Sắc màu Cuộc Sống

Thương lắm, đám giỗ miền Tây!

Khải Anh
Chia sẻ

Dạt dào như những con sông, tình cảm và sự hiếu khách của người miền Tây sẽ khiến bạn mãi không quên. Thử đi đám giỗ miền Tây đi, bạn sẽ cảm nhận được rất rõ đấy!

Hào sảng, phóng khoáng, nhiệt thành... Đó là những gì chúng tôi nhớ về miền Tây. "Lỡ" ghé nhà người miền Tây chơi, thế nào bạn cũng được dấm dúi mớ quà quê mang về. "Lạc" vào vườn trái cây miền Tây, thế nào bạn cũng được mời ăn vài thức quà ngọt lịm...

Cứ như thế, miền Tây sông nước đã để lại trong lòng chúng tôi những ký ức đậm sâu. Để người đến và người đi luôn có những thứ tình cảm lạ kì, đặc biệt. Và, nếu bạn được tham gia vào một đám giỗ miền Tây, bạn sẽ cảm nhận được bầu không khí chộn rộn háo hức, thấy được đầy đủ nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước này.

Tình làng và nghĩa xóm

Đối với nhiều người miền Tây, đám giỗ bắt đầu bằng những âm thanh quen thuộc. Tiếng dì Ba lạch cạch soạn chén dĩa để lau chùi, tiếng ông tư bắt bầy gà sau vườn chuẩn bị "mần" nấu cà ri.

Bạn Đỗ Tình (sinh năm 1992), quê An Giang cho biết: "Với mình, giỗ miền tây đặc biệt ở chỗ tình làng nghĩa xóm, ở không khí xum họp của những ngừoi thân xa quê được trở về. 

Trước ngày đám giỗ là hàng xóm với bà con sẽ lại nhà phụ làm bánh, chuẩn bị sẵn nguyên liệu để hôm sau nấu ăn. Nhà mà thiếu chén dĩa bàn ghế thì sẽ mượn xung quanh, nhà này mượn nhà kia, mượn qua mượn lại chứ rất ít đi mướn. Đám cũng không cần mướn thợ nấu vì mấy cô mấy dì mỗi ngừoi một tay, một món là đầy đủ luôn".

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 1

Đám giỗ miền Tây đặc biệt bởi sự gắn kết gia đình, bởi tình làng nghĩa xóm. Gia đình "chủ xị" sẽ đi mời hàng xóm, còn con cháu gần xa thì nhớ ngày và sẽ tự về. 

Trước ngày giỗ, mọi người sẽ tụ họp lại để chuẩn bị và bắt đầu bàn bạc. Ngày mai nấu gì, nấu bao nhiêu mâm, mua bao nhiêu đồ… Đàn ông thì mần thịt heo, mần gà, mần vịt, đi mượn bàn ghế của hàng xóm. 

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 2

Phụ nữ với con gái thì rửa chén, rửa tô, lau chùi nhà cửa, đổ bánh kẹp hoặc làm bánh tét, tụi con nít xíu rít tụm lại chơi đùa. Tối đó thì khi chuẩn bị xong thì các chú bác sẽ nhậu "sương sương". 

Háo hức nhất vẫn là bọn trẻ con. Đứa được mẹ giao trông chừng nồi thịt, đứa phụ lau lá chuối, đứa chạy quanh chân ba, phụ bắt gà. Cái không khí haó hức, chộn rộn trước đám giỗ bao giờ cũng khiến bọn trẻ con mê tít.

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 3

Đám giỗ thì thường sẽ có thịt kho hột vịt, khổ qua dồn thịt, dưa chua, cù lao, bánh tét,… và những món ông bà thích lúc còn sống. Nhưng cũng trên mâm cỗ đó, "thế giới" khiến bọn trẻ con mê tít cũng sẽ được mở ra. Mớ bánh ít núng nính, rau câu giòn ngọt, nào xôi vò vàng ươm... 

Hoài niệm kí ức xưa

Bạn Minh Thư (quê Vĩnh Long) cho biết: "Nếu ngày đám ma là lúc đau buồn, khóc lóc vì phải chia xa người thân, thì đám giỗ với mình được xem là một ngày hoài niệm, để mọi người sum họp cùng nhau, hỏi thăm sức khoẻ, công việc của nhau hay kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện lúc xưa, những kỷ niệm cùng người đã mất để con cháu hiểu rõ hơn về ông bà của mình".

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 4

Như ngày trước, gia đình đã có người bà ngồi móm mém nhai trầu, thương con cháu hết mực. Như hàng chục năm trước, ngôi nhà từng có người ông cần mẫn chùi lư đồng, rất khó tính nhưng cũng đầy vị tha. Đám giỗ là ngày để hoài niệm, để người ta có dịp nhớ đến người đã khuất.

Đặc biệt, đám giỗ miền tây có phần hát hò với nhau. Giọng hát của người miền tây cũng khoẻ khoắn và hào sản như cách họ đón tiếp khách.

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 5

Bạn Đỗ Tình cho biết: "Nhờ đám giỗ ở nhà, mình hiểu và thương cha mẹ nhiều hơn. Khi nghe được những câu chuyện về tuổi thơ của cha mẹ, các cô bác, mình biết được họ đã cực khổ như thế nào từ lúc nhỏ.

Như bà ngoại mất sớm, mẹ mình phải cùng ông ngọai đi làm nuôi các dì. Ông nội mình cũng mất khi mình chưa ra đời, cha cũng làm lụng khó khăn, đốn củi khai phá. Nếu không có đám giỗ, những câu chuyện quá khứ đó chị em mình sẽ không được nghe.

Thương lắm, đám giỗ miền Tây! Ảnh 6

Những câu chuyện về sở thích của người đã khuất, những lời răn dạy của ông bà về cách làm đám giỗ như thế nào, cúng kiến ra sao. Lúc nhỏ mình ghét đám giỗ lắm, tại mỗi lần nhà có giỗ là mình toàn bị sai vặt, chạy đi mượn đồ, mua đồ. Tí thì Tình ơi, lấy cái dĩa, Tình ơi lấy đá cho bác 6 mới lại nhe con. Tình ơi, mượn cái bàn chưa? Tình ơi, Tình ơi... đủ thứ để làm. Tuy nhiên hiện tại mình lại rất thích những điều đó. Bởi nó là tình cảm, là kỉ niệm, là sự hiếu khách của người miền Tây".

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất