Học đường

Học sinh Hà Nội lại trở về học qua 'màn ảnh nhỏ'

Theo Thanh Niên
Chia sẻ

Với 326 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch ở mức độ 3, tăng 252 đơn vị so với tuần trước, đồng nghĩa với việc phần lớn trường học ở Hà Nội sẽ phải đóng cửa, học sinh quay trở lại với hình thức học trực tuyến.

Số học sinh được đến trường giảm mạnh từ 7/3

Cuối tuần qua, Sở GD&ĐT Hà Nội có thông báo gửi các trưởng phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn, hướng dẫn việc cho học sinh (HS) đến trường từ 7.3. Theo đó, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ, giáo viên (GV), HS, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nếu có dịch cấp độ 3 thì cho HS tạm dừng đến trường, chuyển sang phương án dạy, học trực tuyến kể từ thứ hai, ngày 7/3. Đối với các địa bàn xã, phường, thị trấn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 thì cho HS học tập trực tiếp theo kế hoạch.

Học sinh Hà Nội lại trở về học qua 'màn ảnh nhỏ' Ảnh 1
Số học sinh Hà Nội đến trường học trực tiếp giảm mạnh

Theo đánh giá cấp độ dịch mới nhất của Hà Nội, hiện địa bàn có 326 xã, phường, thị trấn có cấp độ dịch mức 3, con số này cũng chiếm phần lớn so với địa bàn cấp độ dịch ở mức 1, 2. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm trường học sẽ đóng cửa từ 7/3. Cùng với toàn bộ HS từ lớp 1 đến lớp 6 trên toàn TP chưa được đến trường, nay thêm HS từ lớp 7 đến lớp 12 ở các trường đóng trên địa bàn có cấp độ dịch ở mức 3, phần lớn HS Hà Nội phải quay về tiếp tục học theo hình thức kém hiệu quả hơn là trực tuyến.

Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chủ động, linh hoạt

Dù kiên định với chủ trương mở cửa trường nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, mới đây Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi các sở GD&ĐT, đề nghị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp; rà soát, củng cố điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng, chống dịch trong nhà trường nhằm ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh; chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện kế hoạch năm học, dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến…

Bắc Ninh cũng là địa phương có cả 8/8 huyện, thành phố, thị xã có cấp độ dịch “màu cam” nhưng tỉnh này không quy định cứng về việc cấp độ dịch ở mức nào thì học trực tuyến hay trực tiếp. Những ngày gần đây, Bắc Ninh có số ca mắc mới mỗi ngày cao thứ hai toàn quốc, chỉ đứng sau Hà Nội. Sở

GD-ĐT đề nghị các phòng chỉ đạo các trường tiểu học, THCS và trường liên cấp có HS tiểu học và THCS tiếp tục chủ động linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học. Có thể tạm dừng triển khai dạy học trực tiếp, chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến để đảm bảo hiệu quả phòng dịch. Tuy nhiên, tỉnh này cũng lưu ý có sự phân loại các đối tượng HS để có phương án dạy học phù hợp đáp ứng được yêu cầu, trong đó ưu tiên HS cuối cấp như lớp 9, lớp 12 được học trực tiếp để chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.

Đóng cửa trường khi F0 quá nhiều

Một số trường dù ở địa bàn có cấp độ dịch không căng thẳng hơn nhưng vẫn phải đóng cửa khi số HS, GV là F0, F1 quá nhiều.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho hay: căn cứ theo cấp độ dịch để đóng - mở cửa trường nên trường có hai cơ sở thì cơ sở 1 ở Mỹ Đình phải chuyển sang học trực tuyến do P.Mỹ Đình có cấp độ dịch ở mức 3; cơ sở 2 ở P.Phú La (Hà Đông) vẫn học trực tiếp.

Ngoài quy định cứng của UBND TP và Sở GD&ĐT Hà Nội, theo ông Khang, nhà trường cũng đặt ra các quy định về các tình huống ở từng lớp, cụ thể: nếu số HS đến trường bằng hoặc lớn hơn 50% thì lớp học trực tiếp; ngược lại, con số này dưới 50% thì lớp chuyển sang học trực tuyến. Với GV bị F0, F1 (cách ly ở nhà) cũng có tới 3 phương án xử trí, một là bố trí GV cùng môn dạy trực tuyến thay thế; hai là GV khác môn dạy trực tuyến thay thế; phương án 3 (đặt ra nhưng hạn chế thực hiện) là bị F0, F1 nếu không có triệu chứng, ở nhà dạy trực tuyến, HS khi đó có thể học trực tiếp hoặc trực tuyến. “Nhà trường linh hoạt xử lý tình huống trên tinh thần chọn phương án tối ưu vừa đảm bảo chống dịch vừa duy trì dạy và học tốt nhất có thể”, ông Khang cho hay.

Tại Trường Lômônôxốp (Hà Nội), Hiệu trưởng Nguyễn Quang Tùng cho biết: “Sau 3 tuần học trực tiếp, nhà trường có hơn 700 HS là F0. Trường có gần 40 GV là F0 (trên tổng số 108 GV) nên không đủ người dạy học trực tiếp và phải chuyển sang dạy học trực tuyến từ đầu tháng 3”.

Để bảo đảm chất lượng dạy học tốt nhất trong bối cảnh này, theo ông Tùng, về chuyên môn, ngoài tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT, các tổ chuyên môn của trường chọn lọc kỹ và sắp xếp các mô đun học tập hợp lý, gọn nhẹ để HS dễ tiếp thu với thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, nhà trường hỗ trợ HS khối 12 tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế IELTS, thi thử tại trường...

Đại diện Phòng GD&ĐT Long Biên cho hay trước khi nâng cấp độ dịch, trên địa bàn quận có 17/24 trường THCS triển khai dạy học trực tiếp cho HS lớp 7, 8, 9; tuy nhiên tỷ lệ HS đến trường học trực tiếp chỉ đạt 45,82%. Trong số các HS không tham gia học trực tiếp có 2.169 là F0; 3.564 là F1; 1.040 HS vắng mặt với lý do khác, đặc biệt nhiều HS tiếp xúc gần với F0 nên cha mẹ có tâm lý e ngại và cho con học trực tuyến. Từ ngày 7.3 sẽ có một loạt trường chuyển dạy trực tuyến hoàn toàn do đang ở vùng dịch cấp độ 3. Hiện 100% trường trên địa bàn quận đều có GV là F0, F1; tuy nhiên việc dạy học vẫn được tiến hành ở các trường đóng trên địa bàn cấp độ dịch 1,2. GV F0, F1 đủ sức khỏe sẽ dạy học trực tuyến tại nhà.

TP.HCM: Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện sẽ quyết định hình thức hoạt động trường học

Theo công bố ngày 3.3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM thì thành phố có 13 xã, phường ở vùng cam gồm: P.3 (Q.5); phường 5, 7, 11, 12 (Q.10); P.11 (Q.11); xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh); xã Bà Điểm (H.Hóc Môn); phường Tam Phú, Tăng Nhơn Phú B, An Phú, An Lợi Đông (TP.Thủ Đức).

Ở những địa phương này, HS có tiếp tục đến trường? Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trước đó Sở xây dựng kế hoạch trường học hoạt động theo cấp độ dịch của cấp quận, huyện (hoặc cấp thành phố) để đánh giá mức độ an toàn trên địa bàn rộng. Còn hiện nay, việc hoạt động của các cơ sở giáo dục đang tuân theo tiêu chí của Bộ Y tế, việc đánh giá mức độ an toàn trong phạm vi hẹp hơn là ở cấp phường.

Về bản chất, theo ông Dũng, những quy định này giống nhau nhưng TP.HCM cũng đã giao quyền chủ động cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp quận, huyện và của các trường quyết định việc tổ chức dạy học. Nếu có 2 ca bệnh trong một lớp thì trường sẽ quyết định hình thức học của lớp đó. Còn nếu trường có từ 2 lớp trở lên có yếu tố dịch tễ phức tạp, có nguy cơ cao thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận, huyện sẽ quyết định hình thức học trực tiếp hay trực tuyến của trường đó dựa trên đánh giá tình hình thực tế.

“Như vậy, dựa trên cấp độ dịch của phường, xã thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các quận, huyện sẽ xem xét, đánh giá lại tình hình thực tế của các trường ở những địa phương này để đưa ra quyết định cho từng trường”, ông Dũng phân tích.

Chia sẻ

Theo

Thanh Niên

Nguồn bài viết

Tin mới nhất