"Trên đôi vai em không hề có áp lực..."
Ngày 4/1, tại hội trường của buổi lễ trao kỉ lục, khi Quốc Cơ - Quốc Nghiệp, Ánh Viên... lần lượt chia sẻ về những chặng đường đầy cảm xúc của mình, có một cô bé lặng lẽ dõi theo. Em có dáng người thấp bé, nụ cười luôn nở trên môi.
Nhưng cũng trong buổi lễ đó, Ngân đã vinh dự, rưng rưng nhận tấm bằng khen “Học sinh cấp THPT chơi thành thạo nhiều môn thể thao nhất, đạt các thành tích trong các hội thi cấp Quận, Thành phố”, do Hội Kỷ lục gia Việt Nam xác lập.
Ít ai biết được rằng, mười mấy năm trước, em là một đứa trẻ vô cùng yếu ớt, không nhớ chính xác được mình đã vào ra bệnh viện bao nhiêu lần. Đó chính là Trần Bảo Ngân (học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong).
"Tính đến nay, em đã có thể chơi thành thao 18 môn thể thao: patin, Taekwondo, bóng đá, bóng bàn, bắn súng... Từ bé, ba đã "mang" em đến lớp võ, sân bóng đá... để rèn luyện thể thao.
Đối với em mà nói, đây là một bước ngoặt đặc biệt. Ban đầu, em không thích cứ ngoái đầu nhìn ra cửa sổ để được đi về. Ba đã động viên em rằng tập thể thao để mau khỏe, để rèn luyện bản thân mình. Và rồi, em yêu thể thao lúc nào không hay", Ngân kể.
Có vóc dáng bé nhỏ, việc theo đuổi các môn thể thao là vô cùng khó khăn. Có những lúc, em đau vô cùng bị bị chấn thương, hay tưởng rằng mình đã bỏ cuộc vì bộ môn quá khó. Những lúc như thế, ba đã kề cận động viên.
"Trên đôi vai em chưa bao giờ có áp lực từ gia đình. Ba động viên em để không ngừng tiến về phía trước, em học, em chơi thể thao... vì nó tốt cho bản thân em, không phải vì thành tích hay điểm số. Vì thế, em rất biết ơn ba đã đồng hành với em trong những bước đi đầu tiên", Ngân xúc động nói.
Ngân kể, mỗi môn thể thao đều rèn luyện cho cô bạn một kĩ năng nhất định. Tập võ sẽ có được phản xạ tốt, bóng bàn giúp thị lực, tốt hơn, và phản xạ tốt, bóng đá khiến cho đôi chân em linh hoạt, đoàn kết cùng các bạn, nâng cao khả năng tập trung.
Từ cô bé ốm yếu, luôn bị bệnh vặt, Ngân đã trở thành cô nữ sinh khỏe mạnh. "Đợt vừa rồi, em mắc Covid-19 hai ngày rồi khỏi, triệu chứng cũng không nhiều. Em nghĩ là do em có sức đề kháng, mỗi ngày đều luyện tập thể thao từ 2-3 tiếng, xen kẽ các môn. Ba không áp lực điểm số nên em không đi học thêm, chỉ hoàn thành bài vở trên lớp và ở trường Đại học", Ngân bộc bạch.
Làm sao tốt nghiệp Đại học ở tuổi 18?
Vài tháng nữa, Ngân sẽ tốt nghiệp Đại học. Đó là chuyện ... khó tính nhưng vẫn có thể xảy ra đối với cô bạn GenZ không ngừng nỗ lực.
Theo Ngân chia sẻ, cô bạn đang theo học một chương trình học trực tuyến công nghệ thông tin, 100% dựa trên Internet. Sau khi hoàn thành các kì học, Ngân sẽ nhận chứng chỉ bằng tốt nghiệp trình độ Đại học.
Suốt mấy năm qua, nữ sinh GenZ này đã vừa học Đại học, vừa học cấp 3. "Ba em nói rằng mỗi con người đều luôn phải tiến về phía trước, có những chặng đường, cột mốc mà chúng ta phải lần lượt vượt qua.
Ban đầu, ba đăng kí cho em vì thấy em thích học IT. Với học sinh cấp 3, việc làm quen với những kiến thức cơ bản lập trình là vô cùng khó khăn.
Chưa kể, thời gian của em rất kín, buộc lòng em phải tận dụng từng kẽ hở thời gian. Em học bài trên lớp, làm bài tập trong giờ ra chơi. Lúc em mày mò, loay hoay với lập trình, các thầy cô, anh chị đi trước cùng đã chỉ dẫn rất nhiều. Từ từ, em đã tìm được lối đi cho riêng mình", Ngân nói.
Khi còn đang là học sinh cấp 3, em đã có thể lập trình được một vài ứng dụng trong điện thoại của mình, thiết kế game... Thế giới khoa học công nghệ đã mở ra cho em những cánh cửa mới, khiến em thích thú và say mê nó.
Cô bạn tâm sự: "Đối với em, điều quan trọng nhất khi học hai chương trình là khả năng tự học. Em phải tự tìm tài liệu nghiên cứu, tự ngồi vào bàn mà không để ai nhắc nhở. Em mở máy tính, lật tập, đọc sách... vì em thật sự yêu thích nó. Ba chưa bao giờ yêu cầu em phải đạt các con điểm cao. Ba muốn em có cuộc đời hạnh phúc và chính em phải tự định nghĩa nó".
Khi nhìn lại hành trình mình đã đi qua, Ngân tự hào vì mình đã lần lượt vượt qua được những khó khăn và cột mốc quan trọng của cuộc đời. Thi Taekwondo, em tưởng không vượt qua được vòng hít đất, nhưng cuối cùng cũng thành công vì sự nỗ lực. Bài tập, đồ án ngổn ngang, em giải quyết từng phần để không làm gián đoạn việc học.
Mùa hè năm 2022, nếu hoàn thành xong đồ án, Ngân sẽ tốt nghiệp Đại học ở tuổi 18. Theo Ngân chia sẻ, điều này tiết kiệm thời gian cho em rất nhiều, để em có thể tiếp tục học Thạc sĩ tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM.
"Em ước rằng mình sau này có thể làm một công việc freelance. Em có thể vừa ôm máy tính làm bài, vừa đi du lịch đến nhiều nơi. Đối với em, thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao, còn mình thì bé nhỏ. Chắc hẳn, có nhiều điều đang đợi em khám phá", Ngân tâm sự.