Nối tiếp phần một của phim Pacific Rim (2013), mười năm sau khi cuộc chiến Kaiju kết thúc, Jake Pentecost (John Boyega), con trai của Stacker trở lại với thực tại, duy trì cuộc sống của mình bằng cách bán lại những món đồ công nghệ bị đánh cắp.
Những gì vừa kể trên chính là sự thật, một sự thật phũ phàng đối với Jake Pentecost. Tuy nhiên cuộc vui thì còn dài, cuộc đời thì còn đầy biến cố đã đẩy anh chàng rơi vào một vụ bắt giữ “trời giáng”, từ đó đưa Jake trở lại chiến dịch phi công mang tên Jaeger hoạt động dưới trướng của Mako Mori (Rinko Kikuchi), cùng với hai người đồng đội thân thuộc là Nate Lambert (Scott Eastwood) và Amara (Cailee Spaeny). Đội hình vừa đông đủ cũng là lúc một mối đe dọa mới đang đuổi sát nút, chực chờ tạo ra những hiểm họa khôn lường.
Một trong những yếu tố then chốt làm nên một bộ phim siêu robot đại náo siêu quái vật thực thụ: Sự hài hước. Ở Pacific Rim (2013) của Guillermo del Toro tinh thần hài hước không được sử dụng triệt để như mong đợi, bộ phim hầu như tập trung vào motif những kẻ sống sót sau biết bao đau thương, cùng chung sức lại để đối đầu với cuộc xâm lược của quái vật. Với Pacific Rim: Uprising thì ngược lại hoàn toàn. Ở tác phẩm này, khán giả sẽ được chứng kiến nhiều phát minh táo bạo và những pha đập phá máu lửa hơn được gói gọn trong thời lượng vốn có, tạo ra tính đột phá so với người anh tiền nhiệm của mình. Cái tên đạo diễn Steven S. DeKnight (đạo diễn phim Daredevil) chính là nhân tố quyết định thay hoàn toàn diện mạo của chuỗi phim người máy sang một hướng mới.
Nam diễn viên John Boyega đã tận dụng từng chút một sức hút thiên phú của mình để vào vai một anh chàng có phần xảo quyệt - Jake Pentecost, con trai của người anh hùng đã có công ngăn chặn ngày tận thế - Stacker (Idacker Elba). Không muốn gánh vác trọng trách cao cả như cha mình, Jake quyết định quay lưng lại với chiến dịch Jaeger, chọn một cuộc sống ẩn dật thu lượm, mua bán những món đồ công nghệ lỗi thời nhằm chi trả cho thói quen ăn vặt hoang phí của chính mình.
Như đã hứa hẹn lúc ban đầu, biến cố chính là yếu tố làm nên những pha lật ngoạn mục cho các tình tiết phim, sau đây là một ví dụ. Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ với tiểu thiên tài chế tạo Jaeger Amara Namani (Cailee Spaeny), cùng với Scrapper - con robot có tạo hình trông giống Bumblebee (series Transformer) của Amara đã khiến cho Jake… vào tù. Sự tự do của anh chỉ được đảm bảo khi anh chấp nhận điều kiện sẽ đào tạo ra một thế hệ tân binh mới có khả năng cứu thế.
Có lẽ việc “được ngồi tù” lần này của Jake chỉ là một cách mà biên kịch sử dụng để cho Jake tạm nghỉ khỏi chiến dịch Jaeger. Và dường như “giang hồ” cũng đang chuẩn bị dậy sóng khi phe phản diện cuối cùng đã bắt đầu những chiến lược gian tà của mình. Bà trùm ngành công nghệ, Shao Liwen (Cảnh Điềm) đang thúc đẩy một dự án người máy đối địch nhằm thay thế các phi công Jaeger. Phe cánh của bà trùm tài phiệt càng tự tin hơn khi có Newt Geiszler (Charlie Day) đứng trong hàng ngũ của mình. Song kẻ phản diện thật sự lại không phải phe cánh của Shao Liwen mà lại là Newt Geiszler.
Ở một diễn biến khác, ngay lúc Mako Mori (Rinko Kikuchi) sắp bỏ phiếu cho các người máy, bỗng có một Jaeger xa lạ với mục đích không rõ ràng xuất hiện ở Sydney. Sự việc này càng làm sáng tỏ một điều, Kaiju không phải là mối đe dọa duy nhất trong phần phim này. “Những pha hành động đã được mang đến theo một cách mà series phim Transfomers chẳng thể làm được hơn một thập kỉ qua.” - Một nhận xét táo bạo khi được hỏi về sự đột phá trong phần phim này.
Cũng ngay trong Pacific Rim: Uprising, những câu chuyện ngụ ý về sự gia tăng vũ khí hạt nhân sau chiến tranh thế giới II hay sự tăng vọt của robot vũ trang; tưởng chừng sẽ gợi mở cho khán giả về một bộ phim có thông điệp đa tầng, nhiều nghĩa. Nhưng thực tế, đây chỉ một bộ phim về những con robot khổng lồ ra sức phá hủy thành phố. Những thiệt hại về vật chất choáng ngợp cùng hoang cảnh điêu tàn là những gì có thể hình dung về bộ phim sau một hồi “binh biến”. Tin chắc những thành quả này của bộ phim hoàn toàn đủ thỏa mãn những tín đồ phim điện ảnh người máy luôn trông chờ các màn kĩ xảo hạng nhất phối hợp nhịp nhàng với âm thanh sống động không chê vào đâu được.
Trailer bộ phim.
Diễn biến của bộ phim có phần nhanh và dồn dập, điều này được thể hiện thông qua nhịp điệu của các nhân vật, đặc biệt là Jules (Adriana Arjona) và những thực tập sinh khá rập khuôn. Có lẽ vì vậy mà không ai trong số đó có thể tạo được điểm nhấn ấn tượng trong lòng khán giả như cách đạo diễn Del Toro từng tạo dựng ở phần tiền nhiệm. Dẫu vậy thì cũng không có nghĩa Pacific Rim: Uprising không có những quân bài khác để gây chú ý. Một trong số đó là sự trở lại của quái vật Kaiju (sự xuất hiện này sẽ không đơn giản như những gì bạn vẫn tưởng đâu) và sự hủy diệt trong phim đã leo thang lên đến một cấp độ cao hơn và đáng gờm hơn rất nhiều. Dù biết rằng kết quả của bộ phim vẫn sẽ hỗn độn như mọi khi, sự quy mô của bối cảnh và tư duy mới mẻ trong kịch bản là yếu tố đủ để chúng ta cân nhắc về việc có nên ra rạp hay không.