Cách đây vài năm, Youtube được xem là một trong những công cụ, là thước đo độ hot cho các sản phẩm âm nhạc tại Việt Nam. Top trending dần trở thành nơi tham chiến của các ca sĩ, bởi chỉ cần sản phẩm âm nhạc sau khi ra mắt xuất hiện trên "bảng vàng" này thì nó hiển nhiên cho việc được nhiều người quan tâm.
Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi mà tại Việt Nam, ngoài Youtube ra thì khán giả khá mơ hồ về việc tiếp cận âm nhạc qua các hình thức khác như: nhạc số, album vật lý, BXH âm nhạc,... trong khi đó đây đều là những thành phần quan trọng trong việc tạo nên giá trị thương mại cho nghệ sĩ ở thế giới.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm trước, Youtube giờ đây gần như mất đi vị trí độc tôn khi các nghệ sĩ Việt bắt đầu cập nhật mô hình hoạt động âm nhạc trên các nền tảng khác như: TikTok, Spotify, Apple Music,... cũng như các BXH âm nhạc lớn nhỏ lần lượt ra đời. Điều này góp phần tạo nên một Vpop hội nhập và đa dạng hơn trong việc sản xuất âm nhạc mà ở đó người nghệ sĩ không còn mang nặng tâm lý về top trending Youtube.
Dám cá một điều rằng không có bất kỳ người nghệ sĩ nào ở "thì hiện tại" chưa từng xuất hiện trong đầu mong muốn sản phẩm mình làm ra sẽ lọt vào top trending Youtube.
Bởi sau thời kỳ hoàng kim của Vpop giai đoạn những năm 2000, tại Việt Nam đã không còn có sự xuất hiện của những BXH âm nhạc uy tín để khán giả có thể đặt hết niềm tin vào đó. Nếu có đi chăng nữa, cũng chỉ là những BXH tự phát, được tung hô như một chuẩn mực mới để đánh giá sản phẩm trong khi hình thức hoạt động lại xuất hiện quá nhiều sự mập mờ không rõ ràng.
Vì vậy khán giả họ cũng chẳng mấy mặn mà hay ham muốn để xem ca khúc của thần tượng đạt được vị trí thứ mấy trên các BXH đó. Cuối cùng họ vẫn quay về với top trending, nơi có thể theo dõi sự biến động một cách dễ dàng và trực quan nhất. Chính vì khán giả đổ dồn nhu cầu của mình vào top trending, nên nơi này đã trở thành mảnh đất mà bất kỳ nhà sản xuất nào cũng phải nhòm ngó.
Thế nên không mấy xa lạ khi các nhà sản xuất, các chương trình hay nghệ sĩ bị tác động bởi top trending, điều này được thể hiện thông qua các sản phẩm của họ. Những trào lưu, những câu chuyện có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trở thành nguồn tài nguyên màu mỡ cho các nghệ sĩ.
Không khó để bắt gặp Cô Minh Hiếu, chuyện tình Đam mỹ, đánh ghen,... xuất hiện tràn lan trong các MV. Việc đưa những hiện tượng này vào các dự án một cách vô tội vạ phần nào đã phản ánh lên được thứ áp lực tâm lý bắt nguồn từ top trending đang ảnh hưởng đến tư duy sản xuất của người nghệ sĩ.
Trên top trending ngày nay nhan nhản đủ các thể loại từ gameshow, MV, phim ngắn, tin tức tổng hợp,... Từ bao giờ các thể loại không hề liên quan đến nhau phải cạnh tranh ngôi vị đầu bảng trên một hệ thống để khẳng định rằng nó đang được mọi người quan tâm.
Điều đáng quan ngại là các sản phẩm lọt top trending có thật sự mang đến những giá trị tốt về chất lượng hay vì cố đưa những tiểu tiết giật gân, gây sốc với mong muốn "on top" mà trở nên lố bịch, nhảm nhí?
Vì sợ câu hỏi: "Vào top trending chưa?" mà người ta phải vắt chân lên cổ để làm hết thảy mọi thứ. MV phải có cảnh nóng, phải có đánh ghen, phải có cốt truyện drama tơi bời thì mới rộng đường để đi vào top trending. Hay các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng vẫn cố nhồi nhét những màn tấu hài kệch cỡm, những drama "giả trân" để câu view, những MV nhạc chế với ca từ, hình ảnh dung tục... là những gì dễ nhận thấy nhất từ một vài sản phẩm lọt top trending ngày nay.
Nói ra điều này không phải để chê bai bất kỳ ai, nhưng top trending đang là một thứ "dung dịch" có thể làm hòa tan nhiều giá trị đẹp đẽ đáng ra nên được phát huy trong các sản phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, cần đề cao một số nghệ sĩ có cái nhìn khách quan về top trending ngày nay. Hồ Ngọc Hà, Hoàng Thùy Linh, Đức Phúc, Erik... là những nghệ sĩ có nhiều sản phẩm lọt top trending, nhưng họ chưa bao giờ coi đó là thước đo hoàn hảo cho giá trị trong âm nhạc.
Cũng chính vì lẽ đó mà các sản phẩm âm nhạc của họ hầu như rất hiếm khi cài cắm các chi tiết gây sốc để câu view, thậm chí sẵn sàng chịu thất bại để phát hành các dự án mang tính cá nhân nhiều hơn thay vì đáp ứng thị hiếu khán giả.
Từ năm 2021 cho đến nay, Tik Tok có lẽ là nền tảng mạng xã hội bùng nổ và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhu cầu nghe nhìn của người dùng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Là sân chơi của các TikTok-er có sức ảnh hưởng, nơi này đã tạo ra rất nhiều xu hướng hoạt động nổi bật như: hát cover, nhảy dolce, remix,... vô hình chung lại giúp rất nhiều những ca khúc từng "bỏ ngõ" lại một phút lên hương, hồi sinh mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chắc chắn phải kể đến 2 Phút hơn của Pháo, đây là ca khúc gây được sự chú ý nhưng không thật sự đình đám tại Việt Nam. Mãi đến khi bản remix do KAIZ remix được ra đời, nó đã tạo nên một làn sóng cover trên toàn thế giới thông qua TikTok.
Từ việc trở thành cơn "sóng thần" trên TikTok, 2 Phút hơn của Pháo đã liên tục góp mặt trong các BXH âm nhạc quốc tế, hiệu ứng kéo theo khiến cho bản MV trên Youtube cũng "nhảy số" lên đến hàng trăm triệu view.
Một số trường hợp khác như Hương (Văn Mai Hương), Yêu đương khó quá thì chạy về khóc với anh (Erik), Kiếp chồng chung (Bùi Công Nam),... cũng không mấy khá khẩm trên Youtube nhưng lại là những "con quái vật" trên xu hướng âm nhạc của TikTok.
Nếu như trước đây, khái niệm "nhạc lậu" hay "đĩa lậu" đã quá quen thuộc với khán giả vì hoàn toàn miễn phí thì ở hiện tại, sự thâm nhập của các nền tảng âm nhạc có tính phí bắt đầu phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Điều này ban đầu xuất phát từ một số nghệ sĩ muốn bảo vệ tác quyền âm nhạc, siết chặt nạn "nhạc lậu" trên các trang nghe nhạc tự phát.
Điển hình là Mỹ Tâm - Nữ ca sĩ luôn luôn nói không với các trang nhạc miễn phí, thậm chí sẵn sàng khởi kiện nếu âm nhạc của mình bị sử dụng trái phép. Sự tiên phong của Mỹ Tâm đã góp phần thức tỉnh các nghệ sĩ trong việc đưa ra định hướng kinh doanh âm nhạc phù hợp cũng như tạo nên tiệm cận với cách thức hoạt động của nền âm nhạc thế giới.
Trên thế giới, những BXH âm nhạc có tuổi đời vài chục năm đã trở thành công cụ uy tín để chứng minh cho sự thành công của các sản phẩm âm nhạc như: Billboard, Rolling Stone, Gaon,... thế nhưng tại Việt Nam thì đó là câu chuyện rất nan giải.
Thời gian qua, một số BXH âm nhạc của Việt Nam đã được ra đời tuy nhiên vẫn chưa tạo nên chỗ đứng vững chắc. Trên thực tế, các BXH âm nhạc tại Việt Nam đa phần vẫn là dịch vụ trực thuộc các ứng dụng nghe nhạc như Spotify, Apple Music,... nhưng phần nào phản ánh được số lượng bán ra của mỗi ca khúc để có thể đặt chân vào các thứ hạng lớn nhỏ.
Nhìn chung, nền âm nhạc Việt Nam không chỉ đột phá về chất lượng các sản phẩm mà cách thức hoạt động cũng dần trở nên đa dạng hơn chứ không còn gói gọn trong việc muốn đưa chúng lên BXH trending Youtube. Đây là điều rất khả quan và thiết thực khi các ca sĩ có được các sân chơi thuần âm nhạc hơn và tạo ra các sản phẩm phù hợp phục vụ nhu cầu của khán giả.
Sẽ còn một chặng đường dài để định hình và củng cố xu hướng nghe nhìn của người tiêu dùng âm nhạc, nhưng rõ ràng Youtube đang mất thế độc tôn và có nguy cơ bị soán ngôi bởi các nền tảng khác. Chính điều này sẽ tạo ra cho các nghệ sĩ nhiều cơ hội để khai thác âm nhạc của mình trên các phương diện khác nhau chứ không còn chịu sự ảnh hưởng quá nhiều từ lượt xem trên Youtube.