Nhà thơ Phong Việt : 'Tôi học cách sống với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui…'

Không phải Phong Việt không muốn viết vui, nhưng những lần cố gắng thử thì đều nhận ra: đó không phải là mình, không phải là Nguyễn Phong Việt. Với Phong Việt, có lẽ cuộc đời cho anh nỗi buồn nhiều hơn một chút, nên anh đã học cách chấp nhận nó, vui với nó và sống cùng nó…

Bài viết Huy Hậu
Chia sẻ
Nhà thơ Phong Việt : 'Tôi học cách sống với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui…'

- Chào Phong Việt, từng tốt nghiệp chuyên ngành không hề liên quan đến văn thơ và có hơn 10 năm dấn thân vào nghề báo,… cái duyên thơ đã đến với anh như thế nào?

Duyên thơ đến với tôi từ những năm cuối cấp 2 (khoảng 1993-1994). Năm đó, khi đọc những bài thơ về tuổi học trò trên báo Mực Tím, Áo Trắng… tôi cứ nghĩ trong đầu là đề tài như vậy thật ra ngày nào mình cũng gặp trên sân trường, thế thì tại sao lại không thử viết.

Tôi chọn thơ mà không phải là thể loại khác, đơn giản là tôi thấy nó viết nhanh hơn, ngắn hơn, rất ít chữ. Tôi viết vì vào thời điểm đó, tôi còn có chút máu liều của một cậu học trò nhỏ nữa. Rồi sau này khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư Hệ thống thông tin của trường Huflit, tôi lại bỏ ngang để đi làm báo.

Sự đẩy đưa của con chữ trong suốt nhiều năm làm báo đã dần hình thành nên một câu chuyện thơ rõ ràng và đầy đủ hơn.

- Được mệnh danh là nhà thơ best-seller, anh nghĩ như thế nào về biệt danh này?

Danh xưng ấy có cả sự ưu ái của độc giả lẫn sự may mắn! Như câu chuyện của tập thơ đầu tiên (Đi qua thương nhớ) phát hành mùa Giáng sinh 2012, đến giờ tập thơ ấy bán ra cũng khoảng 80 ngàn bản. Và tôi tin, 10 năm nữa nó vẫn sẽ được nhiều người mua và đọc nó.

Danh xưng là một sự trân trọng mà cả truyền thông và độc giả dành cho mình. Nhưng tôi nghĩ, thứ duy nhất đọng lại trong lòng độc giả vẫn là giá trị của tác phẩm. Có thể rất nhiều người viết khác đã có số đầu sách hơn tôi, nhưng 7 tập thơ trong suốt 7 mùa Giáng Sinh qua (không tính tập thơ thiếu nhi Xin chào những buổi sáng) với tôi là một hành trình không hề đơn giản.

Tôi học cách sống với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui…

Nhà thơ Phong Việt : 'Tôi học cách sống với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui…'

- Phong Việt thường viết thơ trong hoàn cảnh nào?

Thật ra, tôi có cách viết hơi lạ lùng xíu. Là bất cứ khi nào ý tưởng nảy ra thì tôi đều ghi chú lại bằng điện thoại, thường thì 2 câu đầu của bài thơ xuất hiện đầu tiên. Tôi cứ ghi chú lại như thế, rất nhiều, và lưu trữ chúng trong một file trên laptop. Xen kẽ những ngày công việc nhiều hay stress, tôi sẽ chọn một gợi ý nào đó trong file và bắt đầu với nó như một cảm xúc có sẵn.

Tôi là người viết rất chậm và ít. 60 bài thơ, trong một tập thơ, trong một năm, với tôi không hề là đơn giản. Vậy nên, sau khi hoàn thành một bài thơ nào đó, tôi cũng có cảm giác giống như trút được một gánh nặng trong lòng vậy.

- Mỗi tập thơ của Việt là những lời đúc kết, chiêm nghiệm cuộc sống với dòng cảm xúc man mác buồn… Chẳng lẽ cuộc đời Phong Việt lại buồn đến vậy sao?

Tôi nghĩ cuộc đời tôi cũng có những giai đoạn tuyệt vọng và cân bằng. Tuy nhiên, ở góc nhìn người viết, tôi lại hay quay đầu nhìn về phía nỗi buồn nhiều hơn.

Không phải tôi không muốn viết về niềm vui, nhưng những lần cố gắng thử thì đều nhận ra đó không phải là mình, không phải Nguyễn Phong Việt. Đôi khi cuộc đời cho bạn một thứ này và lấy đi của bạn một thứ khác. Với tôi, tôi được cho nỗi buồn nhiều hơn niềm vui một chút, nên tôi đã học cách chấp nhận nó, vui vì mình có được cảm xúc ấy, còn hơn là một người vô cảm.

- Anh nghĩ như thế nào nếu có người bảo: Thơ Phong Việt đang bị lặp lại chính mình, ở đó chỉ có những nỗi buồn đau, bi luỵ?

Mỗi người viết có một thế mạnh riêng… Giọng thơ và nhịp điệu thơ của tôi đến từ trong vô thức, tôi không cố gắng tạo ra nó nên cũng không cố gắng làm cho nó khác đi. Nhưng tôi tin là mình luôn kể một câu chuyện với một thông điệp khác dù cách dùng từ ngữ không hề mới mẻ.

- Qua 7 năm với 7 tập thơ (từ Đi qua thương nhớ đến giờ là Chỉ cần tin mình là duy nhất), Phong Việt đã có sự thay đổi thế nào?

Sự thay đổi mới nhất của tôi trong “Chỉ cần tin mình là duy nhất” so với 6 tập thơ trước, đó là thay vì chọn cách mang câu chuyện từ bên trong mình đưa ra thế giới bên ngoài, tôi chọn mang câu chuyện quay trở lại bên trong của con người mình. Tức là nhìn ngắm nó từ bên trong, trò chuyện với nó, thấu hiểu nó và bao dung với nó.

Những câu chuyện đau đớn hay yêu thương cũng là phần không thể thiếu trong đời sống con người. Lần này tôi chọn cách tựa vào bản thân để bước đi. Tôi tin rất nhiều người đọc, khi đọc xong “Chỉ cần tin mình là duy nhất” cũng sẽ chọn cách tựa vào chính họ.

- Trong Chỉ cần tin mình là duy nhất, Phong Việt muốn gửi gắm thông điệp gì đến người đọc?

Những đau khổ trong cuộc đời con người phần lớn đều là vì kỳ vọng mà người khác dành cho mình. Đến khi không có được những điều ấy hoặc đạt được với mong muốn ít hơn trong thực tế, họ sẽ mất niềm tin. Tôi cũng từng như thế và chắc rằng nhiều người quanh đây cũng như thế.

Cho đến một ngày, khi đi qua những biến cố cần thiết để thúc đẩy nhận thức bản thân đến một giới hạn, tôi nghĩ mình chỉ cần dành trọn vẹn kỳ vọng cho chính mình. Tôi sẽ chọn yêu thương mình trước khi yêu thương người khác, chọn nhận lỗi về mình trước khi hằn học với người khác, và tôi chọn vì mình mà sống trong cuộc đời này. Đó là thông điệp chính mà tôi muốn hướng đến trong tập thơ này.

Nhà thơ Phong Việt : 'Tôi học cách sống với nỗi buồn nhiều hơn niềm vui…'

- Vài năm gần đây, văn học Việt Nam bắt đầu nở rộ như “nấm sau mưa”, mỗi ngày với hàng loạt thể loại, tác phẩm tác giả trẻ,… và bị mọi người đánh giá là văn học thị trường. Anh nghĩ sao về hiện tượng này? 

Tôi thấy đó là điều hết sức bình thường. Thị trường có quy luật vận hành riêng của nó, văn học hay những loại sản phẩm khác đều như thế. Muốn thúc đẩy các tác phẩm trở nên hay ho và hấp dẫn hơn thì trước tiên phải cần nhiều người viết đã. Rồi chính thời gian và nhận thức của cả người viết lẫn người đọc sẽ sàng lọc lại mọi thứ.

- Làm cách nào để Phong Việt vẫn khẳng định mình trên thị trường văn học nhiều tên tuổi, thể loại tràn lan như vậy?

Tôi không có bí quyết gì cả. Điều đơn giản nhất mà tôi làm là chân thành với trang viết của mình.

Tôi không phải là một tài năng gì ghê gớm để chọn được độc giả cho mình mà là độc giả chọn tôi. Có những người đã từng đọc Nguyễn Phong Việt trong quá khứ nhưng giờ họ không còn thấy điều gì thú vị nữa, nhưng cũng có những người đọc mới tìm đến tôi như một người bạn vừa quen biết nhau. Tôi biết mình không đủ khả năng để làm hài lòng tất cả mọi người, nên tôi chỉ có cách làm hài lòng những người vẫn xem trang viết của tôi có chút giá trị nào đó với họ.

- Phong Việt nghĩ gì về văn hoá đọc của người giới trẻ hiện nay, khi thống kê rằng mỗi người chỉ đọc sách 0,5 cuốn/năm?

Có những thứ chúng ta không thể cưỡng cầu lại được sự phát triển của văn hoá giải trí. Nhưng tôi luôn tin rằng văn hoá đọc sẽ không bao giờ mất đi. Tuy nhiên, có những thời điểm mà nó sẽ lên cao và những thời điểm sẽ xuống thấp.

Đọc sách cần một sự định hướng giáo dục từ bé, để làm được điều này cần sự phối hợp của cả nhà trường và gia đình. Vì vậy, việc tỷ lệ người Việt Nam đang đọc sách rất ít cơ bản là nằm trong hai lý do này.

- Anh có đặt kỳ vọng gì vào “Chỉ cần tin mình là duy nhất” không?

Tôi kỳ vọng đơn giản thôi! Là những ai đó đã từng đọc Nguyễn Phong Việt dù cách đây hơn 10 năm hay chỉ mới đây, khi đọc “Chỉ cần tin mình là duy nhất” họ không thấy thất vọng vì một Nguyễn Phong Việt đã từng biết qua trang viết!

Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện thú vị này.

Ảnh: Facebook nhân vật.

Bài viết

Huy Hậu

Chia sẻ