Thể thao

1 tỷ bảng và tham vọng mua sân Wembley trả thù Arsenal của tỉ phú nước Mỹ

Theo BĐ&CS
Chia sẻ

Shahid Khan, ông chủ CLB Fulham mới đây đã khiến cả nước Anh choáng váng vì lời hỏi mua lại sân Wembley. Nếu thành công, đây sẽ là bước đi đầu tiên của Fulham trong công cuộc phục hưng đội bóng, cũng là giúp ông chủ của họ "rửa mặt" sau khi từng bị ông chủ Arsenal qua mặt tại Mỹ.

Lên voi xuống chó cùng bóng đá

Shahid Khan mua lại Fulham từ tỷ phú Mohamed al-Fayed vào năm 2013 với giá vào khoảng 150-200 triệu bảng. Từ đó đến nay, đội bóng này tụt từ Premier League xuống hạng nhất và vẫn trầy trật chưa thể quay lại giải đấu cao nhất nước Anh. Họ thậm chí từng suýt xuống hạng thêm lần nữa.

Nhưng mùa giải năm nay, mọi thứ đã thay đổi. Fulham đang tràn trề cơ hội trở lại Premier League với một đội hình sáng giá cùng dàn cầu thủ tài năng. Thành công của họ có được nhờ sự kết hợp ăn ý giữa HLV trưởng Slavisa Jokanovic và ông chủ Shahid Khan.

Thuở ban đầu, Khan mua lại Fulham đơn thuần vì mục đích kinh doanh và thăm dò. Mọi thứ bắt đầu khác đi từ 18 tháng trước. Cuộc nói chuyện giữa Khan và Jokanovic bất ngờ chuyển hướng sang công việc kinh doanh của Khan. Vị HLV trưởng Fulham biết bóng đá không phải lĩnh vực duy nhất Khan dấn thân vào. Ông còn sở hữu một đội bóng bầu dục ở Mỹ.

Giữa cuộc nói chuyện, Khan nói ông muốn mua sân Wembley, thánh đường bóng đá của nước Anh. Jokanovic khi đó cũng không nghĩ nhiều về tuyên bố đó của vị tỷ phú, cho đến ít hôm trước, lúc đội ngũ truyền thông của Fulham thông báo về kế hoạch táo bạo của vị chủ tịch. “OK, tôi biết rồi”, Jokanovic trả lời đơn giản.

Dường như Jokanovic là người đầu tiên được biết về kế hoạch của Khan. Ông biết, nhưng không thực sự tin điều đó thành sự thực. 5 năm sở hữu Fulham, Khan không đầu tư thực sự nhiều vào bóng đá. Dường như ông vẫn còn cân nhắc rủi ro trước khi thực hiện những bước đi lớn. Mọi thứ mới chỉ thay đổi vào tháng 2, khi ông gặp Martin Glenn, giám đốc điều hành FA tại trận bóng bầu dục Superbowl ở Houston.

Bên Mỹ, Shalid Khan sở hữu đội bóng chày Jacksonvilles.

Trước Khan, Fulham đã có một ông chủ người Hồi giáo. Do đó người hâm mộ đội bóng này khá ôn hòa trước chuyện đội bóng thuộc sở hữu của một ông chủ nước ngoài. Khan thậm chí ngày càng được yêu quý, khi Fulham mùa này đang tràn đầy cơ hội trở lại Premier League. Ở 2 trận cuối, họ chỉ phải gặp Sunderland - đã xuống hạng, và Cardiff - đã hết mục tiêu sau khi chính thức trụ hạng.

“Fulham không chỉ là công cụ kinh doanh của ông ấy”, Jokanovic chia sẻ. “Ông muốn tiến thêm một bước nữa. Ông muốn thành công”.

Bên Anh, Fulham thuộc quyền sở hữu của vị tỉ phú người Mỹ gốc Pakistan này.

Vị tỷ phú người Mỹ gốc Pakistan này ngoài Fulham, ông còn sở hữu đội bóng bầu dục Jacksonville Jaguars, khách sạn Bốn Mùa ở Toronto cùng du thuyền Kismet thường du ngoạn trên sông Thames.

Với khối tài sản 7 tỷ USD, sau khi thành công ở những lĩnh vực khác, giờ dây Khan muốn thành công cùng bóng đá.

Đường thành tỷ phú và mối thù với ông chủ Arsenal

Shahid Khan sinh ra tại Pakistan trong một gia đình gia giáo ở Lahore. Mẹ ông là một giáo sư Toán, và dường như tư duy của bà đã truyền lại được cho ông. Ngay từ khi còn bé, Khan đã tự kiếm tiền tiêu xài nhờ lắp, bán radio, cũng như cho bạn bè thuê truyện. Nửa thế kỷ trước, Khan rời Pakistan, một thân một mình đến Mỹ. Với vỏn vẹn 500 đô la trong túi, ông vào nhập học ở Đại học Illinois, chuyên ngành cơ khí. Nơi Khan thuê trọ rất rẻ, nhưng cậu bé mới chân ướt chân ráo đến Mỹ luôn lo lắng về cảnh thiếu tiền.

Thế nên ngay sau khi nhập học, việc đầu tiên cậu làm là đi tìm việc. “Tôi dậy sớm, đi xuống Phố Wright và thấy ở đó họ đang tuyển người rửa bát thuê, trả 1,2 đô la mỗi giờ. Lúc đó tôi nghĩ “Ồ, mình sẽ làm công việc đó. Đây chính là tự do của mình. Dù chỉ là rửa bát thuê thôi, chỉ cần có tiền và có việc, mình có thể tự định đoạt số phận””, Khan chia sẻ.

Ông nói thêm: “1,2 đô la mỗi giờ khi đó là số tiền rất lớn đấy. 99% dân Pakistan khi đó không kiếm được nhiều tiền như thế đâu. Thế nên tôi tin mình có thể quyết định cuộc sống và số phận của mình”. Tại đây, ông vừa đi làm, vừa đi học, tìm được bạn gái, sống một cuộc sống như bao người khác.

Xuất thân nghèo khổ, nên Shalid rất hiểu giá trị của đồng tiền.

Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí, Khan vào làm việc ở một công ty nhỏ chuyên sản xuất thiết bị xe hơi. Bước ngoặt đến khi ông mua lại chính công ty này vào năm 1980 với giá 800 ngàn đô la. Hiện nay nó được định giá 3,5 tỷ đô la. Năm 1991, Khan chính thức trở thành công dân Mỹ.

Trở thành người Mỹ, nhưng Khan vẫn phải chịu cảnh bị phân biệt đối xử vì nguồn gốc của mình. Mọi chuyện càng tệ hơn sau vụ khủng bố 11/9. Ông thậm chí từng bị bắt giữ chỉ vì bị phát hiện mang theo một “vật giống súng” khi đi trên đường. Sau đó, cảnh sát xác định đó chỉ là một cây bút. Đó là lúc Khan thấy ông cần phải làm một điều gì đó ngoài kinh doanh đơn thuần để thay đổi cái nhìn của người Mỹ về người gốc Á, người Hồi giáo.

Với sở thích đam mê thể thao từ nhỏ, ông chọn bóng bầu dục - môn thể thao đại chúng của người Mỹ. Ban đầu, đội bóng bầu dục ông nhắm tới là St. Louis Rams. Tuy nhiên, khi thỏa thuận mua lại 60% cổ phần CLB này sắp thành công thì Khan bất ngờ bị xỏ mũi. Người qua mặt ông là một cổ đông nhỏ khi đó có tên Stan Kroenke, cũng là một tỷ phú.

Chúng ta thường biết đến ông với tư cách ông chủ, cổ đông lớn nhất của Arsenal hiện giờ. Chia sẻ về thương vụ bị hớt tay trên này, Khan nói ông thực sự rất tiếc. Tuy vậy, ông cũng không phải chờ đợi lâu. Một năm sau, Khan mua lại đội Jacksonville Jaguars với giá 770 triệu bảng. Ông trở thành người “ngoại tộc” đầu tiên sở hữu một đội bóng bầu dục ở Mỹ.

Và ông sẽ dùng tiền để mua Wembley nhằm nhiều mục đích.

Sau thành công với Jaguars ở Mỹ, Khan tìm đến Anh để “ăn thua đủ” với Kroenke. Đội bóng ông chọn là Fulham, cũng là một CLB tại London. Tuy nhiên sau khi mua lại CLB từ Al-Fayed, Khan nhanh chóng cảm thấy bóng đá Anh khác biệt hơn bóng bầu dục Mỹ rất nhiều. Fulham xuống hạng, và phải mất 5 năm mới có cơ hội trở lại.

Muốn “phục thù” với Kroenke, rõ ràng Khan còn rất nhiều việc phải làm Kế hoạch với sân Wembley Việc mua lại Wembley, theo một nguồn tin thân cận với Khan, hoàn toàn không nhằm mục đích mua đi bán lại. Khan không hề có kế hoạch bán lại sân Wembley nếu ông mua được, ngay cả khi giá có cao gấp nhiều lần.

Ngoài bóng đá, sân Wembley còn là nơi tổ chức các trận bóng bầu dục. Với việc mua lại “thánh đường bóng đá” này, Khan có thể tăng số lượng các trận bóng bầu dục tại đây, thậm chí biến Wembley thành “sân nhà” của Jacksonville Jaguars. Điều này càng có khả năng bởi nếu sở hữu Wembley, Khan thậm chí có quyền đổi tên sân vào năm 2020.

Với 800 triệu mua lại sân Wembley, Khan hoàn toàn có thể biến nơi này thành sân nhà mới của Fulham. Tuy nhiên, ông cảm thấy đội bóng này vẫn phù hợp hơn với sân nhà Craven Cottage hiện tại. Do đó, ngay sau khi chính thức hỏi mua sân Wembley, Khan đã ra tuyên bố trấn an người hâm mộ. Ông khẳng định các khoản chi cho Fulham vẫn sẽ không thay đổi, thậm chí tăng lên nếu đội bóng trở lại Premier League.

Các khán đài ở Craven Cottage vẫn sẽ được nâng cấp. Đôi tuyển Anh vẫn sẽ thi đấu tại đây - dĩ nhiên nếu họ trả đủ tiền thuê sân. Tuy vậy, không thể phủ nhận việc Khan mua lại sân Wembley còn có thể mang cả kế hoạch chính trị trong đó. Thị trưởng hiện tại của London cũng là người gốc Pakistan, Sadiq Khan.

Chia sẻ

Bài viết

Theo BĐ&CS

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất