Vụ bất ngờ phát hiện bị nhiễm HIV ở Phú Thọ: Cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân

Định Nguyễn
Chia sẻ

Trước sự việc một số người dân bất ngờ phát hiện mình bị nhiễm HIV ở Phú Thọ, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, đây là vụ việc rất phức tạp, gây hoang mang lo lắng nên cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các Cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự việc.

Mới đây, sự việc người dân tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị nhiễm HIV khiến dư luận vô cùng xôn xao. Dù chưa rõ thực hư ra sao nhưng hết người này truyền tai người khác khiến làng quê vốn yên bình bỗng chốc bị xáo trộn.

Theo ghi nhận, tại xã Kim Thượng đã có 2 người nhiễm HIV còn sống là chị Trần Thị T. (46 tuổi) ở xóm Chiềng 2, xã Kim Thượng và bà Hà Thị G. (59 tuổi, ở xóm Chiềng 3, Kim Thượng). Hai người bị nhiễm HIV đã tử vong là ông Hà Văn N. (56 tuổi) và một cháu gái mới tử vong cách đây khoảng 2 tháng.

Chị T., một trong số người dân bị nhiễm HIV đang điều trị tại nhà.

Trước đó, cách đây hơn 1 tháng, nhiều người lo ngại khi một bệnh nhân trú tại khu Chiềng 3, xã Tân Sơn bất ngờ bị phát hiện nhiễm HIV. Đây là một bệnh nhân đã trung tuổi, quanh năm quanh quẩn ở nhà và chưa từng đi đâu xa. Người này cho biết trước đó chưa từng đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà bác sĩ Th. (đang làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Tân Sơn).

Người dân nghi ngờ có thể bác sĩ Th. đã sử dụng bơm kim tiêm dành cho người nhiễm HIV sau đó không thay mà dùng tiếp để tiêm cho nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ kết quả xét nghiệm của những người khác.

Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, Điều 38 Hiến pháp 2013 qui định: “Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh”.

Chị T. chưa từng đến cơ sở y tế nào để thăm khám mà chỉ tiêm và điều trị tại nhà bác sĩ Th.

“Ở nước ta, tính mạng và sức khỏe con người luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Mọi hoạt động về khám chữa bệnh đều ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người khác. Trên cơ sở đó, Nhà nước đã ban hành rất nhiều các văn bản qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám chữa bệnh, dịch vụ y tế… Bộ luật hình sự cũng đã qui định rõ hành vi vi phạm các qui định về khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, các dịch vụ y tế mà gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe công dân sẽ bị xử bằng pháp luật hình sự”, luật sư Thơm nói.

Trước phản ánh của một số người dân, khi đến nhà riêng của bác sĩ Th. khám và tiêm thuốc. Bác sĩ Th. đã sử dụng bơm kim tiêm dành cho người nhiễm HIV không thay mà dùng tiếp để tiêm cho nhiều bệnh nhân làm cho nhiều người dân mắc bệnh HIV. Luật sư Thơm cho rằng, đây là vụ việc rất phức tạp, gây hoang mang lo lắng cho người dân nên cần có sự vào cuộc nhanh chóng của các Cơ quan chức năng.

“Để có căn cứ xác định bệnh nhân bị lây nhiễm HIV từ phòng khám của bác sĩ Th. thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của bác sĩ Th. tại nhà. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật. Nếu qua đánh giá chuyên môn, xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Hội đồng chuyên môn sẽ chuyển vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo luật định”, luật sư Thơm nói.

Nhiều người dân hoang mang lo lắng sau khi nghe tin.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng, để có căn cứ chứng minh bác sĩ Th. trong quá trình tiêm đã làm lây nhiễm HIV cho những người khác thì cần thiết phải xác định các dụng cụ y tế mà bác sĩ Th. sử dụng có Virus HIV mà bác sĩ đã không thay mới, tiếp tục sử dụng lại. Bác sĩ Th. đã vi phạm quy định “Phòng khám không phép” theo Điều 42 Luật Khám bệnh, chữa bệnh về điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Nếu có căn cứ xác định bác sĩ Th. vô ý do cẩu thả đã không thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh là nguyên nhân khiến nhiều người bị lây nhiễm bệnh HIV thì bác sĩ này có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về khám bệnh chữa bệnh. Tội phạm và hình phạt được quy dịnh tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh là loại tội phạm có cấu thành vật chất nên cần phải có hậu quả do hành vi bác sĩ gây ra cho các nạn nhân. Hậu quả tổn hại về sức khỏe là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

Trường hợp các nạn nhân bị lây nhiễm HIV cần phải giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe để làm căn cứ xử lý đối tượng theo luật định. Đối tượng gây lây nhiễm bệnh cho nhiều người với tỷ lệ tổn hại sức khỏe càng cao sẽ phải chịu chịu hình phạt càng lớn theo định khung tăng nặng tương ứng của điều luật.

Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Chia sẻ

Bài viết

Định Nguyễn

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất