Sắc màu Cuộc Sống

Những ngày tới, người dân Hà Nội mua hàng hóa thế nào khi Thủ đô chia 3 vùng chống dịch Covid-19?

Long Quyền
Chia sẻ

Ngày 3/9, Sở Công thương Hà Nội vừa ban hành phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa phục vụ người dân cho 3 phân vùng giãn cách xã hội từ 6/9-21/9.

Đối với phân vùng 1:

- Đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ).

Những ngày tới, người dân Hà Nội mua hàng hóa thế nào khi Thủ đô chia 3 vùng chống dịch Covid-19? Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

- Về hệ thống phân phối gồm: 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

Các doanh nghiệp hệ thống phân phối hiện đại:

- Xây dựng phương án đảm bảo nguồn cung (trong và ngoài Thành phố), điều động vận chuyển cung ứng hàng hóa, nguồn nhân lực phục vụ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong vùng. Chỉ được hoạt động khi đảm bảo công tác phòng chống dịch theo Phương án đã được phê duyệt.

- Chủ động dự trữ hàng hóa gấp 2-3 lần so với nhu cầu sử dụng bình thường của người dân tại kho hàng và tại địa điểm bán trên địa bàn vùng 1.

- Chủ động đưa hàng dự trữ từ các kho hàng ngoài vùng 1 vào các kho hàng thuộc các địa điểm trong vùng 1 để luôn chủ động về nguồn hàng.

- Thường xuyên điều tiết hàng hóa tại các điểm bán theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để được thiếu hàng cục bộ.

- Phối hợp với các Ban quản lý chợ trên địa bàn nắm nguồn cung của các tiểu thương để hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa bán buôn cho tiểu thương các chợ (khi có nhu cầu).

- Phối hợp với các địa phương tổ chức bán hàng lưu động đối với các địa bàn có ít hệ thống phân phối (Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Tây Hồ) và các địa bàn có chợ bị đóng cửa (Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông).

- Khi xuất hiện tình trạng thiếu hàng cục bộ trong hệ thống phải báo cáo ngay về Sở Công thương để điều tiết.

Đối với các chợ trên địa bàn: 

- Các tiểu thương chủ động lấy hàng từ chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối trên địa bàn nằm trong vùng 1.

- Các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ (gọi tắt là Ban quản lý chợ) làm đầu mối của các tiểu thương tổng hợp nhu cầu nguồn hàng, trực tiếp liên hệ với các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các hệ thống phân phối hiện đại,… trên địa bàn Thành phố có nguồn cung để hỗ trợ tiểu thương về đầu vào nguồn cung có hàng hóa bán lẻ phục vụ nhân dân.

- Trong trường hợp nguồn cung chưa đủ cho các tiểu thương trong chợ, Thành phố sẽ cho vận hành các điểm trung chuyển để làm điểm giao nhận hàng hóa cho tiểu thương các chợ.

Đối với Sở Công thương:

- Khi tiếp nhận báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương về tình hình thiếu hàng hóa, Sở chỉ đạo điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống trên địa bàn để đảm bảo cung ứng theo nhu cầu của người dân.

- Tiếp tục điều tiết hàng hóa của các doanh nghiệp từ vùng 2, vùng 3 và các tỉnh, thành phố vào vùng 1 (khi có yêu cầu).

- Chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng cường vận chuyển bổ sung hàng hóa về các kho hàng và điểm bán liên tục 24/24h.

- Đối với các quận, huyện, thi xã, các lực lượng chức năng:

- Đảm bảo cho các xe vận chuyển được lưu thông bình thường qua các chốt của Thành phố và các phân vùng đảm bảo nguồn cung không bị đứt gãy, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

- Đối với các vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shipper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

- Tập trung chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ các hệ thống phân phối mở lại các điểm bán đảm bảo điều kiện theo hướng dẫn của Sở Công thương đã ban hành để đảm bảo đủ hệ thống phân phối phục vụ nhân dân.

- Trong trường hợp không đáp ứng đủ báo cáo Sở Công thương để hỗ trợ điều tiết chung trên địa bàn Thành phố.

- UBND cấp huyện căn cứ các điểm bán hàng được mở cửa do Sở Công thương công bố, quyết định tổ chức bổ sung các điểm bán hàng lưu động (nếu cần).

- Về điều kiện cho các xe vận chuyển hàng hóa: Để đảm bảo vận chuyển cung ứng hàng hóa đến người dân, các sở chuyên ngành rà soát danh sách các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu gửi C.ông an Thành phố cấp mã nhận diện (đối với xe ô tô) và cấp Giấy phép đi đường cho các xe máy.

Xe ô tô được phép hoạt động theo quy định thực hiện cung ứng, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, các vùng vào vùng 1; Các shipper chỉ hoạt động trong vùng 1.

Phương án điều động: Đối với các phương tiện vận chuyển (xe ô tô) của các cơ sở, HTX, doanh nghiệp,… sản xuất, kinh doanh, UBND các quận, huyện đủ điều kiện được phép lưu thông, tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa, các đơn vị chủ động điều tiết việc vận chuyển nhằm đảm bảo việc cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nhân dân trong vùng 1.

Trường hợp xe ô tô của các đơn vị trên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cần huy động các phương tiện hỗ trợ, thực hiện theo nguyên tắc điều động được xây dựng cụ thể trong phương án.

- Hình thức mua hàng: Người dân được UBND quận/huyện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán.

Mua hàng theo hình thức trực tuyến: Các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện.

Mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn: UBND các phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm.

Đối với vùng 2 và 3:

- Lượng hàng hóa: Vùng 2 có tổng 1.634.100 người dân và vùng 3 có tổng 2.684.419 người, với 12 mặt hàng thiết yếu, 2 mặt hàng phòng chống dịch, 5 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

- Về hệ thống phân phối:

Vùng 2: 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu.

Vùng 3: 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

- Về phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa: Thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7/8/2021 của UBND Thành phố về việc đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Sở Công thương Hà Nội khẳng định đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đến người dân trên địa bàn Thành phố. Người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Trước đó, UBND TP Hà Nội quyết định chia 3 phân vùng để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch khác nhau, từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9. Bên cạnh đó, C.ông an TP Hà Nội dự kiến có 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường.

Vùng 1 ("vùng đỏ") tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 gồm 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.

Vùng 2 gồm toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Vùng 3 gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.

Chia sẻ

Bài viết

Long Quyền

Tin mới nhất