Sắc màu Cuộc Sống

VĐV khuyết tật, tiền thưởng cũng… khuyết thật!

Theo Dân Việt
Chia sẻ

VĐV khuyết tật giành HCV ở Paralympic chỉ nhận được tiền thưởng bằng 50% số tiền thưởng mà VĐV bình thường được nhận. Từ chuyện đó, nhìn rộng ra bên ngoài cuộc sống thường ngày chúng ta thấy người khuyết tật còn chịu nhiều thiệt thòi.

Đã khuyết tật còn thiệt thòi

 Khi lực sĩ Lê Văn Công giành HCV Paralympic đầu tiên trong lịch sử cho thể thao người khuyết tật Việt Nam, nhiều người mới biết được số tiền thưởng mà một VĐV đoạt HCV được nhận. Cũng từ đây dư luận nhận ra sự chênh lệch quá lớn về mức thưởng theo quy định dành cho HCV thể thao tầm cỡ Quốc tế với VĐV bình thường và VĐV là người khuyết tật. Trong đó, VĐV khuyết tật nhận tiền thưởng chỉ bằng một nửa VĐV bình thường theo quy định.

Cụ thể lực sỹ Lê Văn Công chỉ nhận được 80 triệu đồng so với mức thưởng 160 triệu đồng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh khi dành HCV Olympic.

Lực sĩ Lê Văn Công giành HCV Paralympic nhưng mức thưởng chỉ bằng 50% VĐV bình thường. Ảnh: Châu Anh.

Lực sĩ Lê Văn Công giành HCV Paralympic nhưng mức thưởng chỉ bằng 50% VĐV bình thường. Ảnh: Châu Anh.

Những năm gần đây, quan điểm về thể thao khuyết tật đã thay đổi nhiều. Các VĐV khuyết tật đã chứng minh được sự vươn lên và sức mạnh tuyệt vời khi giành thành tích ở các giải thể thao khuyết tật ở châu lục, thế giới. Việc lực sĩ Lê Văn Công lần đầu tiên giành tấm HCV và phá kỷ lục ở Paralympic đã khiến nhiều người phải nhìn nhận lại quan điểm về thể thao dành cho người khuyết tật. Cần có một chính sách để động viên, khích lệ, thậm chí là tiếp sức cho người khuyết tật trong cuộc sống và thi đấu.

Trước đó, ít ai biết lực sĩ Lê Văn Công đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để có vinh quang. Hiện tại, vợ chồng anh Lê Văn Công sống ở xã Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa (Long An). Chị Chu Thị Tám, vợ anh thổ lộ ước mơ: “Vợ chồng gom góp để mua một miếng đất ở TP HCM rồi cất căn nhà, chấm dứt cảnh ở trọ, phần nào để anh Công tiện đi lại, vì mỗi lần đến giải, chạy đi chạy về thấy thương lắm!”. Chị Tám không nhắc đến chuyện thưởng hay tiền bạc gì khi chồng đạt đỉnh vinh quang. Chị Tám nói: “Thành tích này là của đất nước, niềm vui chung của mọi người, trong đó có gia đình tôi. Hãy cứ vui đi đã, rồi khi nào anh Công về sẽ tính”.

Cho dù vợ lực sĩ Lê Văn Công không đề cập đến chuyện tiền thưởng nhiều hay ít, nhưng trên thực tế ai cũng thấy mức chênh lệch về thưởng đối với VĐV khuyết tật và VĐV bình thường là thiếu công bằng. Sự thiếu công bằng đó đã tồn tại nhiều năm qua cho đến nay. Từ lâu, Hiệp hội Paralympic VN đã không ít lần bày tỏ ý kiến “đòi” quyền lợi cho VĐV khuyết tật phải bằng VĐV bình thường. Thế nhưng tiếng nói của Hiệp hội Paralympic VN chưa thể làm thay đổi quan niệm về thể thao người khuyết tật.

Vẫn bị “bỏ quên”

Từ việc thiếu công bằng trong việc chi tiền thưởng trong thi đấu thể thao cho VĐV khuyết tật, nhìn rộng ra, hiện nay rất nhiều các công trình công cộng thiếu hạng mục hỗ trợ người khuyết tật đang là rào cản hòa nhập cộng đồng.

Trên thực tế, Bộ Xây dựng có Thông tư 21/2014/TT-BXD, ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về “Xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng”. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.

Theo đó, yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi xây dựng mới hoặc cải tạo các công trình xây dựng để đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Bãi đỗ xe, nhà chờ xe buýt, trên 5 đến 50 chỗ đỗ xe phải có 1 chỗ đỗ xe cho người khuyết tật; trên 300 chỗ đỗ xe phải có 5 chỗ và tăng 1 chỗ cho mỗi lần thêm 100 xe; các công trình công cộng, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ… phải có đường vào cho người khuyết tật. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế về quy định trên, người khuyết tật vẫn bị… bỏ quên.

Nhiều công trình công cộng, giao thông, khu đô thị, trụ sở làm việc trên địa bàn TP Hà Nội, rất hiếm có công trình dành cho NKT sử dụng. Nhiều chung cư mới xây trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông hầu như đường dẫn lên sảnh tầng 1 đều không có đường dốc dành cho xe lăn. Nhiều trạm xe bus, hay trạm trung chuyển xe bus cũng không có đường dành cho xe lăn…

Chưa kể, một số tuyến đường dành cho người khiếm thị bị thi công sai kỹ thuật. Theo quy định gạch lát phải là gạch có gờ nổi, được lát dọc theo hướng người đi, đến chỗ chuyển hướng phải có nút tròn báo chuyển hướng. Khi chuyển hướng cho người đi sang đường phải được dẫn trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường… Nhưng thực tế, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, nhiều đường đã đâm thẳng vào hộp kỹ thuật điện, hoặc chỗ đậu xe ô tô.

Ông Trần Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội NKT quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi và nhiều đồng nghiệp đã đi khảo sát nhiều công trình công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, việc xây dựng để tạo thuận lợi cho NKT vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Tại các chợ, siêu thị, nhà thi đấu, nhà ga… NKT rất khó tiếp cận với các công trình này. Nhà nước nên có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về xây dựng công trình tiếp cận NKT của các chủ đầu tư”.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hội NKT quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng khẳng định mấy năm trước hội cũng đã có khảo sát nhưng đa số các công trình công cộng thiếu hạng mục hỗ trợ người khuyết tật. “Chúng tôi đã nhiều năm, nhiều lần khiến nghị nhưng tình hình thực tế vẫn chưa có gì khả quan hơn. Đường xe bus thì nhấp nhô, các chung cư, trụ sở làm việc của nhà nước… hầu như không có đường cho xe lăn. Năm nào cũng có chuyên đề đạt vấn đề này, nhưng ít nơi làm, nhiều nơi chưa làm”.

“Đối với những người khiếm thị, là những người có khả năng vận động, đi lại thì vẫn chưa được quan tâm. Thời gian gần đây, tại một số công trình công cộng, tuyến đường mới… được đầu tư đã quan tâm, thiết kế xây dựng đường dành cho người khiếm thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng sự cẩu thả trong thi công đã làm mất chức năng của đường này”, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ xây dựng) thừa nhận.

Trên thực tế, phần lớn việc triển khai xây dựng công trình dành cho NKT còn ít là do nhận thức của các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế. Hầu hết, vẫn có thói quen thiết kế theo kinh nghiệm, không quan tâm các quy chuẩn, tiêu chuẩn… Nhưng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự bất cập trên vẫn là do thiếu sự sát sao của một số cấp chính quyền.

Cuối năm, đề xuất nâng tiền thưởng cho VĐV khuyết tật

Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết ngành thể thao đã nghĩ đến việc nâng số tiền thưởng bằng nhau giữa VĐV khuyết tật và VĐV bình thường và đang làm dự thảo sửa đổi Quyết định 32/2011 để Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2016. Trong lần sửa đổi này, ông Thắng cho biết ngành thể thao sẽ đề xuất Chính phủ nâng tiền thưởng cho VĐV khuyết tật lên bằng VĐV bình thường.

Chia sẻ

Bài viết

Theo Dân Việt

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất