Thể thao

Làm bóng đá chuyên nghiệp phải phản ứng việc chưa hợp lý, đừng chơi sao cũng được!

Văn Nhân
Chia sẻ

Hai năm liên tục, giải chuyên nghiệp của Việt Nam được điều hành theo đúng bản chất không giống nơi nào trên thế giới.

Đá 4 vòng, đang vui thì "đứt dây đàn"!

Không phải bây giờ mới xảy ra chuyện đá 4 vòng thì giải chuyên nghiệp nghỉ ngang để phục vụ các ĐTQG. Năm ngoái, V.League 2022 đá 4 trận thì nghỉ gần 4 tháng để phục vụ cho các ĐTQG, bao gồm vòng loại World Cup 2022, SEA Games 31 và U23 châu Á 2022.

Một giải chuyên nghiệp đá vỏn vẹn 4 trận rồi nghỉ tận 4 tháng. Đó không còn là sự vô lý mà đầy nghịch lý của bóng đá Việt Nam so với các nền bóng đá trên thế giới. Bởi tất cả CLB tập luyện để đá 4 vòng thì coi như... xong giải, sau đó tiếp tục chuẩn bị lại từ đầu và quãng nghỉ 4 tháng còn nhiều hơn so với thời gian chuẩn bị cho mùa bóng mới.

V.League 2023 tái diễn chuyện đá 4 vòng đang vui thì "đứt dây đàn". V.League nghỉ từ 19/2 đến ngày 6/4, tức nghỉ 48 ngày. Vấn đề nan giải là các CLB sẽ đá tiếp từ ngày 6/4 đến ngày 17/4, sau đó nghỉ đến ngày 19/5. Tình cảnh của V.League 2023 là đá nửa tháng thì nghỉ 1,5 tháng, đá 10 ngày thì nghỉ hơn 1 tháng. 

Làm bóng đá chuyên nghiệp phải phản ứng việc chưa hợp lý, đừng chơi sao cũng được! Ảnh 1
V.League 2023 nghỉ dài hạn sau vòng 4. Ảnh: VPF

Năm 2023 còn nan giải hơn so với năm ngoái. Bởi sân chơi chuyên nghiệp sẽ có hai mùa giải nối tiếp nhau. Điều đó khiến cho các đội bóng phải có sự chuẩn bị tốt về tài chính, lực lượng... Nhưng giải đấu cứ bị ngắt đoạn thì mọi thứ càng thêm khó khăn, chưa kể VPF còn có quy định độc quyền về nhãn hàng nên các CLB khổ trong việc kiếm nhà tài trợ. 

Trong quãng thời gian nghỉ 48 ngày kể trên, FIFA Days diễn ra từ ngày 20/3 đến 27/3. Các CLB phải trả quân cho ĐTQG theo quy định của Liên đoàn bóng đá thế giới chỉ trong 1 tuần. Nhưng tuyển Việt Nam lại hội quân từ ngày 8/3 đến 12/3, tức không thuộc FIFA Days. 

"Tôi nghĩ các CLB cần chung tay với ban tổ chức để điều chỉnh lại lịch thi đấu các mùa giải sau. Chẳng giải nào trên thế giới đang đá mà nghỉ lâu như vậy, rất bất cập. Thời gian V.League nghỉ dài để nhường chỗ cho đội tuyển quốc gia đã là quá rồi, nên với đội U20 thì tôi thấy rất không nên", HLV Vũ Hồng Việt nói về chuyện V.League 2023 nghỉ nhiều.

V.League 2023 coi như đang vui thì "đứt dây đàn" để phục vụ cho các ĐTQG, dù chỉ có một giải chính thức diễn ra là U20 châu Á 2023. Trong 16 đội tham dự U20 châu Á 2023, không có nước nào dừng giải vô địch quốc gia, trừ V.League của Việt Nam. Trên thế giới, chuyện đội trẻ thi đấu không ảnh hưởng sân chơi chuyên nghiệp. 

Đừng im lặng, rồi 'đứt gánh giữa đường'!

Tình cảnh của sân chơi chuyên nghiệp Việt Nam đang ra sao?

CLB Cần Thơ đã bỏ V.League 2 do nợ tiền và không có nhà tài trợ. Sài Gòn FC chờ chuyển giao cho Lâm Đồng. CLB Phù Đổng nhờ VPF lùi thời gian đăng ký, dời thời gian diễn ra giải mới có thể tham gia. Sòng phẳng, V.League 2 đá đúng theo dự tính ban đầu thì chỉ còn 9 đội tham dự, bởi không phải đội nào cũng có kinh phí để hoạt động tốt trong hai mùa bóng nối tiếp của năm 2023.

Ở mùa giải năm ngoái, CLB Quảng Ninh bỏ giải V.League 2022 vì hết tiền, vỡ nợ với các cầu thủ. CLB Nam Định xảy ra chuyện nợ lương, CLB TPHCM xuất hiện cảnh cầu thủ đình công. Ở hạng Nhất, CLB Cần Thơ và Phù Đổng cùng chung cảnh cầu thủ lên mạng xã hội "kêu cứu" vì nợ tiền...

Tại sao bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam giảm số đội và không có tính bền vững? Câu trả lời các CLB không sinh lời và không có tiền thì không thể phát triển bóng đá. 

Trong bối cảnh kinh tế thị trường khó khăn, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang phải rơi vào cảnh thắt lưng buộc bụng phục vụ cho các ĐTQG. Bởi giải nghỉ dài hạn thì các CLB phải trả lương, lót tay cho cầu thủ và duy trì việc tập luyện để chờ ngày trở lại thi đấu. Trường hợp đá "dồn toa" thì các cầu thủ có nguy cơ chấn thương và giải đấu giảm tính hấp dẫn, đá vào những ngày giữa tuần thì không thu hút được khán giả, không có người hâm mộ đến sân thì khó có nhà tài trợ...

Làm bóng đá chuyên nghiệp phải phản ứng việc chưa hợp lý, đừng chơi sao cũng được! Ảnh 2
Cần Thơ bỏ V.League 2 do không có tiền. Ảnh: VPF

Nên nhớ, cầu thủ thuộc sở hữu của các CLB chứ không phải các ĐTQG. Các CLB đào tạo, trả tiền và chăm lo cho cầu thủ phát triển. Trường hợp các CLB không thể phát triển mạnh, không "sống khỏe, sống tốt" thì các ĐTQG chắc chắn bị ảnh hưởng. 

Saostar đã từng phân tích về chuyện Thai League đi sau nhưng phát triển mạnh hơn so với V.League. Lý do bóng đá Thái Lan vận hành chuyên nghiệp, quyền lợi của các CLB được đảm bảo ở mức tốt nhất khi dám lên tiếng phản ứng Liên đoàn bóng đá Thái Lan. Tuyển Thái Lan không được hưởng đặc quyền là giải Thai League dừng để phục vụ cho AFF Cup, thậm chí HLV Polking không thể có những cầu thủ giỏi nhất. Nhưng bù lại, Thái Lan có mặt bằng bóng đá chuyên nghiệp phát triển, các CLB hùng mạnh về tài chính và kết quả ĐTQG hưởng lợi. Tuyển Thái Lan vẫn đủ sức mạnh để vô địch AFF Cup 2022 dù vắng 10 trụ cột. Câu chuyện của Thái Lan cho thấy việc không dừng giải chuyên nghiệp chẳng ảnh hưởng đến thành tích ĐTQG, thậm chí còn nâng tầm trình độ so với các đội tuyển ở khu vực.

Bóng đá Việt Nam đã đến lúc thay đổi để phát triển, trước tiên là các CLB Việt Nam phải phản bác VPF và VFF nếu cảm thấy bị ảnh hưởng quyền lợi. Ví dụ như quãng nghĩ 48 ngày, một nghịch lý vốn tồn tại nhiều năm qua.

Đúng hơn, các CLB Việt Nam bây giờ cần sự dũng cảm giống như CLB HAGL của bầu Đức trong việc "đấu" VPF khi va chạm nhà tài trợ. Đừng cứ im lặng rồi đến lúc "đứt gánh giữa đường"!

Kỳ tới: Bóng đá cần tiền, quyền lợi các CLB phải số một! 

Phá giải chuyên nghiệp là tư duy nghiệp dư

Đó là quan điểm của Chủ tịch CLB Buriram để phản ứng Liên đoàn bóng đá Thái Lan, dù FAT chỉ có ý tưởng đẩy thời gian thi đấu để Thai League kết thúc sớm hơn so lịch bản đầu. Thai League đã diễn ra bình thường và không bị ảnh hưởng vì U22 Thái Lan đá SEA Games 32.

Chủ tịch CLB Buriram United - Newin Chidchob nói rằng: “Ước mơ của người dân Thái Lan là nhìn thấy quốc kỳ được tung bay trên một sân vận động ở World Cup. Nhưng cuối cùng, chúng ta theo đuổi mục tiêu trở thành nhà vô địch của khu vực. Chuyện này đã tiếp diễn trong nhiều năm qua.

Không quan tâm đến FIFA Days, phá hủy hệ thống giải đấu chuyên nghiệp để trở thành nhà vô địch SEA Games. Đó là tầm nhìn của người nghiệp dư, là ý tưởng của kẻ không biết gì về bóng đá chuyên nghiệp. Họ không có phương án để phát triển bóng đá Thái Lan và tiến gần đến World Cup. Đừng lừa cổ động viên Thái Lan về giấc mơ World Cup. World Cup là giải đấu chuyên nghiệp còn SEA Games dành cho kẻ nghiệp dư như FAT”.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất