Một đời tảo tần
Những ngày gần đây, từ khoá bà cụ 119 tuổi, cụ bà lớn tuổi nhất thế giới… đang thu hút sự quan tâm đông đảo của mọi người. Theo Kỷ lục Guinness thế giới, cụ Maria Branyas Morera (sinh năm 1907, tức 117 tuổi) là "Người cao tuổi nhất thế giới còn sống". Như vậy, cụ Khơng hơn cụ Maria Branyas Morera 2 tuổi.
Chúng tôi tìm đến xã Bình Lộc, (TP. Long Khánh, Đồng Nai) vào một ngày nắng gắt để gặp mặt bà cụ có tuổi thọ đặc biệt. Lúc này, bà đang nghỉ trưa. Vì thế, chúng tôi có dịp trò chuyện lâu hơn với con cháu của bà.
Bà Khơng cụ Khơng sinh năm 1905, quê ở vùng núi Triệu Sơn, Thanh Hóa. Bà là đứa con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em. Từ thời trẻ, bà bươn chải đủ thứ nghề từ buôn bán, hái lá chè… để chăm sóc ba mẹ. Vì thế, ngoài 30 tuổi, bà mới lập gia đình, khá trễ so với phụ nữ thời đó. Đặc biệt hơn, và Khơng vẫn sinh con trai út khi đã hơn 50 tuổi.
Bà Khơng lập gia đình và có 3 người con. Chồng bà tham gia kháng chiến và hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Nhiều năm sau đó, bà Khơng đi bước nữa và có thêm 4 người con. Thế nhưng, người chồng sau cũng bỏ bà mà đi trước. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, một mình bà Khơng tần tảo nuôi dạy 7 người con khôn lớn. Sau này, con gái của bà lập gia đình và di cư vào miền Nam sinh sống. Bà ở lại miền Bắc cùng những người con trai của mình.
Thương cháu nhớ con, bà thường xuyên vào Nam thăm hỏi. Thời đó, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe lửa và xe đò, bà Khơng rong ruổi suốt một chặng đường dài, không ngại vất vả để gặp người thân.
Năm 2015, bà chuyển hẳn vào Đồng Nai để sống cùng con gái thứ 2 Đỗ Thị Ninh (82 tuổi). Dù đã ngoài 80, thế nhưng gương mặt của bà Ninh trông chỉ vừa ngoài 60. Mọi chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân, giặt giũ… của bà Khơng đều do bà Ninh chăm sóc.
Chú Thanh Xuân (con trai bà Ninh, cháu ngoại Bà Khơng) chia sẻ: “Lúc mới vào Đồng Nai ngoại rất khoẻ. Mỗi ngày đều nhổ cỏ, dọn dẹp xung quanh nhà sạch sẽ. Mặc dù con cháu ngăn cản, nhưng ngoại vẫn thích lao động chứ không muốn ngồi im. Bà có thể quét dọn hay ngồi lột mít từ sáng đến chiều mà không than vãn”.
Nghe chuyện “hồi sinh” của cụ bà có hơn 100 con cháu
Khoảng 1 tiếng sau, khi bà Khơng đã tỉnh giấc. Chúng tôi được gặp gỡ trò chuyện với bà. Như những người già khác, bà Khơng rất thích mang đồ bà ba. Bà nằm nghỉ trên chiếc giường nhỏ, ở gian sau căn nhà.
Theo quy luật của tuổi già, đôi lúc bà Khơng chỉ mệt trong người chứ không bệnh vặt. Nhiều năm trước, trong một lần chơi đùa cùng chú chó trong nhà, bà Khương vô tình bị té ngã rồi bị gãy xương khớp háng. Gia đình có đưa bà vào bệnh viện chữa trị thế nhưng bác sĩ lắc đầu từ chối vì bà đã lớn tuổi, không thể phẫu thuật thay xương.
Không bỏ cuộc, cả nhà quyết định chuyển sang điều trị bằng thuốc nam cho bà. Thần kì thay, chỗ gãy xương cũng đã hồi phục trở lại nhưng việc đi lại của bà không còn như trước.
Chú Thanh Xuân kể, thời gian đó, bà không ăn được gì. Chỉ uống nước cầm hơi, bổ sung thêm yến và sâm cho đủ dinh dưỡng. Người bà gầy rọp, sức khoẻ cũng yếu hẳn.
3 năm trước, cụ Khơng từng “chết đi sống lại” khiến cả gia đình hú hồn. Lúc ấy, sát ngày cưới của cháu cố. Bỗng nhiên người bà Khơng lạnh ngắt, cứng đơ và tắt thở. Gia đình đã định huỷ bỏ lễ cưới, dọn dẹp nhà cửa, dựng rạp để làm đám tang cho bà. Kì diệu thay, vài tiếng sau đó, cơ thể bà bỗng ấm hơn, hơi thở đều trở lại. Những ngày tiếp sau đó, bà khoẻ dần trở lại trong sự ngạc nhiên của mọi người.
Kì lạ hơn đợt bà Khơng đổ bệnh, gia đình đã cạo tóc để cụ bớt nóng nực, dễ dàng vệ sinh tắm gội. Sau khi "chết đi sống lại", cụ thắc mắc sao lại cạo hết tóc của mình. Rồi tóc bắt đầu mọc lại, khác với mái tóc bạc trắng ban đầu, tóc bà lại trổ đen.
Xác lập kỷ lục Guinnes người thọ nhất Việt Nam
Mặc dù đã 119 tuổi, thế nhưng bà Khơng lại có sức khoẻ rất tốt, tinh thần minh mẫn, nhạy về các giác quan. Bà có thể ngồi và kể chuyện vanh vách nhiều giờ liền. Đặc biệt, bà có thể nhớ rõ tên con cháu của mình, đứa cháu nào là con của ai. Bà Khơng rất yêu gia đình và người thân của mình. Với bà, niềm vui đơn giản mỗi ngày chính là sum vầy cùng con cháu.
Theo chú Thanh Xuân, từ ngày bà Khơng được mọi người quan tâm, cuộc sống của gia đình mình cũng đảo lộn đôi chút. Mỗi ngày, gia đình liên tục tiếp những đoàn khách đến thăm hỏi, làm youtube… Cụ Khơng cũng đã lớn tuổi nên cần có không gian để nghỉ ngơi.
“Về chuyện xác lập Kỷ lục Guinness, gia đình cũng không để ý quá nhiều. Trước đó, gia đình tôi không quan tâm đến chuyện bà có lớn tuổi nhất hay không, chỉ mong ngoại sống khoẻ cùng con cháu. Ngoại chưa từng mắc phải Covid – 19 như các trang báo, mạng xã hội đã đưa tin sai lệch” – chú Thanh Xuân chia sẻ.
Theo chú Thanh Xuân, gia đình mình có gen di truyền rất thọ. Ai cũng là “cây đa cây đề”, anh cả của bà Khơng cũng mất lúc 110 tuổi, em trai bà ngoài 90. Con trai đầu của bà Khơng sinh sống ở Thanh Hoá đã hơn 90 tuổi, bà Ninh (con gái thứ) 82 tuổi…
Hiện cụ Khơng có hơn 100 con, cháu, chắt, chút. Cứ đến dịp Tết, con cháu ở các nơi lại tập trung về thăm cụ bà. Nhà chật kín người, tìm chỗ ngồi cũng khó. Nhưng cảm giác quây quần đó là điều hạnh phúc nhất mà bà Ninh mong muốn.
Bà Khơng từng nhận thiệp mừng thọ 110 tuổi của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào năm 2014. Tháng 6/2023, cụ bà nhận giấy mừng thọ 118 tuổi của UBND xã Bình Lộc, TP Long Khánh. Chính quyền địa phương đang làm thủ tục, đề xuất tổ chức kỷ lục Guinness công nhận là người thọ nhất Việt Nam hiện tại.