nhiều người hâm mộ bộ phim cũng mong muốn có một album tổng hợp các ca khúc nhạc phim chính thức để một lần nữa được “sống” trong không khí của tác phẩm. 

Bậc thầy nhạc phim Đức Trí là người đã hòa âm phối khí cho các ca khúc này. Nhạc sĩ đã sử dụng đến các thiết bị cổ hoặc giả lập âm thanh cổ được anh sưu tập để sử dụng cho dự án này. Mục đích vốn để thuyết phục người xem để họ không thấy sự “phục dựng” các bản ghi mà như thể nó đã có từ những năm 50-60 hay 90, đó là công việc cần sự hiểu biết và chuẩn bị khá cầu kỳ trong khâu sản xuất âm nhạc. 

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 1

“Điều khó khăn nhất khi thu cho nhạc phim là hầu hết diễn viên đều không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, trừ Bùi Lan Hương, còn lại các bạn đều rất mới, rất trẻ, nhưng phải thể hiện giọng hát của những người quá nổi danh. Mà các đoạn thu chủ yếu cũng để phục vụ cho các phân cảnh cho phim chứ không phải ghi âm cho một album, nên khi biên tập lại cho đĩa OST tôi phải chọn lọc và biên tập lại ít nhiều để người nghe không bị hụt hẫng khi nghe album mà không có hình ảnh. 

Tôi không phối mới, hay chính xác hơn là không phối “cho mới” mà phải làm cho nó nghe xưa. Tinh thần xuyên suốt của dự án này là không có âm thanh điện tử. Tất cả các nhạc cụ thu là nhạc cụ thật, diễn viên phải hát thật cùng lúc với ban nhạc, vì thế không thể biên tập, chỉnh giọng gì cả. Diễn viên chỉ có một cách là tập luyện kỹ để thu, họ sẽ được thu vài lần, chọn ra lần hay nhất”  - Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ về quá trình thực hiện album nhạc phim.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 2

Nhắc đến Trịnh Công Sơn, ngoài những ý niệm sâu sắc về kiếp nhân sinh, người ta còn nhớ đến những người phụ nữ đặc biệt đã đem lại cho nhạc sĩ rung cảm mãnh liệt để động bút viết nên bao giai điệu đi cùng năm tháng. Trong đó, phổ biến nhất là 4 ca khúc Ướt mi (Nhật Linh), Diễm xưa (Akari), Nắng thuỷ tinh (Avin Lu, Hoàng Hà) và Nhìn những mùa thu đi (Bùi Lan Hương).

Ướt mi và mối tình đầu đơn phương

Trở lại năm 1958, khi đó Trịnh Công Sơn còn là cậu học trò 19 tuổi đem lòng say mê tiếng hát của cô ca sĩ Thanh Thuý nổi danh trong giới phòng trà ở thành thị. Thế nhưng trước một cô gái “tường đông ong bướm đi về mặc ai”, Trịnh chỉ biết lặng lẽ đứng ở một góc dõi theo ánh sáng từ cô.

Những ngày tháng tuổi trẻ ấy với Trịnh Công Sơn là “đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng”.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 3

Cho đến một ngày, con người tự ti ấy yêu cầu Thanh Thuý hát bài hát Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong và cô đã đồng ý. Khoảnh khắc Thanh Thúy xúc động rơi nước mắt trên sân khấu đã khiến Trịnh Công Sơn thức trắng đêm viết nên ca khúc Ướt mi văng vẳng tiếng hát thấm đẫm giọt buồn của Thanh Thuý trong tim.

Đây là sáng tác đầu tay góp phần mang tên tuổi Trịnh Công Sơn ghi dấu ở làng nhạc đương thời.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 4

Những ai đã xem qua Em và Trịnh hẳn vẫn còn lưu luyến mãi với tiếng hát liêu trai, sầu thảm của ca sĩ Thanh Thuý do nữ sinh người Huế Nhật Linh thể hiện ngay ở đầu bộ phim. Cô gái gen Z đã khiến người ta ngạc nhiên với tiếng hát u buồn, hoài niệm và khơi gợi trong ký ức của người nghe dáng dấp của danh ca Thanh Thuý.

Nói về phần thể hiện của Nhật Linh, Nhạc sĩ Đức Trí nhận xét: “Với Nhật Linh thì thử thách lại khác, bạn ấy là người chưa hát bao giờ, hay ít ra, không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng lại phải vào vai một ca sĩ danh ca mà hát hay từ nhỏ. Cách duy nhất tôi có thể giúp bạn ấy đó là: chỉ có một cách chinh phục người nghe, đó là: thả hồn theo cảm xúc lời ca. Khi bạn trôi theo câu hát, người nghe sẽ đi theo bạn”.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 5

Diễm xưa - bản tình ca kinh điển của thời đại

Khác với tâm tư nặng trĩu mà Nhật Linh thể hiện, cô gái người Nhật Nakatani Akari lại có phần mơ mộng hơn với hình ảnh ôm đàn ngồi hát Diễm xưa. Trong phim, cô đảm nhận vai Michiko Yoshii - người đã suýt lên xe hoa kết hôn cùng Trịnh Công Sơn lúc trung niên.

Ca khúc được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1960, khi nhìn thấy bóng hình của một người con gái xinh đẹp, mỏng manh đang đi qua hàng cây long não, nơi có cơn mưa buổi sớm mai bay bay trên những tầng tháp cổ.

Người con gái ấy là Ngô Vũ Bích Diễm - một cô gái gốc Bắc đã theo chân gia đình vào Huế. Trịnh lúc này không còn những tự ti của tuổi 19, nhưng cái chất “phiêu lãng” của người nghệ sĩ đã trở thành lý do khiến gia đình Bích Diễm ngăn trở.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 6

Mối tình ấy dù có mãnh liệt đến đâu thì cũng chỉ là tình đơn phương mãi chẳng được hồi đáp. Akari đã thể hiện lại tâm tình ấy bằng cách hát nhẹ nhàng nhưng lại chất chứa nỗi lòng tương tư.

Nhân vật của cô - Michiko - đến bên đời Trịnh bằng sự chủ động cùng lòng ngưỡng mộ. Cô là người duy nhất nhận được lời cầu hôn của ông, nhưng cuối cùng vẫn tiếc nuối khi không thể thắng được những kỷ niệm dành cho bóng hồng xưa cũ.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 7

Diễm xưa trong album nhạc phim là phiên bản tiếng Nhật do người thủ vai Michiko là Nakatani Akari thể hiện. Khi Michiko cất tiếng hát lên những nốt nhạc quen thuộc bằng một thứ tiếng lạ, dường như cũng đang nói lên rằng bản tình ca nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn lại nói về một mối tình đơn phương đẹp đẽ nhưng xót xa, có chút lạc lõng, là tình nhưng lại chẳng được trọn vẹn, của cả Trịnh Công Sơn và Michiko.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 8

Nắng thủy tinh - ca khúc hiếm hoi có hạnh phúc ngập đầy

Cũng như Diễm xưa hay Ướt mi được viết riêng cho một người, Nắng thuỷ tinh được sáng tác vào giai đoạn đầy mộng mơ và lãng mạn của một tâm hồn đang rơi vào tình yêu.

Bài hát sáng tác năm 1963, khi nhạc sĩ đang hạnh phúc bên mối tình Dao Ánh, dù thực tế là nỗi nhớ vẫn ngập đầy giữa hai người bởi cách trở địa lý.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 9

Dưới tiếng hát trong trẻo, đầy xúc cảm, Hoàng Hà và Avin Lu đã dẫn khán giả từng bước đi vào mối tình lãng mạn, dịu dàng như ánh nắng thuỷ tinh long lanh. Cả hai diễn viên trẻ cũng là người đảm nhận vai diễn Trịnh Công Sơn và Dao Ánh thời trẻ.

Cả hai đã cùng nhau đọc qua Thư tình gửi một người cùng nhiều tư liệu khác về cuộc tình của nhân vật để có những thấu hiểu, đồng điệu. Điều đó giúp họ thể hiện những xúc cảm chân thực nhất khi thể hiện bài hát.

Cả Avin Lu và Hoàng Hà không sử dụng quá nhiều kỹ thuật mà chọn hát theo cách bản năng, mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn đủ chạm đến từng ngóc ngách cảm xúc bên trong trái tim người nghe.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 10

Nhạc sĩ Đức Trí thừa nhận Avin Lu và Nhật Linh là 2 “ca khó” trong việc thể hiện nhạc phim Em Và Trịnh: “Với Avin, bạn ấy biết hát, nhưng cách hát bạn ấy quá mới, trong khi vai diễn anh Trịnh Công Sơn lại là rất xưa, không rung kiểu mới ấy. Hơn nữa, cách hát của một nhạc sĩ sẽ rất khác, họ không quan tâm đến hơi dài ngắn, nhưng phân câu sẽ rất tinh tế khi nhấn những chữ mà nhạc sĩ sẽ tâm đắc. Tôi phải giả định tôi là một người viết thì sẽ hát thế nào để làm mẫu cho bạn ấy cách hát”.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 11

Nhìn những mùa thu đi qua tiếng hát Bùi Lan Hương

Góp mặt trong vai diễn Khánh Ly, Bùi Lan Hương đã từng vấp phải hoài nghi, nhưng cuối cùng, cô lại là cái tên được khen ngợi nhiều nhất. Bên cạnh nét diễn tự nhiên mà chân thật, nàng “tiên tóc” còn tái hiện những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, trong đó có Nhìn những mùa thu đi.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 12

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Nhìn những mùa thu đi từ năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm 24 tuổi, vừa bị dập tắt hy vọng về một bóng hình nhưng qua đôi mắt của chàng trai si tình, cảm xúc ấy vẫn đẹp và đáng trân trọng.

Trịnh Công Sơn viết bài hát từ cảm xúc thật với một cô gái Huế được cho là em gái của danh ca Hà Thanh. Đó là cuộc tình đơn phương với những cảm xúc mong manh thoáng qua của người nhạc sĩ đa cảm.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 13

Có người ví Nhìn những mùa thu đi giống như lát cắt dọc của cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Những nàng thơ đã đi qua cuộc đời ông, mang đến cho người nghệ sĩ những dấu vết khó phai, rồi lại rời bước như mùa thu vừa đi, để lại u buồn, lẻ loi và cô độc.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 14

Bốn bài hát như bốn nấc thang của cuộc đời Trịnh Công Sơn. Từ Ướt mi với sự tự ti của thân phận khi tương tư một cô nhạc sĩ thành danh. Rồi Diễm xưa với những cảm xúc đơn phương mãnh liệt chẳng biết giãi bày cùng ai. Qua Nắng thủy tinh lại là chút tươi trẻ của một tình yêu lấp lánh như đoá hướng dương. Những hình bóng thiếu nữ lần lượt lướt ngang, Trịnh chẳng còn gì ngoài một tâm hồn vá víu những tổn thương. Nhưng ông trân trọng điều đó và lặng lẽ nhìn những dáng hình đã xa không thể trở lại như Nhìn những mùa thu đi.

Sau tất cả, người nhạc sĩ tự chiêm nghiệm cho chính mình: “Có những người, khi đi lướt qua nhau sẽ thành người xa lạ. Nhưng mỗi cuộc gặp, mỗi đoạn đường, mỗi người đi cùng ta một đoạn đường, đều có ý nghĩa với ta”.

'Giải mã' nhạc phim Em và Trịnh Ảnh 15
Chia sẻ

Bài viết

Minh Quân

Tin mới nhất