Học đường

Sinh viên ĐH Sân khấu Điện ảnh lần đầu tiên được tổ chức triển lãm phim có cả chuyên gia nổi tiếng người Bỉ tham dự

Hà Anh
Chia sẻ

Mới đây, sinh viên lớp Đạo diễn Điện ảnh - Truyền hình Chất lượng cao thuộc ĐH Sân khấu Điện ảnh đã tổ chức một buổi triển lãm về phim thể nghiệm với chủ đề "Out of the box" cực ấn tượng.

Phim thể nghiệm không xa lạ với nhiều nước trên thế giới, nhưng với nền điện ảnh Việt Nam vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm. Từ trước tới nay, trong chương trình giảng dạy cho sinh viên trường Điện ảnh cũng không hề có bộ môn chuyên về phim thể nghiệm. Điều này làm hạn chế khả năng sáng tạo của sinh viên vì với đặc trưng của thể loại phim này, sinh viên được phép có những thử nghiệm mới mẻ về âm thanh, hình ảnh, các yếu tố cấu thành nên ngôn ngữ điện ảnh.

Mới đây, các bạn sinh viên lớp Đạo diễn Điện ảnh- Truyền hình Chất lượng cao K35 - những người được học tập dưới sự hướng dẫn của hai chuyên gia nổi tiếng người Bỉ nói tiếng Pháp là Robert Rombout và Rogier Van Eck đã tổ chức một buổi triển lãm trình chiếu các tác phẩm thể nghiệm trong khóa học có tên “Out of the box” (Bên ngoài cái hộp)

Rob Rombout là giám đốc khóa học DocNomads tại LUCA Brussels. Ông là một nhà làm phim tài liệu độc lập, giáo viên và giảng viên nổi tiếng.

Ngoài ra, Rob Rombout là phó chủ tịch Ủy ban Bỉ của Tổ chức Tác giả Pháp SCAM, và là thành viên hội đồng quản trị của AUT ở Beirut. Ông hiện cũng là chủ tịch của Hiệp hội DocNomads.

Một vài hình ảnh trong những dự án phim của chuyên gia Rob Rombout

Rogier Van Eck giảng dạy tại INSAS, trường điện ảnh Brussels, và là cố vấn của nhiều hội thảo phim tại Morocco, Việt Nam, Cuba, Na Uy, Zimbabwe và Thái Lan. Ông cùng với Marc-Henri Wajnberg đã tạo ra bộ sưu tập TV “Kaleidoscope, nhìn vào khung hình cuộc sống” cho Arte-France (33 tập, 26 phút, 2000-2006), là biên kịch và đồng đạo diễn của “Oscar Niemeyer , một kiến trúc sư đã cam kết với thế kỷ của mình ”(60 phút. Arte-France. 2000).

Rob Rombout và Rogie Van Eck từng hợp tác với nhau trong hai tác phẩm “Amsterdam qua Amsterdam” (80 phút 2004) và “Amsterdam Stories USA” (360 phút. 2013).

Hai chuyên gia nổi tiếng người Bỉ tham gia giảng dạy phim thể nghiệm cho sinh viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội

Trong khuôn khổ buổi triển lãm, Robert Rombout và Rogier Van Eck đã có nhiều chia sẻ với Saostar về cơ hội của sinh viên |Việt Nam với dòng phim thể nghiệm.

Phim thể nghiệm đối với nhiều nước trên thế giới nói chung không còn lạ lẫm gì, nhưng đối với một đất nước có nền điện ảnh còn khá non trẻ như Việt Nam thì nhiều người vẫn cảm thấy mới mẻ, xa lạ. Thực tế sinh viên điện ảnh ở Việt Nam cũng rất hiếm khi được giảng dạy về thể loại phim này. Lý do gì khiến hai vị quyết định cho sinh viên thực hành một workshop về phim thể nghiệm?

Rob: Chương trình giảng dạy cho lớp chất lượng cao là một chương trình học tập dài hạn gồm 6 gói giảng dạy cho học sinh những thông tin về phim truyện, tài liệu, âm thanh, dựng. Bản thân INSAS cũng là trường điện ảnh truyền thống. Đối với phim thể nghiệm, khi các sinh viên muốn thực hiện nó bên ngoài phạm vi trường học, họ rất khó để kiếm được nguồn vốn làm phim. Chúng tôi muốn những sinh viên của mình có một khoảng thời gian để vượt qua những giới hạn của bản thân, được khám phá cách thể hiện ngôn ngữ điện ảnh trên đa màn hình hoặc kết hợp nhiếp ảnh hay những yếu tố đời sống,….Những tổ hợp khác nhau làm nên một bộ phim thể nghiệm. Không gian trình chiếu triển lãm cũng là một xưởng làm việc mang đến sự mới mẻ cho workshop.

Rogier: Thể nghiệm là sự bắt nguồn của điện ảnh. Khi điện ảnh xuất hiện năm 1895, mọi người làm các thử nghiệm khác nhau trên máy ảnh để cho ra đời những thước hình mới lạ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử mới dần trở thành ngôn ngữ điện ảnh có tính truyền thống và đi theo tuyến tính. Các nghệ sĩ từ những khuôn mẫu làm nên sự thể nghiệm không tuyến tính, cho ra đời nhiều thể loại phim mới lạ khác. Ở Bỉ có một Liên hoan phim thể nghiệm rất nhiều người biết đến là Knokke-le-Zoute Exprmntl.

Chúng tôi nghĩ ra sáng kiến về workshop dựa trên nền tảng lịch sử của liên hoan phim vô cùng nổi tiếng này. Tôi muốn kết thúc khóa học của những bộ môn giảng dạy truyền thống bằng một workshop mang tính thể nghiệm, dựa vào bên trong thế giới nội tâm của từng học sinh. Các em sẽ tự khám phá bản thân và thể hiện những điều vô tuyến tính lên màn ảnh. Những bộ phim không phải là biểu hiện của thế giới bên ngoài mà là sự ảnh hưởng của thế giới bên ngoài tác động lên thế giới nội tâm của từng học sinh. Kể cả những nhà làm phim rất nổi tiếng, đi theo khuôn mẫu truyền thống cũng tích hợp những yếu tố thể nghiệm vào bộ phim của họ. Thực ra, bản chất những bộ phim mà sinh viên làm ra trong khóa học này gần với điện ảnh thể nghiệm, nhưng cách mọi người đặt nó vào không gian của triển lãm lại gần với Artiste plasticine (nghệ sĩ đa phương tiện) .

Có rất nhiều bạn sinh viên trong khóa học thực tế chưa bao giờ thực hành làm phim thể nghiệm, hay thậm chí khái niệm về phim thể nghiệm cũng chưa được hiểu biết rõ ràng. Vậy hai vị có e ngại rằng sự thiếu hiểu biết này sẽ dẫn đến việc các sinh viên làm ra những tác phẩm sáo rỗng, lộn xộn và tự cho đó là thể nghiệm?

Rob: Tôi không ngạc nhiên khi học sinh không biết rõ về phim thể nghiệm. Sinh viên lúc đầu có thể giải nghĩa nó rất hẹp nghĩa, điều này tôi đã dự tính. Workshop này như một cái gương cho học sinh. Họ sẽ phải tự đối mặt với bản thân trong quá trình làm. Có một sự khác biệt lớn giữa việc làm và thấy vui với việc cố gắng hoàn thành để có một bài tập tốt. Nhưng một nền giáo dục điện ảnh không thể cho học sinh một giới hạn an toàn, vì vậy hãy cứ thoải mái thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

Rogier: Không có một quá trình nào được dựng sẵn từ trước khi chúng tôi đến đây giảng dạy về phim thể nghiệm. Bản thân workshop này chính là quá trình. Học sinh sẽ học khi họ làm.

Chúng tôi giám sát quá trình vừa học vừa làm đó, giúp đỡ học sinh trả lời các câu hỏi được nảy lên trong đầu của các em. Những bộ phim được tạo ra sẽ không phải là một bộ phim đóng, trả lời các câu hỏi đơn thuần của người xem, mà quan trọng là làm sao để thực hiện những ý tưởng sáng tạo không cổ điển. Chúng tôi không đến đây với một cái vali cùng những công cụ có sẵn để giúp học sinh làm một bộ phim hoàn hảo mà chúng tôi mở vali ra và cùng học sinh tạo ra những công cụ đó.

Hai chuyên gia người Bỉ mong muốn các sinh viên Việt Nam có thể khám phá nhiều cách thể hiện đa dạng trong ngôn ngữ điện ảnh

Có những bộ phim thể nghiệm mới lạ đến mức quái dị, quái gở, khiến nhiều người khi theo dõi cảm thấy thực sư khó hiểu, thậm chí khó chịu. Sự quái dị đó có phải là một thể loại phim thể nghiệm riêng biệt không?

Rogier: Một tác phẩm nghệ thuật là cấu thành của sự hiểu và cảm xúc. Có những tác phẩm có thể hiểu rõ ràng, có những tác phẩm mình không hiểu nhưng mình cảm nhận được cảm xúc của nó. Thể dạng là yếu tố cực kỳ quan trọng vì nếu không có thể dạng mình sẽ không thể nào cảm nhận được bộ phim. Đối với tôi, câu hỏi mới là điều quan trọng. Quan trọng hơn câu trả lời. Vì việc hỏi giúp mình làm giàu thêm vốn kiến thức của mình, thể hiện sự tò mò muốn hiểu biết.

Rob: Mọi người hay nghĩ nghệ thuật là những gì có thể dễ dàng làm. Có nhiều thứ mà mình hiểu rõ ràng nhưng bản thân mình không nghĩ thêm gì về nó. Ví dụ như phim truyền hình xem rất dễ hiểu, nhưng xem xong thì để đó vậy thôi. Thay vì vậy, ta có thể dành một tiếng xem một tác phẩm thể nghiệm, mình có thể không hiểu nhưng mình nghĩ nhiều và phân tích về nó sẽ có ích cho mình hơn. Từ trạng thái không biết thì mới có kiến thức xảy đến. Ví dụ như chuyện hình thành của Wikipeda, mọi người từ nhu cầu muốn hiểu biết thêm về con người, sự việc hay một bộ phim, mọi người muốn đặt câu hỏi và tìm kiếm một công cụ hỗ trợ để trả lời cho những câu hỏi của mình.

Tôi đã từng đến một nông trại ở một vùng quê. Họ bọc kín một cái cây, dán một cái biển thông báo rằng “Đây là Nghệ thuật”. Với tôi, đó là một tác phẩm nghệ thuật không có nghệ sĩ. Thay vì cách mình nhìn nhận mọi thứ theo tự nhiên vốn có, nghệ thuật là do mối quan hệ, sự tương tác giữa bản thân mình với cuộc sống.

Ở Việt Nam dòng phim thể nghiệm rất kén người xem nên các bạn sinh viên dù yêu thích thì cũng rất ít người lựa chọn đi lâu dài với dòng phim này. Hai thầy có lời khuyên gì dành cho các bạn sinh viên đó hay không?

Đây là dòng phim không thể nào làm phim trong nước mà phải hướng tới không gian quốc tế. Chỉ có phim truyện mới có thể làm phim trong nước vì nó có ngôn ngữ điện ảnh thông dụng hơn và dễ tiếp nhận với số đông hơn. Phim thể nghiệm phải tự xây dựng mạng lưới toàn cầu và phải hướng tới những nơi bên ngoài lãnh thổ quốc nội để gửi phim ra ngoài. Nghệ sĩ phải tự khám phá những nơi để mình có thể công chiếu bộ phim của mình. Ví dụ như LGBTQ trong nước sẽ bị kiểm duyệt nhưng lại có một thị trường lớn bên ngoài.

Môi trường và cách làm phim ở Việt Nam khác với nhiều nơi trên thế giới vì thị trường điện ảnh còn non trẻ và đặc biệt còn khá lạ lẫm với phim thể nghiệm. Hai vị nhận xét các bạn sinh viên Việt Nam trong workshop phim thể nghiệm này như thế nào?

Trong một thời gian ngắn hạn nên các bạn học sinh Việt Nam không có điều kiện chuẩn bị được nhiều. Trong vòng một tuần chúng tôi khá ngạc nhiên vì tuy có sự chậm trễ về mặt thời gian biểu nhưng mỗi học sinh đều có một câu chuyện muốn thể nghiệm. Chúng tôi đồng hành cùng các em hơn 3 năm nhận thấy các em đều có sự tiến bộ rõ ràng. Thực tế ở Việt Nam khác với ở Bỉ đặt trọng tâm vào lịch trình. Tôi ví Việt Nam như Nước Ý ở châu Á vậy, mỗi người có một cách làm riêng, tự sáng tạo, ứng biến. Sau 3 năm, các em tiến bộ và trở nên độc lập hơn. Chúng tôi biết chúng tôi đã tạo ra những ảnh hưởng nhất định với học sinh của mình.

Buổi triển lãm của sinh viên trong workshop này sẽ hứa hẹn điều gì? Hai vị thể giới thiệu một chút về buổi triển lãm sắp tới được không?

Bản thân tôi làm phim đã được 35 năm, chiếu nhiều phim trên các triển lãm và truyền hình. Mọi thứ ngày nay thay đổi rất nhiều. Triển lãm có thể có nhiều buổi chiếu nhưng truyền hình thì không và rất ít cơ hội cho các nhà làm phim độc lập. Ở triển lãm, bản chất là trình chiếu những phân đoạn, mọi người đi qua cảm thấy hứng thú có thể dừng lại xem kỹ hơn. Mình có thể tự thuyết trình về bộ phim của mình. Đây là một thách thức rất thú vị cho các sinh viên.

Triển lãm là cách cụ thể để mời mọi người tới, tham gia và trao đổi với nhau. Tôi quan tâm đến việc đưa học sinh vào một không gian. Triển lãm chung quan trọng hơn phim của từng cá nhân. Còn với Rogier thì quan tâm hơn vào cách học sinh thể nghiệm những khía cạnh mới. Chúng tôi bổ sung quan điểm lẫn nhau nên có triển lãm này.

Cảm ơn hai vị rất nhiều vì cuộc trò chuyện với Saostar

Chia sẻ

Bài viết

Hà Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất