Thể thao

Hai lý do khiến đội chủ nhà Qatar thất bại và bài học cho tuyển Việt Nam

Văn Nhân
Chia sẻ

Chủ nhà Qatar đã chia tay World Cup 2022 với 3 thất bại, một cột mốc buồn nhưng có giá trị với các đội bóng châu Á.

Qatar đã chuẩn bị đến 12 năm cho World Cup 2022, bao gồm cơ sở vật chất lẫn chuyên môn cho đội tuyển. Tuyển Qatar đã thành công với chức vô địch châu Á 2019 một cách tuyệt đối với các chiến thắng trước những đội bóng hàng đầu gồm Saudi Arabia (2-0, vòng bảng), Iraq (1-0, vòng 1/8), Hàn Quốc (1-0, tứ kết), UAE (4-0, bán kết), Nhật Bản (3-1, chung kết). Đội bóng của HLV Sanchez toàn thắng 7 trận, ghi 19 bàn và 1 lần bị thủng lưới. Đó là thành tích đáng tự hào của Qatar, là thước đo để thấy bóng đá Qatar tiến bộ thần kỳ. 

Tuy nhiên, nhà vô địch châu Á 2019 đã không thể tạo ra bất ngờ nào ở World Cup 2022 trước các đối thủ mạnh. Đội chủ nhà ghi 1 bàn, thua 7 bàn và nhận 3 thất bại. Qatar lập 3 cột mốc đầu tiên trong lịch sử World Cup về tư thế chủ nhà: Thua trận khai mạc, bị loại sớm nhất (sau 2 trận) và toàn thua 3 trận. 

Hai lý do khiến đội chủ nhà Qatar thất bại toàn diện và bài học cho tuyển Việt Nam Ảnh 1
Nhà vô địch Asian Cup 2019 - Qatar thua cả 3 trận ở World Cup 2022 dù đá trên sân nhà. Ảnh: Reuters 

Thất bại toàn diện của Qatar không có gì để chê trách. Lý do Qatar chưa bao giờ đá World Cup nên thiếu kinh nghiệm, tức chưa có đẳng cấp World Cup. Trình độ của các cầu thủ Qatar không thể so sánh với các đội bóng ngoài châu Á như Senegal (châu Phi), Hà Lan (châu Âu), Ecuador (châu Mỹ). Đây là hai vấn đề mà có lẽ ai cũng hiểu để không chê Qatar.

Thực tế, tuyển Qatar đã có thể thi đấu tốt hơn nếu không bị lý do khách quan tác động lên quá trình chuẩn bị. Sự thất bại của Qatar có hai vấn đề mà "nhà giàu" cũng bất lực, đó là quá trình chuẩn bị gặp khó khăn rất lớn ở hai năm cuối. Một là dịch Covid-19 xảy ra, hai là không được đá vòng loại cuối cùng World Cup 2022. 

Đầu tiên, Qatar vô địch Asian Cup năm 2019 thì dịch Covid-19 xuất hiện nên bóng đá "đóng băng" gần 2 năm. Qatar đã không thể có thêm các màn cọ xát đỉnh cao để nâng tầm sau chức vô địch châu Á. Đây là khó khăn chung cho mọi đội bóng nhưng xét về tư thế và trình độ thì Qatar gặp bất lợi. Lý do Qatar đang trong giai đoạn cần cọ xát liên tục để đi từ thấp lên cao, tức cải thiện trình độ cho tiệm cận các đội có đẳng cấp World Cup. Các cầu thủ Qatar cũng không thi đấu ở châu Âu giống Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc... nên hạn chế phát triển về chuyên môn lẫn kinh nghiệm trong 2 năm dịch Covid-19.

Thứ hai, Qatar mất đi khâu chuẩn bị quan trọng là thi đấu vòng loại cuối cùng World Cup 2022, không giống như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran. Qatar chỉ tham gia đến vòng loại thứ hai để lấy vé dự Asian Cup 2023, còn đội chủ nhà không được thi đấu vòng loại cuối cùng. Những trận đấu thuộc vòng loại thứ hai trước Oman, Ấn Độ, Bangladesh, Afghanistan rõ ràng không thể giúp cho Qatar nâng tầm. 

Hai lý do khiến đội chủ nhà Qatar thất bại toàn diện và bài học cho tuyển Việt Nam Ảnh 2
Qatar chỉ được đá vòng loại thứ hai World Cup 2022 với các đối thủ yếu, sau đó nghỉ vòng loại thứ ba là thiệt thòi lớn, nhất là bóng đá thế giới đã phải trải qua quãng thời gian "đóng băng" vì dịch Covid-19.

Từ hai lý do kể trên để thấy đội chủ nhà Qatar đã gặp bất lợi lớn trong hai năm cuối cùng chuẩn bị cho World Cup 2022, dù họ có kế hoạch 12 năm để đội tuyển thi đấu tốt trên sân nhà. Và quan điểm chê tuyển Qatar là đội nhà giàu mà thi đấu yếu kém và phí tiền bạc cho 12 năm, điều đó không thuyết phục và không đúng khi họ đã vô địch châu Á 2019 một cách tuyệt đối. 

Bóng đá Việt Nam, hay đúng hơn là những người quản lý (VFF) sẽ có thêm cái nhìn hữu ích từ thất bại của tuyển Qatar. Một đội tuyển muốn nâng tầm đẳng cấp thì cần liên tục được thi đấu ở các sân chơi lớn. VFF cần thay đổi từ những vấn đề nhỏ nhất, ví dụ chuyện các đội khách mời như Philippines, Ấn Độ, Singapore cần bỏ đi. Tuyển Việt Nam cần được đá với các đội bóng có trình độ cao để tiến bộ.

Ngoài ra, tuyển Việt Nam cần có mục tiêu đi xa ở sân chơi châu Á để bắt tiếp cận trình độ nhóm mạnh nhất (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Oman, UAE và Qatar). Nếu không được đá với các đội bóng mạnh thì tuyển Việt Nam sẽ khó tiến bộ để thoát trình độ ở "vùng trũng". Không có đẳng cấp châu Á thì tuyển Việt Nam chưa thể nghĩ đến tấm vé World Cup.

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin mới nhất