Một trong những nhà hoạt động nữ quyền lớn của nước Mỹ - Sara Sutterlin, với câu nói biểu tượng cho phong trào "Women support women": "Tôi tin vào sự quan trọng của việc những người phụ nữ tạo ra chỗ đứng cho những người phụ nữ khác. Một sự sẻ chia cùng nhau không có giới hạn, một sự chuyển giao quyền lực."
Tinh thần đó, phong trào đó đã có một sự phát triển mạnh mẽ trong suốt những năm vừa qua, đặc biệt là trong âm nhạc đại chúng. Qua đó thúc đẩy làn sóng nữ quyền không chỉ tại Hollywood mà cả ở Vpop cũng đang dần lớn mạnh, để trở thành một năm nữ quyền bừng sắc thắm như hoa hồng có gai nhọn, điều chưa từng có hoặc khó có được trước đây, theo nhiều góc nhìn.
Những góc nhìn về nữ quyền trong âm nhạc phát triển mạnh mẽ nhất tại phương Tây, nơi mà những biểu tượng như Madonna, Beyoncé, Lady Gaga... đã chứng minh được quyền lực của mình trong âm nhạc đại chúng cũng như bộc lộ được những góc khuất sâu thẳm về chính giá trị của bản thân, những người phụ nữ “yếu nhưng không đuối”.
Mãi đến những năm gần đây, khi ballad không còn là dòng nhạc thống trị Vpop thì khán giả mới có cơ hội được nhìn thấy nhiều hơn những sản phẩm âm nhạc mang tính chất châm biếm và đậm tính tuyên ngôn về nữ quyền.
Từ đầu năm 2022, Vpop đã sôi nổi trở lại sau khoảng thời gian dài trì trệ vì tình hình dịch bệnh. Lần lượt là những màn trở lại của những tên tuổi đình đám, tuy nhiên đâu đó thông điệp truyền tải trong những sản phẩm vẫn quay quần quanh các chủ đề cũ kỹ như tình yêu hay drama với mong muốn tạo ra những con số ấn tượng trên các bảng xếp hạng.
Giữa cuộc đua âm nhạc đó, xuất hiện những cái tên đi ngược với mặt bằng chung về công thức làm nhạc của Vpop, đáng khen nhất chính là những sản phẩm mang đậm dấu ấn “nữ quyền”, một chủ đề hầu như ít được quan tâm và khai thác trong nhạc Việt.
Nổi bật nhất trong năm qua chắc chắn phải kể đến Tóc Tiên với album Cong, bao gồm nhiều ca khúc với tiêu đề ấn tượng như: Một cọng tóc mai, 906090, Khá khen... Màn lột xác 360 độ của Tóc Tiên ắt hẳn gây ra những tranh cãi trái chiều về chất nhạc, tuy nhiên về góc độ tư duy cũng như ẩn ý được cài cắm xuyên suốt album thì đây xứng đáng là một dự án “đinh” dành cho phái đẹp, những con người luôn nằm trong định kiến về sự yếu đuối, ủy mị và phải cam chịu trước sự sắp đặt của đàn ông dù trong cuộc sống hay tình yêu.
Với Một cọng tóc mai, Tóc Tiên gây ấn tượng mạnh mẽ với câu hát “All my ladies, stand up please” (Tạm dịch: Hỡi những người phụ nữ của tôi ơi, giờ là lúc chúng ta nên vùng dậy), như một lời kêu gọi cho cuộc “khởi nghĩa” của những người phụ nữ bị thao túng trong tình yêu.
Bên cạnh đó, nữ ca sĩ cũng chúng minh được tinh thần phụ nữ 4.0 khi lên án việc body shaming, những tập tục cổ hủ hay “khẩu nghiệp” trên mạng xã hội qua ca khúc 906090. Phân cảnh cuối cùng trong 906090 cùng phần lyrics “Phải chăng con người mải mê… những mong muốn ham muốn ôi thật tệ hại” cũng gây nên sự tò mò cho nhiều người. Tóc Tiên chia sẻ:
“Nếu ở 2-3 năm trước, MV 906090 chắc chắn sẽ trở thành một sản phẩm âm nhạc mang tính giáo điều, và đó cũng không phải là điều Tiên mong muốn. Nhưng trong thời điểm hiện tại, khi sự “lệch chuẩn” vốn có của mỗi người đang được chấp nhận và tôn trọng, MV 906090 sẽ chỉ là một lời cổ vũ mọi người hãy cứ tiếp tục tự do thể hiện con người mình.
Chúng ta đang sống trong một thời đại thật ảo lẫn lộn khó lường và lắm khi những giá trị ảo được tung hô đến mức trở thành sự thật. Cái mở mắt cuối bài của nhân vật nữ là ẩn ý cho sự tự chủ bản thân trong việc giải quyết cuộc đời”.
Không chỉ đại diện lên tiếng cho nữ quyền, Tóc Tiên cũng không ngại bảo vệ bản thân khi bị cho rằng “âm nhạc ngày càng chán”. “Nếu Tiên tiếp tục hát EDM sẽ có nhận xét là cũ kỹ, an toàn, nếu hát ballad thì sẽ có nhận xét uỷ mị, sầu não quá. Bây giờ khi hát HipHop thì lại ‘thị trường quá’. Làm sao để làm hài lòng hết tất cả? Chắc chắn không thể làm hài lòng tất cả mọi người nên Tiên chọn làm những điều bản thân cảm thấy thoải mái trước đã, rồi sẽ tìm được những gì đồng điệu”.
Hoàng Thùy Linh là một nữ ca sĩ đặc biệt của Vpop, không chỉ về hành trình vươn lên từ đống tro tàn của “nhật ký vàng anh” để trở thành phượng hoàng, mà chính âm nhạc của cô cũng là một đế chế riêng khó lung lay.
Năm 2016, người hâm mộ ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc chuyển giao âm nhạc đầy ấn tượng của Hoàng Thùy Linh. Từ một cô nàng sexy, nóng bỏng với những bản pop dance nay đã trở thành một “bà trùm” trong dòng World Music. Hiếm có ca sĩ nào thành công như Hoàng Thùy Linh trong việc tận dụng các yếu tố văn hóa dân tộc để làm tài nguyên khai thác trong âm nhạc lẫn MV.
Từ Bánh trôi nước, Hoàng Thùy Linh đã chứng tỏ được khát khao khẳng định bản thân của phái đẹp. Qua 4 câu thơ của “bà chúa” Hồ Xuân Hương, Hoàng Thùy Linh truyền tải tinh thần của một chiếc “Bánh trôi nước” dù bị đẩy đưa, vùi dập nhưng chưa bao giờ đầu hàng trước số phận.
Cho đến hai album Hoàng và Link, nữ ca sĩ tiếp tục dùng âm nhạc để đấu tranh cho phái yếu. Những ca khúc như: Để Mị nói cho mà nghe, Trưởng nữ chạy trốn, Bo xì bo, Kẻ cắp gặp bà già,... đều là những màn chơi chữ đầy sống động pha lẫn châm biếm xoay quanh sự đề cao quyền lực của người phụ nữ trong cuộc sống lẫn tình yêu.
Trong lần “chốt sổ” 2022 với MV Bo xì bo, Hoàng Thùy Linh chia sẻ: “Linh nghĩ rằng trong cuộc đời mỗi người, chúng ta đều từng ít nhất một lần “bo xì” ai đó. Có thể chỉ là những giận hờn vụn vặt ngày còn bé, nhưng cũng có thể là một người đã từng quan trọng trong đời. Có khi điều đó khiến chúng ta tổn thương hay phiền lòng. Nhưng Linh tin rằng đôi lúc nó giống như một cơ chế phản vệ của cơ thể trước những điều tiêu cực, buông xuống để nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn”.
Hồ Ngọc Hà được biết đến là nữ ca sĩ sexy bật nhất Vpop, thế nhưng đa phần khán giả lại yêu mến cô qua những ca khúc thất tình, bi lụy như: Tìm lại giấc mơ, Gửi người yêu cũ, Cô đơn giữa cuộc tình... Đa phần những ca khúc thất tình của Hà Hồ đều được đúc kết từ những trải nghiệm của bản thân, chính vì lẽ đó vẫn có nhiều người cho rằng nữ ca sĩ là người sống quá cảm xúc mà quên mất việc giữ vững lí trí trước những đổ vỡ.
Trong năm qua, Hà Hồ ra mắt khá ít các sản phẩm âm nhạc, tuy nhiên Vì chính là em và Cô đơn trên sofa là 2 dự án gây được khá nhiều tiếng vang mặc dù nữ ca sĩ không hát ballad.
Vì chính là em là bản EDM khuấy đảo các đêm chung kết hoa hậu, cũng là ca khúc tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ và họ hoàn toàn có thể làm chủ cuộc chơi với câu hát “Baby what’s your name? Welcome to my game”. Trong khi đó, Cô đơn trên sofa lại khắc họa về những người phụ nữ xinh đẹp, thành đạt nhưng đều chịu nhiều tổn thương trong tình yêu quyết tâm buông bỏ những thứ làm tổn thương trái tim của mình.
Ở Hồ Ngọc Hà, những ẩn ý về tuyên ngôn nữ quyền không mang nhiều sự ẩn ý qua hình tượng, nữ ca sĩ truyền tải những góc nhìn gần gũi nhất. Hình ảnh Hồ Ngọc Hà cùng 4 khách mời trong MV nhảy múa tưng bừng cuối MV như một thông điệp chỉ cần bản thân vui vẻ, thì những đổ vỡ trong tình yêu chẳng có cơ hội để tổn thương chúng ta: “Mọi trạng thái chúng ta đều có quyền được trải qua, nhưng không có quyền nhấn chìm mình sâu trong nỗi buồn bi lụy”.
Tại thị trường âm nhạc phương Tây, hầu hết những nghệ sĩ đưa nữ quyền vào âm nhạc để đấu tranh cho góc tối bị bóc lột, bạo hành thậm chí xâm hại tình dục. Đế chế nữ quyền của Madonna rõ ràng đã tạo nên sức ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đối với lứa nghệ sĩ đi sau. Từ Britney Spears, Christina Aguilera, Jennifer Lopez... bắt đầu chung tay xây dựng nên một kỷ nguyên âm nhạc mà ở đó tính nữ quyền được phát huy đầy mạnh mẽ.
Những bản nhạc xập xình với ca từ đậm tính tuyên ngôn, những tạo hình từ quái dị cho đến nóng bỏng phá tan định kiến về những cô nàng Blond Bombshells - Khái niệm chỉ những cô đào mỏng manh, da trắng, tóc vàng là "con mồi" béo bở của các ông lớn ngành công nghiệp giải trí.
Trong khi đó tại Vpop, dấu ấn nữ quyền không quá nặng nề về góc tối trong showbiz mà ở đó những nghệ sĩ mong muốn dùng âm nhạc để truyền tải những thông điệp tích cực để người phụ nữ biết trân trọng giá trị bản thân hơn.
Tuy nhiên, dù với mục đích nào thì việc những nghệ sĩ nữ đề cao tiếng nói của phái đẹp trong các sản phẩm âm nhạc là điều rất đáng khuyến khích. Từ việc phá bỏ những xiềng xích về tiêu chuẩn của nữ giới đã mở rộng đường đi cho những nữ ca sĩ trẻ mạnh dạn hơn để nối tiếp màu sắc nữ quyền trong âm nhạc đương thời thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Khép lại một năm 2022 nhưng vẫn là dịp để ta nhìn lại những sự kiện nữ quyền mang tinh thần tích cực tại Vpop, để lấy đó làm động lực cho cả thị trường âm nhạc Việt Nam nói riêng và cho phụ nữ nói chung để khẳng định giá trị và sức mạnh nữ quyền trong những năm sắp tới của thập kỷ này.