Học đường

PGS Huỳnh Văn Sơn: 'Nhiều người thiếu kỹ năng mềm vẫn đi dạy sinh viên'

Theo VnExpress
Chia sẻ

Việc học và rèn luyện kỹ năng mềm của sinh viên hiện chưa được quan tâm thỏa đáng, giảng viên cho lĩnh vực này đang thiếu và yếu.

Tại hội thảo khoa học Các giải pháp và mô hình tiêu chuẩn của việc rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho TP HCM, PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP HCM thẳng thắn nói hiện có người thiếu kỹ năng mềm nhưng lại đứng lớp dạy cho sinh viên.

Cá biệt ở một trung tâm, có người bị sa thải hơn 10 công ty vẫn đi dạy kỹ năng mềm cho sinh viên. “Nhiều người biến buổi dạy kỹ năng mềm thành nơi trình diễn bản thân, quảng bá hình ảnh cá nhân, nghĩ rằng môn này chỉ học cho vui nên không quan tâm đến các chuẩn mực khác”, ông nói.

PGS Huỳnh Văn Sơn trình bày bài tham luận tại hội thảo. Ảnh: Mạnh Tùng.

Cũng theo ông Sơn, nhiều giảng viên đang “ôm” quá nhiều kỹ năng mềm, bất cứ bài học nào cũng có thể trình bày, trong khi một người ở lĩnh vực này dù giỏi đến đâu cũng chỉ chuyên sâu được một vài vấn đề nhất định. Một số trung tâm tổ chức dạy 5-7 kỹ năng mềm ngay trong một buổi học rồi cấp chứng nhận cho học viên. Mục tiêu của các bài giảng ở không ít nơi đang lệch chuẩn khi hướng người học đến việc “khóc, cười, vỗ tay” mới là thành công.

Tại các đại học, giảng viên kỹ năng mềm chưa có kinh nghiệm ứng dụng làm việc thành công với các kỹ năng cụ thể, thiếu hẳn phương pháp sư phạm. Một số người tập trung giảng lý thuyết, chia sẻ kinh nghiệm về vai trò của kỹ năng mềm nhưng chưa triển khai được bản chất, mô hình và các bước rèn luyện.

Ông Sơn cũng chỉ ra thực tế, nhiều chương trình kỹ năng mềm đang bị thả nổi ngay từ khâu biên soạn, thẩm định khiến sinh viên học xong không áp dụng được. Chương trình ở nhiều trường xây dựng không đúng quy chuẩn, tài liệu tham khảo không được thẩm định, thậm chí sử dụng tài liệu vi phạm bản quyền.

“Từ 10 tiết học chuyên sâu cho một kỹ năng mềm, hiện có nơi chuyển thành 5 kỹ năng dạy trong một buổi. Tôi nghĩ các trường phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có kỹ năng mềm cho sinh viên chứ không phải quảng bá nó như một mục tiêu truyền thông nhằm thu hút người học”, ông Sơn nói.

Về phía sinh viên, theo PGS Sơn, họ tích cực khi vận dụng các kỹ năng được học vào đời sống nhưng tổng thể kỹ năng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Bạn trẻ hiện có xu hướng thích sự cố định mà không dám thử sức, làm mới mình, hay than thở với những khó khăn, thường xuyên chới với, lạc lõng trước thay đổi.

Dẫn số liệu từ một đề tài khoa học, ông Sơn cho biết chỉ khoảng nửa số sinh viên hiện hiểu biết đúng về khái niệm, xác định đúng các bước của kỹ năng giải quyết vấn đề. Khá nhiều người chỉ hành động theo ý thích, suy nghĩ chủ quan.

Bằng kinh nghiệm thực tế, thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung (giảng viên Đại học Ngân hàng TP HCM) chỉ ra khá nhiều khó khăn trong việc giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên, như cách tổ chức lớp, đội ngũ giảng viên, chương trình dạy. Sĩ số tham gia một lớp kỹ năng mềm tại các đại học khoảng 50-200, quỹ thời gian ngắn khiến giảng viên không có cơ hội tiếp xúc, trao đổi nhiều học viên.

Sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Mạnh Tùng.

Hiện, một số đại học tại TP HCM đưa kỹ năng mềm trở thành môn học bắt buộc với sinh viên, song giảng viên môn này phần lớn lại kiêm nhiệm đến từ nhiều bộ môn. Phương pháp, nội dung, cách đánh giá từ đó cũng thiếu đồng bộ.

Theo bà Nhung, việc mời các nhà huấn luyện đến từ doanh nghiệp, người nổi tiếng vào đại học để giảng dạy kỹ năng mềm cũng gặp trở ngại về phương pháp sư phạm và sự khác biệt về giá trị. “Đứng trên bục giảng có yêu cầu và đặc thù khác với môi trường đào tạo trong xã hội”, bà Nhung giải thích và cho rằng thách thức với việc dạy kỹ năng mềm cho sinh viên là chuẩn hóa giảng viên. Nếu kỹ năng mềm trở thành môn học bắt buộc thì người dạy cần được đào tạo bài bản.

Tại hội thảo, TS Bùi Hồng Quân (Học viện Cán bộ TP HCM) và cộng sự đã công bố kết quả khảo sát từ giảng viên các đại học ở TP HCM về nguyên nhân gây ra hạn chế trong rèn luyện kỹ năng mềm. Những yếu tố hạn chế từ phía các trường được chỉ ra gồm: thiếu giảng viên chuyên sâu, chưa xem kỹ năng mềm là tiêu chí đánh giá người học, không chú trọng xem kỹ năng mềm là hoạt động dài hạn, không trang bị một cách chuyên biệt cho sinh viên.

Hội thảo do Đại học Sư phạm TP HCM phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tổ chức, nằm trong khuôn khổ đề tài cấp thành phố về thực trạng, nguyên nhân và biện pháp rèn luyện kỹ năng mềm tại các trường đại học.

Chia sẻ

Bài viết

Theo VnExpress

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất