Sắc màu Cuộc Sống

Giáo viên mầm non trước thềm 20/11: Không quà không hoa, vẫn miệt mài livestream bán hàng

Hạ Anh
Chia sẻ

'Mấy lần mẹ gọi điện hỏi mình có ổn không, mình rất muốn khóc nhưng đều phải kiềm lại. Dịch bệnh này ai cũng khó khăn, chỉ biết học cách chấp nhận' chị Bích Giang nói.

"Mất hết thu nhập, mình phải tìm nghề khác để sống"

"Mình, chiều lấy về giúp em 2 lô áo nhé, em dặn chị H. rồi", Giang nói qua điện thoại với chồng. Theo nghề giáo viên mầm non tại một trường tư thục đã 4 năm, chưa bao giờ Giang nghĩ có ngày mình lại bán hàng online. 

"Dịch mà, nỗi khổ chung đâu của riêng ai, mình phải chấp nhận thôi", Giang nói với PV qua điện thoại. Mỗi ngày, cô sẽ livestream vào lúc 7-8 giờ tối để bán hàng. Từ khi dịch bệnh bùng phát, trường học đóng cửa, Giang mất hoàn toàn nguồn thu nhập. 

Chồng cô cũng chỉ đỡ đần được phần nào chi phí để lo cho gia đình. Tiền điện, tiền nước, tiền gas, tiền trọ... Giang phải đứng dậy đi làm để cáng đáng. Giang nói: "Lúc trước, mình chọn nghề giáo viên vì công việc này có tính ổn định. Ai mà ngờ đâu có ngày dịch bệnh bùng phát, trường học lại đóng cửa. Mình lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Giáo viên mầm non trước thềm 20/11: Không quà không hoa, vẫn miệt mài livestream bán hàng Ảnh 1
Ảnh minh họa

Mấy lần mẹ gọi điện hỏi mình có ổn không, mình rất muốn khóc nhưng đều phải kiềm lại. Dịch bệnh này ai cũng khó khăn, chỉ biết học cách chấp nhận. Ban đầu, mình cũng ngại lắm. Mình chưa bao giờ làm công việc nào khác ngoài đi dạy. Rồi một hôm, mình nằm vắt tay lên trán và nghĩ: Không lẽ cứ thế này hoài?

Mình bắt đầu tìm nguồn hàng, hỏi người quen cách livestream, giao hàng. Mấy ngày đầu tiên, người ta thấy cô giáo bán hàng livestream, họ ngạc nhiên lắm, hỏi sao mình phải làm vậy. 

Nhưng giờ mình đã quen, mình không quan tâm đến lời ra tiếng vào, chỉ cần con mình có sữa uống. Vậy thôi".

Mọi năm, 20/11 của Giang luôn ngập tràn hoa, quà và niềm vui. Giang cho biết cô chọn nghề giáo viên vì yêu con trẻ. Cô thích nhìn ánh mắt lấp lánh niềm vui của bọn trẻ khi được hát theo bài hát yêu thích, được vỗ về chúng chìm vào giấc ngủ mỗi buổi trưa. 

Khi cánh cổng ngôi trường đóng im lìm, Giang nhớ nghề quay quắt. "Gần cả năm trời không đi dạy, mình nhớ bọn trẻ lắm. Mọi năm, vào ngày nhà giáo, nhìn mấy đứa nhỏ ngọng nghịu hát chúc mừng mình vui không tả nổi. Đó là cảm giác của mình từ những ngày đầu đi dạy đến hiện tại", cô nói.

"Nhớ lắm, nụ cười của tụi nhỏ"

Tầm 2 giờ chiều, cô giáo Hải Nguyên (sinh năm 1993) lại tất tả chạy ngược xuôi để chuẩn bị cho xe nước sâm trước nhà. 4 tháng dịch bệnh đã "vắt kiệt" số tiền tiết kiệm cuối cùng của cô. 

"Ban đầu, mình mở bán hàng xóm cũng xầm xì. Ơ sao cô giáo cũng bán nước sâm à. Họ nói đùa, nhưng mình thì buồn thật. Tuy nhiên, mình không còn sự lựa chọn nào khác. Mình cần thu nhập để lo cho mẹ, cho mình", Nguyên nói.

Từ khi hết giãn cách xã hội, mỗi ngày Nguyên đều đọc báo, ngóng trông ngày mở cửa lại của trường học. Đối với cô, việc rời xa bục giảng gần 4,5 tháng trời là khoảng thời gian dài đằng đẵng.

Giáo viên mầm non trước thềm 20/11: Không quà không hoa, vẫn miệt mài livestream bán hàng Ảnh 2

Trong thời gian đó, cô nhớ trường, nhớ nghề, nhớ cả nụ cười của những học sinh trong lớp. "Mọi năm, mình hay nói với bọn trẻ rằng tụi con không cần tặng quà cho cô. Mấy đứa chỉ cần biết nghe lời ông bà, cha mẹ, đến trường yêu thương bạn bè. Vậy đã là món quà quý giá nhất đối với cô rồi", Nguyên nghẹn ngào. 

Thời gian đầu, nhìn Nguyên loay hoay xoay trở xe nước sâm trước nhà, mẹ cô muốn rơi nước mắt. Thời gian Nguyên học Đại học, bà luôn động viên con gái theo đuổi nghề giáo viên mầm non. Bởi lẽ, đây là công việc có sự ổn định.

Nguyên nói: "Hôm qua, nhiều phụ huynh nhắn tin chúc mừng, mình mới giật mình thì ra đã đến 20/11. Mọi năm, không khí ở trường rộn ràng lắm, ngập tràn niềm vui lẫn tiếng cười. Các giáo viên sẽ phân công nhau quản trò, tổ chức ăn uống.

20/11 năm nay, mình vừa buồn, vừa thấy thương tụi nhỏ. Chỉ mong sau dịch bệnh chóng qua đi, mình lại có thể đến lớp đi dạy".

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, giáo dục mầm non là cấp học có tỉ lệ cơ sở giáo dục ngoài công lập (tư thục, dân lập) nhiều nhất so với các cấp học khác.

Tính đến cuối năm học 2020-2021 (tháng 5/2021), toàn quốc có 19.312 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (3.299 trường, 16.013 cơ sở độc lập) với hơn 90.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, chăm sóc, dạy dỗ cho 1,2 triệu trẻ em. Tỉ lệ trường ngoài công lập và huy động trẻ em ngoài công lập chiếm gần 22,3% tổng số trường và trẻ em mầm non.

Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập không có doanh thu trong thời gian dài do không có nguồn thu từ học phí, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả tiền lương cho nhân viên trực trường, một phần lương cho giáo viên để ổn định cuộc sống và giữ chân khi mở cửa trở lại.

Chia sẻ

Bài viết

Hạ Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất