Theo Công an TP Hà Nội, khoảng 12h00 ngày 26/10/2022, N.Q.H (SN: 2009, thôn Hoà Trung, xã Vân Hoà, huyện Ba Vì, Hà Nội) một mình điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Yamaha Jupiter tham gia giao thông di chuyển trên đường liên xã Tản Lĩnh- Vân Hòa theo hướng Vườn Quốc gia Ba Vì đi cây xăng Tản Lĩnh.
Trong lúc vào cua, do không làm chủ được tay lái, H. tự điều khiển xe đi ra ngoài rệ đường bên phải và đâm vào gốc cây.
Sau va chạm, cả H. và chiếc xe mô tô bị hất văng lên và tiếp tục va chạm với tường bao của hộ dân ven đường. Hậu quả xe mô tô H. điều khiển bị hư hỏng. H bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Theo cơ quan công an, đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, ở lứa tuổi học sinh, việc điều khiển xe máy hoàn toàn không phù hợp và an toàn.
Ở lứa tuổi này, các em chưa phát triển đầy đủ về thể chất nên chưa phù hợp với việc điều khiển phương tiện là xe máy. Bên cạnh đó, vì chưa được đào tạo, sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe nên các kỹ năng lái xe an toàn cũng như hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ ở học sinh gần như không có; cộng với tâm lý muốn thể hiện nên thường xuyên vi phạm luật giao thông.
Tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trên hết vẫn là sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình và nhận thức chưa cao của các em học sinh.
Do vậy, để chấm dứt tình trạng này, mỗi phụ huynh cần nghiêm khắc hơn nữa trong việc giáo dục con trẻ. Bên cạnh công tác phối hợp với nhà trường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho học sinh, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm học sinh đi mô tô, xe máy đến trường.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng