Trần Tình Lệnh chuyển thể từ tiểu thuyết Ma đạo tổ sư của Mặc Hương Đồng Khứu, xoay quanh cuộc đời hai nhân vật chính Lam Vong Cơ (Vương Nhất Bác) và Ngụy Vô Tiện (Tiêu Chiến) đang đi đến hồi kết với nội dung ngày càng kịch tính.
Đan xen vào cuộc truy tìm bằng chứng để lật mặt “boss phản diện” đầy gay cấn là một khoảng lặng ở tập 43, khi Lam Hi Thần kể cho Ngụy Anh nghe về tuổi thơ của mình và Lam Vong Cơ cũng như sự bảo vệ của Lam Trạm dành cho Ngụy Anh 16 năm trước, nhờ đó A Tiện đã hiểu được sự hi sinh của Lam nhị công tử dành cho mình, đồng thời hiểu vì sao Hàm Quang Quân lại có chấp niệm sâu sắc với việc đem mình về Vân Thâm Bất Tri Xứ “giấu đi”.
Chắc hẳn khán giả đều còn nhớ, ở cuối tập 25, Lam Vong Cơ đã bộc bạch tâm sự với huynh trưởng của mình rằng:
Đối với một Lam nhị công tử lạnh lùng băng giá, chuyện gì cũng đều giữ trong lòng thì lời tâm sự thẳng thắn này là một điều rất kỳ lạ và hiếm có, khiến chính Lam Hi Thần cũng có chút ngạc nhiên. Bởi vì huynh trưởng rất hiểu em trai của mình, nên Lam Đại cũng hiểu khi nói ra câu này, tình cảm của Vong Cơ đã sâu đậm và bức bối đến tột cùng, muốn tìm một người để giãi bày khao khát cháy bỏng trong lòng y.
Lam Đại trả lời em mình rằng: “Chỉ sợ cậu ấy không nguyện ý”. Câu trả lời này cũng đã thể hiện rất rõ: Anh biết người mà em mình đang nhắc tới là ai, có lẽ là đã biết từ lâu lắm rồi, và dĩ nhiên là cũng biết người đó sẽ không tình nguyện theo em mình về Cô Tô đâu, ước vọng này của Vong Cơ rất khó có thể thực hiện được.
Đây là một lời tỏ tình gián tiếp, nếu là người khác nghe được có thể cảm thấy mong muốn của Lam Vong Cơ có phần hơi kỳ quái, nhưng với Lam Hi Thần thì lại khác, anh cảm nhận được những giằng xé tình cảm và suy nghĩ rối loạn trong lòng Lam Trạm lúc này. Và cũng hiểu hơn ai hết nguyên nhân sâu xa thực sự đằng sau câu nói kia.
Lam Hoán và Lam Trạm sinh ra trong thế gia Cô Tô Lam thị, là đích tử của tông chủ, là con cháu dòng chính mang thân phận tôn quý nhất trong gia tộc, là đệ tử trực hệ nội môn cao nhất, được đeo Mạt Ngạch có hoa văn mây cuốn.
Ở tập 43 vừa công chiếu, chúng ta có thể hiểu hơn về tuổi thơ của hai anh em, và những trải nghiệm đầu đời không mấy vui vẻ ấy cũng là nền tảng hình thành nên tính cách của Lam Vong Cơ sau này.
Phụ thân của Trạch Vu Quân và Hàm Quang Quân là Thanh Hành Quân, năm xưa là một vị danh sĩ nổi danh thiên hạ, lại kế thừa chức vị tông chủ Lam gia khi còn trẻ, vừa tài năng xuất chúng, vừa có địa vị cao quý, dung mạo lại thuộc hàng cực phẩm, mọi mặt đều hoàn mỹ, phong quang vô hạn, tương lai rộng mở.
Thanh Hành Quân trong một lần đi săn đêm ngoài thành Cô Tô gặp được một vị nữ kiếm khách tự do phóng khoáng, nàng có “đôi mắt màu lưu ly cực nhạt”, nghi dung xinh đẹp, khiến Lam tông chủ vừa gặp đã yêu, nhất kiến chung tình.
Nhưng nàng ấy lại không động lòng với Lam tông chủ, hơn nữa còn giết chết một vị ân sư của người. Về lý do nàng hành động như thế thì không ai biết, Lam Hi Thần cũng chỉ phỏng đoán là do bốn chữ “ân oán thị phi” trên giang hồ mà thôi.
Đương nhiên với một gia tộc có gia quy nghiêm khắc và giáo điều chuẩn mực như Cô Tô Lam thị thì người con gái ấy bị xem là hạng người “gian tà độc ác”, “tà ma ngoại đạo”, cần phải giết chết để “trừ gian diệt bạo”, báo thù cho vị tiền bối mà nàng đã tiễn xuống suối vàng kia.
Thanh Hành Quân biết được chân tướng, vô cùng đau khổ, nhưng vẫn bất chấp sự phản đối của cả gia tộc, mang nàng về Vân Thâm Bất Tri Xứ, bí mật bái thiên địa với nàng, đồng thời tuyên bố với cả gia tộc, đây là “thê tử một đời một kiếp” của người, ai muốn động đến nàng trước tiên phải bước qua xác người đã.
Với địa vị của Lam tông chủ khi đó, ông có thể chọn bất kỳ một tiểu thư danh môn nào làm vợ cũng được, nhưng ông lại yêu một người con gái không nên yêu nhất, một người thậm chí chẳng có ý nghĩ quá phận nào với ông, một người ra tay giết chết vị ân sư của ông không chút lưu tình, một người con gái bị cả Lam gia coi là kẻ ác phải diệt trừ.
Giây phút Lam Vong Cơ dám chĩa thẳng Tị Trần vào 33 vị tiền bối Lam thị để bảo vệ Ngụy Anh, người viết chợt có ý nghĩ rằng: Có lẽ Thanh Hành Quân năm xưa cũng đã làm như thế, chĩa thẳng kiếm vào trưởng bối trong gia tộc, thẳng thắn nói rằng: “Đây là thê tử kiếp này của ta, không ai được đụng đến nàng”. Đệ tử hoàn mỹ nhất trong gia tộc thời khắc đó lại sẵn sàng đối đầu với cả gia tộc để bảo vệ người thương, không cho phép ai làm hại tới người ấy.
Thúc phụ à thúc phụ, người lúc nào cũng giáo dục cháu trai của mình rằng “Con quên bài học của phụ thân con rồi sao?”, nhưng người cũng không thể ngờ được rằng 18 năm sau, con trai út của Thanh Hành Quân lại đi theo “vết xe đổ” của ông không chệch bước nào, thậm chí còn lún sâu hơn.
Lam Trạm tuy không được phụ thân nuôi dạy nên người, thậm chí cả ngoại hình cũng giống mẹ hơn giống cha, y có “đôi mắt màu lưu ly cực nhạt” di truyền từ mẹ, nhưng tính cách lại như khuôn đúc với Thanh Hành Quân, đặc biệt là sự si tình đến mê luyến và sự che chở tuyệt đối dành cho người thương.
Lam cựu tông chủ thật sự đã làm tất cả mọi thứ có thể để bảo vệ người con gái mà ông yêu thương, nhưng đồng thời gia giáo nghiêm khắc khiến ông cũng không thể bỏ qua cho hung thủ giết chết ân sư của mình, vậy nên ông chỉ có thể lựa chọn thành thân với nàng, dùng địa vị chủ mẫu Lam thị để bảo vệ nàng, sau đó lại ép buộc bản thân không được đi gặp nàng.
Đưa một đứa trẻ rời khỏi tay mẹ đẻ của nó từ khi vừa mới lọt lòng là một tội ác, một tội ác thực sự, là một nỗi đau không thể tưởng tượng nổi với người mẹ, cũng là sự thiệt thòi không có gì bù đắp được đối với đứa trẻ. Nhưng vị chủ mẫu Lam thị lại phải chịu nỗi đau xé lòng ấy đến hai lần, bất lực nhìn con trai mình mang nặng đẻ đau bị người ta ẵm đi mất, là tổn thương lớn đến mức nào, có ai hiểu được?
Lam Hoán và Lam Trạm bất hạnh từ khi vừa mới chào đời, rõ ràng là đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng cha thì bế quan không quan tâm thế sự, mẹ thì không được phép chăm sóc nuôi nấng chính con ruột của mình.
Cũng rất dễ hiểu khi Lam Hi Thần lại thấu hiểu sâu sắc em trai của mình đến thế, bởi vì từ nhỏ đến lớn hai đứa trẻ thiếu thốn yêu thương ấy luôn tự bảo bọc, quan tâm đến nhau. Lam Hoán luôn cố gắng dành cho em mình nhiều yêu thương và bao dung nhất có thể để bù đắp phần nào cho những thiệt thòi mà cả hai người phải chịu đựng, ngược lại Lam Trạm luôn kính trọng, gần gũi nhất với anh, có tâm sự cũng luôn tìm huynh trưởng, lại luôn ép bản thân phải hiểu chuyện sớm để phân ưu với anh mình.
“Hai đứa trẻ thơ, cả ngày chỉ đối mặt với thúc phụ nghiêm khắc, với sự dạy bảo nghiêm ngặt, với đống sách vở chồng chất như núi, mệt mỏi chán chường cỡ nào cũng phải giữ cho thắt lưng non nớt của mình thẳng tắp, làm đệ tử ưu tú nhất trong tộc, làm tấm gương sáng trong mắt người đời. Hàng năm không được gặp người chí thân, không thể nhào vào lòng phụ thân đùa nghịch, cũng không thể ôm mẫu thân làm nũng”.
Trích “Ma đạo tổ sư” chương 64 - Mặc Hương Đồng Khứu
Một cuộc sống mệt mỏi và đầy áp lực của những đứa trẻ bị ép phải hoàn hảo, phải giỏi giang xuất chúng, phải trở nên mẫu mực trong mắt người đời. Để đào tạo ra được một đệ tử ưu tú toàn diện ngay từ nhỏ để làm tấm gương cho con cháu các thế gia khác noi theo, là một quá trình không hề vui vẻ chút nào.
Trong những năm tháng tuổi thơ ấy, mỗi tháng hai anh em chỉ được gặp mẹ một lần, còn cha thì hầu như không được gặp. Những đứa trẻ của các thế gia khác trải qua những năm tháng đầu đời thoải mái và vui vẻ như thế nào, hai anh em Lam gia lại chẳng bao giờ được trải nghiệm hạnh phúc ấy.
Cùng là quý tử do chủ mẫu sinh ra, Giang Trừng ở Liên Hoa Ổ hay Kim Tử Hiên ở Kim Lân Đài được coi là vàng là ngọc, từ khi ra đời đến lúc lớn lên đều có phụ thân coi trọng dạy bảo, có mẫu thân chăm sóc quan tâm, có anh chị em cùng nhau chơi đùa, trải qua một tuổi thơ vui vẻ vô ưu.
Được lớn lên trong vòng tay mẹ cha, được song thân yêu thương dạy bảo vốn là quyền lợi chính đáng của bất kỳ đứa trẻ nào, nhưng hạnh phúc vốn rất bình thường ấy của con em nhà khác, anh em Lam thị đến mơ còn không dám.
Mỗi tháng chỉ được gặp hai con trai một lần nhưng mẫu thân của Lam Vong Cơ không hề oán trách mình bị nhốt ở đây buồn khổ như thế nào, chỉ hỏi việc học tập của hai con.
Mẫu thân rất thích trêu chọc Vong Cơ, Vong Cơ “càng bị trêu chọc lại càng ngậm tăm không nói, sắc mặt càng kém, từ nhỏ đã là như vậy”. Nhưng thật ra bé Lam Trạm rất yêu thương mẫu thân của mình, rất muốn được mẫu thân ôm vào lòng, véo véo khuôn mặt nhỏ xíu trắng như tuyết, hỏi han trêu đùa mình. Mỗi tháng Lam Trạm đều mong chờ đến ngày được gặp mẫu thân, cả hai anh em đều như thế.
Nghe câu này có lẽ không ít khán giả cảm thấy xót xa. Chỉ là hai đứa trẻ mà thôi, ở tuổi đó có đứa bé nào không quấn cha mẹ? Con nhà khác mỗi ngày đều được cha mẹ vỗ về chiều chuộng, nhưng còn Lam Hoán và Lam Trạm mỗi tháng phải đếm từng ngày một, đợi chờ mong ngóng được đến ngày gặp mẹ, trân quý từng giây từng phút được ở bên người thân thiết nhất của mình.
Khi đó Lam Trạm còn quá nhỏ, không hiểu “qua đời” nghĩa là gì, mặc kệ mọi người khuyên nhủ, mặc kệ thúc phụ trách mắng, mỗi tháng đều tiếp tục đến căn nhà tranh nhỏ đó, ngồi dưới mái hiên, đợi mẹ mở cửa cho mình.
Sau này lớn lên, hiểu được mẫu thân không bao giờ trở về nữa, nhưng mỗi tháng y vẫn đều đặn đến ngồi ở đó đúng ngày.
Lam Hi Thần nói “Vong Cơ từ nhỏ đã rất cố chấp”, là tình cảm đến cố chấp.
Lam Vong Cơ trời sinh mặt than, khuôn mặt luôn là băng sương vô cảm, nhưng thực tế bên trong lại rất nồng nhiệt và nhạy cảm, y trọng tình cảm, cũng rất cố chấp với những người mà mình đã nhận định.
Từ khi mẹ mất đến lúc trưởng thành, mỗi tháng Lam Vong Cơ đều đến trước căn nhà mà mẫu thân sống, cứ ngồi trước hành lang như vậy chờ người mở cửa dù biết rõ là sẽ không có ai mở cánh cửa ấy ra nữa, nếu không phải y rất yêu mẹ thì có lý do gì để kiên trì?
Với Ngụy Anh cũng cố chấp y như thế. Đó là người thứ hai trên đời gọi Lam Vong Cơ bằng tên thật. Thúc phụ và huynh trưởng đều gọi y là “Vong Cơ”, chỉ có mẫu thân gọi y là “A Trạm”, cũng chỉ có Ngụy Anh gọi thẳng y là “Lam Trạm”.
Lam Trạm cũng là người duy nhất gọi người đó là “Ngụy Anh”. Giang thúc thúc gọi hắn là “A Anh”, sư tỷ gọi hắn là “A Tiện”, Giang Trừng gọi “Ngụy Vô Tiện”, Hoài Tang gọi “Ngụy huynh”, Tư Truy gọi “Ngụy tiền bối”, chỉ có Lam Trạm gọi thẳng tên thật của hắn.
Tính cách của Lam Vong Cơ thuộc kiểu “chậm nhiệt”. Y không biết trực tiếp kết thân và biểu lộ tình cảm với người khác, nên cần người khác chủ động làm quen với y. Mẫu thân của Lam Trạm chủ động thể hiện tình thương với con trai mình, huynh trưởng của Lam Trạm cũng chủ động hỏi han quan tâm đệ đệ.
Ngụy Anh thì lại càng là dạng chủ động trời sinh, mặt dày mày dạn bám dính lấy trêu chọc Lam Vong Cơ đủ kiểu, trêu đến lúc y tỏ ra tức giận thì mới vui. Chỉ là Ngụy Anh không biết, đó là kiểu làm thân phù hợp nhất với người “chậm nhiệt” như Lam Trạm, cứ quấn lấy y trêu chọc, quan tâm, thể hiện rõ sự yêu mến của mình với y, y sẽ rất nhanh mềm lòng.
Và một khi Lam Trạm đã thực lòng yêu quý và đáp lại người kia, đồng thời cũng xác định rõ được tình cảm của mình, thì y cố chấp đến đáng sợ.
Cuộc tình “bất chấp đúng sai” của phụ mẫu, khi đó Lam Trạm còn quá nhỏ nên đương nhiên không hiểu được những ân oán cụ thể trong đó, nhưng y lại luôn khắc ghi vào ký ức của mình một suy nghĩ rằng: “Phụ thân đem mẫu thân về Vân Thâm Bất Tri Xứ giấu đi là để bảo vệ mẫu thân”.
Tuổi thơ của một đứa trẻ ảnh hưởng cực kỳ sâu sắc tới việc hình thành nhân cách của nó sau này, những suy nghĩ mà đã “ghim” sâu vào tâm khảm ngay từ bé thì cả đời rất khó thay đổi.
Cho nên lúc y nói thẳng với Lam Hi Thần rằng: “Đệ muốn đem một người về Vân Thâm Bất Tri Xứ, đem về, giấu đi” tức là y đã tuyệt vọng đến cực hạn, đã bắt đầu có ý định cưỡng ép bắt Ngụy Anh về nhà mình để bảo vệ tốt nhất cho hắn mặc kệ hắn có oán hận mình đi chăng nữa. “Vết xe đổ” của phụ thân năm xưa, Lam Trạm vào giờ phút ấy đã manh nha muốn dẫm vào rồi, nên y mới nói với Lam Hi Thần, dường như y muốn hỏi rằng: “Đệ có nên làm đến bước ấy không?”, mong muốn nhận được một lời khuyên hữu ích từ huynh trưởng - một người hiểu rõ mối nghiệt duyên “đem về giấu đi” năm nào.
Cô Tô Lam thị có gia quy 3000 điều khắc trên đá cực kỳ hà khắc, giáo dục nên con cháu và môn hạ đều đoan chính mẫu mực. Thế nhưng chính tại nơi gia giáo cổ hủ bậc nhất ấy, cũng là nơi nuôi dưỡng nên những con người si tình đến cố chấp, một đời chỉ yêu một người, sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ người mình thương, kể cả là chống đối lại cả gia tộc đi chăng nữa. Truyền thống thực sự của Lam gia là “si tình”, nên hành động “phá luật” có vẻ ngang ngược của Lam Vong Cơ không phải là tiên phong mà là “kế thừa” từ phụ thân y. Mà thực tế thì các thế hệ Lam gia từ thuở khai sơn lập phái đến nay, có đời nào không sinh ra “tình thánh”, Thanh Hành Quân và Hàm Quang Quân chỉ là hai trong số đó mà thôi.
Cuối cùng thì Lam Vong Cơ cũng đã làm được như phụ thân y, sẵn sàng chống đối cả thiên hạ để bảo vệ một người, đem người về Vân Thâm Bất Tri Xứ giấu đi.
Thanh Hành Quân, ngài có một đứa con trai si tình giống ngài y như đúc, không khác chút nào. Truyền thống của Lam gia đã được cháu trai út Lam Trạm kế thừa hoàn hảo.
Tái bút:
Phỏng vấn nhỏ: Bạn nghĩ gì về truyền thống si tình của Cô Tô Lam thị?