Sắc màu Cuộc Sống

ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng lên tiếng sau đề xuất thu 'phí chia tay' 3-5 USD/người gây tranh cãi

Linh Chi (tổng hợp)
Chia sẻ

Trước đề xuất quy định thu "phí chia tay" từ 3-5 USD/người khi công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài gây tranh cãi, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng mới đây đã thông tin về vấn đề này bên hành lang Quốc hội sáng ngày 13/6.

Công dân xuất cảnh ra nước ngoài phải đóng “phí chia tay”

Sáng 12/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Theo đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) đưa ra đề xuất quy định thu “phí chia tay” khi công dân xuất cảnh ra nước ngoài vào luật. Thảo luận về dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đề cập đến nghĩa vụ của công dân ra nước ngoài, Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cũng nhấn mạnh phải dứt khoát, nói rõ trong luật là tuân thủ luật pháp nước sở tại, quy định của nhà nước Việt Nam, giữ gìn hình ảnh, bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Ông cho biết, có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này.

Đại Biểu Nguyễn Quốc Hưng đề xuất quy định thu “phí chia tay” khi công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài. Ảnh: Quochoi.vn

Lấy dẫn chứng năm 2018, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành đạo luật, theo đó, mỗi công dân ra nước ngoài phải đóng “phí chia tay” khoảng 1.000 yen/người (hơn 9 USD). Theo đó, phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án phát triển ngành “công nghiệp không khói” của Nhật Bản.

Ông Hưng thông tin, Chính phủ Nhật Bản dự kiến thu khoảng 400 triệu USD hàng năm từ việc thu phí và dùng nguồn tiền này để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh cho công dân tốt hơn,…

Từ đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đề nghị, Quốc hội suy nghĩ về việc thu “phí chia tay” khi công dân ra nước ngoài với mức khoảng 3-5 USD/người/lần.

Số tiền này sau đó sẽ được trích một phần do các cơ quan ngoại giao để có kinh phí bảo hộ công dân, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài.

Một phần khác giúp cơ quan xuất nhập cảnh đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị trích một cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch, giúp quảng bá, đẩy mạnh sự phát triển của nền du lịch nước nhà.

Tranh cãi về đề xuất thu “phí chia tay”

Trước đề xuất thu “phí chia tay” khoảng từ 3-5 USD, thông tin trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoiredtour đưa ra ý kiến: “Với những người Việt có điều kiện đi du lịch nước ngoài phải chi trả 3-5 USD không phải là vấn đề nếu họ được hưởng dịch vụ từ khoản phí đó. Vấn đề ở đây, người VN đi nước ngoài phải trả phí đầu tư quảng bá, phát triển du lịch trong nước để thu hút khách nước ngoài vào VN. Trong khi lẽ ra khoản thu này phải thu khách nước ngoài vào VN mới đúng”. Theo ông Hoan, việc này không khác gì việc “đặt BOT nhầm chỗ”.

Bên cạnh đó, ông Hoan cho rằng, lý giải việc trích cho các cơ quan ngoại giao để bảo hộ công dân, để bộ phận an ninh sân bay khi làm thủ tục xuất cảnh tươi cười, chu đáo, thân thiện hơn với công dân càng không hợp lý. Bởi lẽ trách nhiệm của cơ quan ngoại giao là bảo hộ công dân, người dân đã phải đống thuế trả lương cho bộ phận an ninh ở sân bay, trách nhiệm của họ là phục vụ người dân.

Nhiều ý kiến tranh cãi về đề xuất “phí chia tay” 3-5 USD/người. Ảnh: Thanh Niên

Theo TS. Nguyễn Thu Thủy - Khoa Du lịch, ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, các chính sách thúc đẩy du lịch phải dựa trên điều kiện phát triển, thời điểm phát triển. “Hiện tại chính sách phí chia tay hoàn toàn không phù hợp với VN. Chúng ta không phải cứ vui lên thì đề xuất”, bà Thủy nói. Tuy nhiên, theo bà Thủy, ngành du lịch có thể thu thuế lưu trú TP, đây cũng là khoản thu nhiều nơi đã thu, khách lưu trú qua đêm ở TP nào có thể đóng thuế cho TP đó, tiền thu được dùng để xúc tiến du lịch trong TP.

“Đây là khoản phí không nhiều, chỉ bằng bữa ăn sáng”

Sáng ngày 13/6, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng đã giải thích thêm về đề xuất thu “phí chia tay” 3-5 USD/người khi công dân Việt Nam xuất cảnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về đề xuất thu “phí chia tay” Ảnh: Lao Động

Theo đó, ông Hưng nói, dự án Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam cần đề cập đến nghĩa vụ, quyền hạn của công dân và các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Đây là khoản phí không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng thôi, nhưng sẽ góp phần tăng cường nguồn lực cho công tác bảo hộ công dân và là sự chung tay giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài”. Bên cạnh đó, ông cho biết thêm: “Khi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được nâng lên thì công dân chúng ta đi ra nước ngoài cũng sẽ được người nước ngoài tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi hơn để việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn”.

Ngoài ra, khoản phí này cũng sẽ giúp hiện đại hóa trang thiết bị và thái độ phục vụ công dân của cơ quan xuất, nhập cảnh, để không còn cảnh công dân xếp hàng, chờ đợi máy móc chạy gây phiền toái.

Từ kinh nghiệm công tác, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng thông tin, thực tế thời gian qua, công dân Việt Nam khi ra nước ngoài có rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng và không nằm trong phạm vi bảo hiểm xã hội, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng không có khả năng, nguồn lực để hỗ trợ.

Mức phí nhỏ nhưng không hợp lý 

Thông tin trên báo VnExpress, ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng, đề xuất của ông Hưng đã có một số nước áp dụng, tuy nhiên, mỗi giải pháp có thể đúng ở quốc gia này song chưa chắc có thể áp dụng tốt ở đất nước khác. Vì vậy, áp dụng những kinh nghiệm của nước ngoài vào Việt Nam cần phải có đánh giá tác động, cân nhắc thận trọng về tính phù hợp.

Về dự đề xuất quy định thu “phí chia tay”, ông Phạm Văn Hoà - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp, nêu ý kiến, mức phí thu nhỏ song là vấn đề tế nhị nên cần phải lấy ý kiến công dân. Ông cũng cho biết, khoản phí thu được sẽ giúp đầu tư máy móc, thiết bị, đảm bảo công đân khi xuất cảnh được phục vụ chu đáo hơn là không hợp lý bởi chính sách đã có ngân sách chi trả.

Chia sẻ

Bài viết

Linh Chi (tổng hợp)

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất