Phim Ảnh

'Ngôi nhà bươm bướm': Hội tụ Nữ thần Nhảy múa, bản hit Làn da trâu và dì ba Duyên của nghệ sĩ Thành Lộc

Anh Quân
Chia sẻ

Bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” ra rạp, mang đến cho khán giả Việt một khu vườn ngát hương hoa và cao cao thấp thấp những cánh bướm rực rỡ. Ngoài bối cảnh, câu chuyện và những góc máy, bộ phim còn có những ẩn ý thú vị ít ai biết. Chúng ta cùng tổng hợp qua bài viết này nhé.

1. Cái tên Ngôi nhà bươm bướm

Ngôi nhà bươm bướm là một bộ phim được chuyển thể từ vở hài kịch Pháp tên La Cage aux Folles. Vở hài kịch sau đó được chuyển thành phim lần đầu tiên với cái tên tương tự nguyên tác vào năm 1978 tại Pháp. Sau đó năm năm, bộ phim The Birdcage cũng dựa trên nguyên tác kịch, ra đời tại Mỹ.

Poster bộ phim “La Cage aux Folles”.

Poster bộ phim “The Birdcage”.

Tựa đề La Cage aux Folles được trang Wikipedia tiếng Anh dịch nôm na là The cage of Madwomen (Chiếc lồng của những người phụ nữ điên rồ). Với phiên bản 1983, tựa đề The Birdcage có thể gọi một cách dễ hiểu là Chiếc lồng chim. Cũng trong bộ phim này, câu lạc bộ của những drag queen (những chàng trai hoá thân thành nhân vật nữ) của hai nam chính có tên là The Birdcage.

Qua những thông tin này, chúng ta có thể thấy, dù là tựa đề vở kịch hay những bản chuyển thể sau đó, đều ẩn ý về sự giam cầm bản ngã thật sự của nhân vật trong phim. Với Ngôi nhà bươm bướm, nhân vật Hân (NSƯT Thành Lộc) là một drag queen. Anh đã phải che giấu chính mình để nuôi dạy con khi còn nhỏ và ra mắt sui gia khi con đã trưởng thành. Chính cột mốc nói thật về bản thân, anh đã có thể cởi bỏ được những giam cầm bản thân, như thể mở tung cánh cửa ngục tù để những con bướm hiện thân cho cá tính thật của mình được tung bay tự do. Tựa đề bộ phim hoàn toàn ăn khớp với những tiền nhiệm đi trước.

Vậy thì, tại sao không dùng hình ảnh những con vật khác, mà lại là bươm bướm? Có một cụm từ lóng được sử dụng trong cộng đồng LGBT, nhằm chỉ những drag queen đó là “Thân sâu hồn bướm”. Từ câu nói này, chúng ta có thể thấy tâm hồn của những nghệ sĩ drag queen thật sự bay bổng nhưng cũng yếu đuối như những cánh bướm. Họ khát khao được thả tâm hồn nhạy cảm của mình bay tự do khắp nơi. Có lẽ vì thế mà phiên bản Việt đã sử dụng hình ảnh ẩn dụ bươm bướm vào cái tên của mình.

2. Gọi tên những nhân vật đặc biệt

Trong bộ phim, nghệ danh của nhân vật Hân là Hồ Ngọc Hân, một ca sĩ-drag queen nổi tiếng. Có vẻ cái tên này cũng giúp chúng ta nhớ đến Hồ Ngọc Hà, một nữ ca sĩ rất được yêu mến.

Trước đây, nghệ sĩ Thành Lộc từng hát lại bài hát Da nâu của Phi Thanh Vân theo hướng hài hước trong một vở diễn của mình. Sau đó, màn cover này nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên mạng, song hành cùng bản gốc. Thật trùng hợp, trong Ngôi nhà bươm bướm, hai “ca sĩ” này đã được dịp hội ngộ trong cảnh Hân và Cường (diễn viên Quang Minh) tìm đến gặp Vân (diễn viên Vân Trang), mẹ ruột của Hoàng (diễn viên Liên Bỉnh Phát). Và Phi Thanh Vân là nhân viên tại tiệm mĩ phẩm của Vân.

Hình ảnh NSƯT Thành Lộc trong trích đoạn cover lại bài hát “Da nâu”.

Nếu đã nói đến nhạc cover thì Nữ thần Nhảy Múa bản gốc - NSƯT Thành Lộc đã được dịp gặp, nhưng không chạm trán với Nữ thần Nhảy Múa bản hát nhép - Don Nguyễn, trong bộ phim này. Vai diễn Nữ thần Nhảy Múa của nghệ sĩ Thành Lộc đã ghi dấu lại trong lòng biết bao khán giả và bản cover lại của Don Nguyễn cũng không kém cạnh. Dẫu cả hai không có cảnh đóng cùng nhau ở Ngôi nhà bươm bướm, nhưng việc cùng xuất hiện trong một dự án không khỏi giúp khán giả chợt bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa. Chưa hết, trong cảnh ông Hân giáp mặt với Phi Thanh Vân, ông đã vô tình xưng hô mình là “chị Ba”. Cho những khán giả chưa biết, vai diễn Nữ thần Nhảy Múa của NSƯT Thành Lộc cũng tự gọi mình là “chị Ba” đấy!

NSƯT Thành Lộc trong tạo hình Nữ thần Nhảy múa.

Bản gốc và bản cover (Don Nguyễn).

Trong phim, có một đoạn ông Hân vì muốn nhanh chóng về nhà đã bỏ ông Cường lại. Ông Cường không muốn bí mật của mình ở nhà bị vỡ lỡ nên đã kêu lớn: “Rớt đồ nè bà nội” nhằm níu chân ông Hân đang rất vội vã ở phía trước. Câu thoại này sẽ khiến bạn bật cười nếu bạn từng xem MV Tình cờ gặp nhau của Lâm Khánh Chi. Câu thoại này có màu sắc tương đối giống với câu “Ông anh ơi rớt đồ kìa” của Lâm Khánh Chi. Trước đó, “câu thần chú” của Lâm Khánh Chi đã được “triệu hồi” ở rất nhiều những đoạn phim hài trên mạng vì độ dễ thương và hài hước. Có vẻ tính dí dỏm của nó vẫn còn đó khi xuất hiện trong Ngôi nhà bươm bướm.

Lâm Khánh Chi và câu thoại kinh điển.

Và cuối cùng, chi tiết ông Hân thay đổi thân phận thành bà Hân để ra mắt sui gia tương lai. Dù cha con Cường-Hoàng đã sắp đặt để bà Vân ra mắt gặp sui gia, nhưng người tính không nhanh bằng trời tính, bà Vân không kịp tới, thế là bà Hân đã xuất hiện cứu cánh. Nếu bạn là khán giả thân thương của NSƯT Thành Lộc cùng những vở kịch anh diễn thì sẽ biết anh có một vai diễn hết sức duyên dáng mà đỏng đảnh đó là dì Duyên trong vở Ngôi nhà không có đàn ông.

Tạo hình của bà Hân lúc này thật sự khiến khán giả của Thành Lộc phải nhớ đến dì Duyên. Ngoài ngoại hình, chúng ta cũng sẽ phải công nhận với nhau rằng, cả bà Hân lẫn dì Duyên đều có điểm chung đó là duyên nói chuyện, pha trò tinh tế.

Tạo hình dì ba Duyên của Thành Lộc trong “Ngôi nhà không có đàn ông”.

Nếu bạn vẫn chưa xem phim, hãy nhanh chân ra rạp để xem ngay bộ phim đáng yêu và sâu sắc này. Nếu đã xem rồi, hãy chia sẻ thêm những tình tiết ẩn ý mà bạn cảm nhận được ngoài những chi tiết nêu trên nhé.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Quân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất