Không chỉ nổi tiếng với những điểm đến hot hit như Thác Giốc hay động Ngườm Ngao, Cao Bằng còn khiến dân nghiền du lịch phải trầm trồ, xuýt xoa trước vẻ đẹp độc đáo có 1-0-2 của làng đá Khuổi Ky. Như
Khuổi Ky - ngôi làng đặc biệt trong quần thể Khu du lịch thác Bản Giốc, nằm bên con đường tỉnh lộ 206, trên đường vào khám phá động Ngườm Ngao. Làng có 14 căn nhà sàn bằng đá trải rộng khoảng 10.000 m2, dựa lưng vào núi đá, phía trước là dòng suối Khuổi Ky.
Được biết, những ngôi nhà bằng đá trong làng có từ khoảng 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày.
Thời gian để dựng thành công một ngôi nhà mất khoảng 2-3 năm. Riêng phần mái nhà sẽ được lợp bằng ngói âm dương, tạo vẻ đẹp cổ kính và hòa hợp phong thủy.
Đá được sử dụng rất nhiều trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày. Đến đây du khách sẽ được thoải mái hòa mình vào "không gian văn hóa đá". Từ tường nhà, vách đá, móng nhà, cho đến đập nước, cối xay, bếp lò,... cũng đều dùng đá là vật liệu chính. Lối đường đi vào ngôi làng cũng được lát bằng đá nốt.
Đặc biệt, đồng bào Tày ở Trùng Khánh có tín ngưỡng thờ thần đá. Trải qua bao biến chuyển của lịch sử, tới bây giờ "thần đá" vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm, tiềm thức của mỗi người dân sống tại đây.
Ngoài tận hưởng không gian hoài cổ của làng đá, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản, dân dã. Những món ngon của Khuổi Ky được nấu từ rau cải, ngô, cốm, hạt dẻ, xôi trám đen cho đến gà thả đồi hay vịt, đặc biệt có măng rán, củ măng khứa từng đường nhỏ và ốp nhân thịt rán. Trong khi thói quen sống gắn liền với đá ở những làng lân cận đang dần phai nhạt, làng Khuổi Ky vẫn duy trì nguyên vẹn.
Xem thêm: Lần đầu tiên triển khai mô hình xe đạp công cộng tại Huế